Giả thuyết Va chạm Younger Dryas (YDIH) cho rằng một trong hai mảnh vỡ của sao chổi đã lao xuống địa cầu, gây ra sự thay đổi khí hậu khốc liệt và dẫn đến sự tuyệt chủng trên diện rộng cách đây từ 13.000 đến 9.000 năm trước.
Điều trùng hợp là trong giai đoạn này, con người buộc phải chuyển từ đời sống sinh hoạt săn bắn-hái lượm sang tập trung vào nông nghiệp và tạo ra các khu định cư. Giờ đây, các nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ sự chuyển biến này đến từ sự kiện sao chổi tấn công địa cầu, khiến khí hậu thay đổi.
Kể từ khi được nhà vật lý học hạt nhân Richard B. Fireston và các đồng nghiệp đề xuất năm 2001, giả thuyết về vụ tấn công của sao chổi trở thành đề tài tranh luận nảy lửa và cũng vì thế tạo ra trào lưu nghiên cứu sâu rộng về chủ đề này.
Trong một nỗ lực mới, tiến sĩ Martin Sweatman của Đại học Edinburgh (Scotland) đã rà soát chứng cứ có thể ủng hộ giả thuyết trên.
Báo cáo đăng trên chuyên san Earth-Science Reviews ghi nhận nồng độ vượt mức của platinum, những dấu hiệu của kim loại nóng chảy ở mức nhiệt độ cao và việc phát hiện các khoáng chất liên quan đến vụ va chạm như diamond nano ở nhiều nơi trên thế giới cách đây 13.000 năm.
Tất cả chứng cứ trên đều ủng hộ giả thuyết sao chổi từng tấn công Trái đất.
Năm 2017, một cuộc nghiên cứu về khảo cổ thiên văn thậm chí còn cho rằng người cổ đại đã chứng kiến sự kiện sao chổi lao xuống địa cầu, và nội dung đã được khắc trên các cột đá tại ngôi đền cổ Göbekli Tepe niên đại 10.000 năm.
Hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ, Göbekli Tepe nhiều khả năng là “ngôi đền đầu tiên của thế giới”, có liên hệ với cái nôi của nền văn minh loài người ở Tây Nam Á, theo tiến sĩ Sweatman.
Bình luận (0)