Năm 1070, vua Lý Nhân Tông cho xây Văn Miếu (phía nam kinh thành Thăng Long) để thờ các vị thánh hiền. Năm 1076, ông xây Quốc Tử Giám cạnh Văn Miếu để dạy học cho con em hoàng gia. Từ năm 1253, vua Trần Thái Tông cho phép con cháu thường dân theo học miễn có năng lực xuất sắc. Hơn 700 năm hoạt động, Quốc Tử Giám đào tạo hàng ngàn hiền tài và được xem là đại học đầu tiên của VN.
Trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám có nhiều công trình tiêu biểu. Khuê Văn Các nghĩa là gác sao Khuê (biểu tượng của khoa bảng, thái bình, văn trị). Xây năm 1805 thời nhà Nguyễn, công trình được in hình ở mặt sau tờ 100.000 đồng này có dạng lầu vuông,
8 mái (4 thượng, 4 hạ), gỗ được chạm khắc tinh tế hình hoa lá, cuốn thư, rương sách… Giếng Thiên Quang hình vuông tượng trưng cho đất, soi ánh sáng trời (thiên quang). Hồ Văn (còn gọi là hồ Giám), giữa hồ có gò Kim Châu, nơi các nhà nho xưa thảo luận văn chương.
Bia tiến sĩ đặt trên con rùa bằng đá (mang ý nghĩa trường thọ, khôn ngoan) được vua Lê Thánh Tông cho dựng năm 1484 để tôn vinh những người đỗ tiến sĩ từ khoa thi 1442. Qua nhiều thăng trầm, đến nay vườn bia tiến sĩ còn 82 tấm và được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới năm 2010.
Bình luận (0)