|
|
|
|
Nằm trên vùng chảy qua của hai con sông lớn là Tigrisvà Euphrates, với sự phát triển nông nghiệp tuy còn trong điều kiện khó khăn đã dẫn đến sự xuất hiện của nhà nước Lưỡng Hà. Do đó cư dân ở đây sớm bước vào xã hội văn minh, và hơn thế nữa đã sáng tạo nên những nền văn minh vô cùng rực rỡ. Lịch sử Lưỡng Hà là lịch sử của nhiều quốc gia, dân tộc mang nhiều sự khác biệt và đã cùng nhau đoàn kết để tạo nên những thành tựu tiêu biểu. Trong đó, phải kể đến các mặt như chữ viết, kiến trúc, toán học, thiên văn… đã giúp nền văn minh này có những ảnh hưởng nhất định đến khu vực và thế giới.
|
|
Khu vực Lưỡng Hà đã bước vào xã hội văn minh rất sớm và đã đạt được những thành tựu rực rỡ. Những thành tựu ấy một phần được tạo ra bởi chính tinh thần học hỏi và sáng tạo không ngừng của cư dân nơi đây.
Cư dân Lưỡng Hà cổ đại thờ rất nhiều vị thần liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi và những hiện tượng thiên nhiên gắn liền với cuộc sống gần gũi thường ngày: thần Mặt Trời (Samat), thần Đất (Enlin), thần Ái Tình (Istaro), thần Mẹ (Ihana), Thần Biển (Ea)… Người ta còn xây dựng nhiều đền, miếu thờ thần do các tăng lữ tiến hành nhiều nghi lễ rất phức tạp.
Từ cuối thiên niên kỷ IV đầu thế kỷ III TCN, người Lưỡng Hà đã sáng tạo ra chữ tượng hình. Đầu tiên chữ viết của họ là những hình vẽ, về sau họ đơn giản thành những nét vạch có ý nghĩa tượng trưng cho một hình vẽ nào đó. Họ thường dùng đầu cây gậy vót nhọn vạch lên những tấm đất sét còn mềm để lại dấu vết như hình những chiếc đinh. Vì vậy người ta hay gọi là chữ hình đinh, chữ hình góc hay chữ tiết hình. Ngày nay người ta còn lưu giữ được khoảng 2.200 tấm sách bằng đất sét ở nhà bảo tàng của thành phố Ninivơ.
|
Chữ tiết hình do người Sumer phát minh ra đầu tiên, về sau nhiều dân tộc ở Lưỡng Hà đều sử dụng và có biến đổi. Chữ tiết hình trở thành thứ chữ để giao tiếp giữa các dân tộc ở Tây Á thời cổ đại. Về sau, người Phênixi, một dân tộc chuyên buôn bán quanh Địa Trung Hải thời đó đã dựa vào chữ hình góc của người Lưỡng Hà, một phần chữ tượng hình của người Ai Cập cổ đã đặt ra hệ thống chữ cái A, B,… Từ chữ Phênixi đã hình thành ra chữ Hy Lạp cổ. Từ chữ Hy Lạp cổ đã hình thành ra chữ Latinh và chữ Slavơ và từ đó hình thành nên chữ viết của nhiều dân tộc trên thế giới ngày nay.
Văn học Lưỡng Hà gồm hai bộ phận chủ yếu là văn học dân gian và sử thi. Văn học dân gian gồm có cách ngôn, ca dao, truyện ngụ ngôn… Loại văn học này thường phản ánh cuộc sống lao động của nhân dân và cách cư xử ở đời. Loại văn học này thường là văn học truyền miệng, vì thế ngày nay người ta biết được không nhiều; Sử thi ra đời từ thời Sumer, đến thời Babylon chiếm một vị trí rất quan trọng. Nó chịu ảnh hưởng của tôn giáo rất mạnh. Chủ đề là thường ca ngợi các vị thần. Thuộc về loại này, có các truyện như “Khai thiên lập địa”, “Nạn hồng thủy”… Có thể nói văn học Lưỡng Hà cổ đại đã đạt được những thành tựu đáng kể, có ảnh hưởng lớn với khu vực Tây Á. Những truyện Khai thiên lập địa sáng tạo ra loài người, hay “Nạn hồng thủy”… trong kinh thánh đều bắt nguồn từ nền văn học Lưỡng Hà.
Nghệ thuật tạo hình của Lưỡng Hà cổ đại bao gồm hai mặt chính là kiến trúc và điêu khắc, trong đó đặc biệt là kiến trúc. Các công trình kiến trúc chủ yếu là tháp, đền miếu, cung điện, thành, vườn hoa. Vì thiếu đá, gỗ, các công trình kiến trúc của Lưỡng Hà đều xây dựng bằng gạch nhưng cũng rất to lớn hùng vĩ.
Thành tựu kiến trúc nổi bật nhất của Lưỡng Hà là hệ thống công trình gồm: thành quách, cung điện, tháp, vườn hoa của Tân Babylon. Do có điều kiện thuận lợi về kinh tế, chính trị và vị trí địa lí nên thành Babylon đã trờ thành trung tâm sầm uất phồn thịnh. Trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử. Đến đầu thế kỉ VII TCN dưới triều đại vua Nabucodonossor (604- 561 TCN), Babylon được hồi sinh.
|
Vườn treo Babylon là một khuôn viên hình vuông, cấu trúc kiểu dốc bậc, các tầng hiên xếp chồng lên nhau và toàn bộ công trình cao tới 77m, có 4 tầng, mỗi tầng là một vườn cây. Mặt bằng của mỗi tầng được lát bằng những phiến đá to rất khít phủ một lớp cói mỏng, đổ đất lên để trồng cây.
Đây là một công trình kiến trúc hết sức độc đáo, cung điện của nhà vua và vườn treo tạo thành một quần thể kiến trúc hùng vĩ. Vườn hoa trên không và thành Babylon về sau được người Hy Lạp coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới. Nhưng toàn bộ các công trình này đã đổ nát, nay chỉ còn lại những di tích mà giới khảo cổ học đã phát quật được.
Về khoa học tự nhiên, văn minh Lưỡng Hà cũng có những thành tựu nổi bậc và phát minh giá trị như toán học, hình học, thiên văn học… Về toán học, ban đầu người Sumer sử dụng hệ đếm cơ số 5, về sau nhiều tộc người ở Lưỡng Hà sử dụng đồng thời cả cơ số 10 và cơ số 60. Từ đó, người Lưỡng Hà phân chia 1 giờ thành 60 phút và 1 phút gồm 60 giây. Cũng chính nhờ vào cơ số 60, vòng tròn được chia thành 360 độ. Ngày nay, chúng ta còn chịu ảnh hưởng của họ qua việc chia độ trên vòng tròn và chia thời gian.
Từ xưa, người Lưỡng Hà cổ đại biết cách làm 4 phép tính cộng trừ nhân chia, biết phân số, lũy thừa, căn số bậc hai và căn số bậc 3. Họ biết lập bảng căn số để dễ tra cứu và biết giải phương trình có 3 ẩn số. Về hình học, xuất phát từ yêu cầu đo đạc ruộng đất, người Lưỡng Hà cổ đại đã biết tính diện tích các hình chữ nhật, hình tam giác, hình thang, hình tròn. Họ cũng đã biết tính thể tích hình chóp cụt. Ngoài ra, trước Pitago rất lâu, họ đã biết quan hệ giữa ba cạnh của tam giác vuông.
|
Người Lưỡng Hà cổ lập ra khá nhiều đài để quan sát thiên văn, các nhà thiên văn còn là các nhà chiêm tinh học. Họ cũng chia bầu thời làm 12 cung hoàng đạo, đã tính trước được nhật thực và nguyệt thực. Cũng chính họ đưa ra ý tưởng lịch 12 tháng dựa trên chu kỳ Mặt Trăng. Đây là cơ sở cho loại lịch âm dương mà chúng ta sử dụng ngày nay. Không lâu sau, người Ai Cập học hỏi loại lịch 12 tháng này nhưng áp dụng với Mặt Trời. Các thành tựu thiên văn học của người Babylon "đã trở thành tài sản chung cho các nhà bác học Hy Lạp và đóng vai trò quan trọng trong trong lịch sử ngành khoa học này.
|
Khoảng thiên niên kỷ IV TCN, người Sumer từ miền rừng núi Trung Á di cư xuống định cư dần ở miền Nam Lưỡng Hà, lấy nông nghiệp tưới tiêu làm hoạt động kinh tế chủ yếu và thiết lập nên nhiều quốc gia. Vì vậy có thể nói người Sumer là những người đầu tiên xây dựng nền văn minh cổ đại của lưu vực Lưỡng Hà.
Từ thiên niên kỷ III TCN, các bộ lạc du mục người Xêmit đã tới định cư trên một dải rộng từ Xiri đến sa mạc Aráp. Trong số đó, người Akkad đã định cư ở vùng trung lưu Lưỡng Hà, khoảng năm 3500 TCN chuyển từ đời sống du mục sang lối sống định cư dựa trên kinh tế nông nghiệp tưới tiêu. Cuộc xung đột để giành quyền bá chủ khu vực Lưỡng Hà cũng đã xảy ra giữa người Sumer và người Akkad trong suốt mấy trăm năm. Kết quả là cuối thiên niên kỷ III TCN, người Sumer và người Akkad đã đồng hóa với nhau.
Cuối thiên niên kỷ III TCN, người Amorite từ phía tây Lưỡng Hà lại tràn vào xâm nhập, chính họ đã tạo nên quốc gia cổ Babylon nổi tiếng trong lịch sử Lưỡng Hà. Tiếp sau đó, có rất nhiều bộ lạc thuộc nhiều ngữ hệ khác nhau ở các khu vực lân cận, cũng đã tràn tới cư trú ở khu vực Lưỡng Hà tạo nên sự đồng hóa hỗn hợp của các cộng đồng người với những ngữ hệ khác nhau, điều đó càng làm cho thành phần cư dân ở Lưỡng Hà phức tạp thêm. Dần dần trở thành trung tâm kinh tế Lưỡng Hà, không còn ở miền Nam Lưỡng Hà do vấn đề địa lý phải đưa lên miền Bắc nơi lưu vực có hai dòng sông gần nhau nhất mà thành phố Akkad - nơi tiếp các sự di chuyển đường thủy được xem là thuận lợi cho việc chuyển vận mà Nam Lưỡng Hà không có điều kiện như vậy.
|
Nhà nước ban đầu của người Sumer được tổ chức theo chế độ quân chủ chuyên chế, đứng đầu là nhà vua được gọi là Patêsi nắm tất cả các quyền lực tối cao, lời nói của vua là luật pháp. Đến thời vương quốc Hammurabi thì tổ chức bộ máy nhà nước tương đối hoàn thiện. Người Lưỡng Hà tin rằng các vị vua và vương hậu của họ là hậu duệ từ Thiên giới, nhưng không giống như người Ai Cập cổ đại, họ không bao giờ cho rằng các vị vua của họ là các vị thần thực sự. Hầu hết các vị vua tự xưng là "vua của vũ trụ", hay "đại vương". Một tên gọi phổ biến khác là "người chăn cừu", thể hiện các vị vua chăm nom thần dân của mình.
Địa lý Lưỡng Hà có tác động sâu sắc đến sự phát triển chính trị của khu vực. Giữa các dòng sông và suối, người Sumer đã xây dựng những thành phố đầu tiên cùng với các kênh đào thủy lợi được ngăn cách bởi những dải sa mạc rộng lớn hoặc đầm lầy nơi các bộ lạc du mục sinh sống. Giao tiếp giữa các thành phố bị hạn chế vì khó khăn và đôi khi nguy hiểm. Do đó, mỗi thành phố Sumer dần trở thành một thành bang, độc lập với các thành phố khác. Đôi khi có một thành phố cố gắng chinh phục và thống nhất khu vực, nhưng thường kết thúc thất bại. Do đó, lịch sử chính trị của Sumer là một chuỗi những cuộc chiến gần như liên tục.
Khi Assyria phát triển thành một đế chế, nó được chia thành các phần nhỏ hơn, được gọi là các tỉnh. Mỗi tỉnh được đặt theo tên của các thành phố chính như Nineveh, Samaria, Damascus và Arpad, và đều có tổng trấn riêng có nhiệm vụ giám sát việc thu thuế. Tổng trấn cũng là người chịu trách nhiệm thực thi pháp luật, huy động binh lính nhập ngũ và cung cấp công nhân để xây dựng đền thờ. Theo cách này, việc kiểm soát một đế chế rộng lớn trở nên dễ dàng hơn.
Khi kết thúc giai đoạn Uruk, các thành phố có tường bao phát triển còn nhiều làng mạc văn hóa Ubaid biệt lập bị bỏ hoang, cho thấy sự gia tăng của bạo lực. Một trong vị vua đầu tiên, Lugalbanda, được cho là đã xây dựng những bức tường trắng xung quanh thành phố. Khi thành bang bắt đầu phát triển, phạm vi ảnh hưởng của chúng chồng chéo lên nhau gây ra tranh chấp giữa các thành bang, đặc biệt là trên đất liền và kênh rạch. Những tranh chấp này đã được ghi lại trong các phiến đất sét từ thời điểm vài trăm năm trước khi xảy ra bất kỳ cuộc chiến lớn nào. Từ thời điểm này trở đi, chiến tranh đã trở thành một phần của hệ thống chính trị Lưỡng Hà. Đôi khi một thành phố trung lập có thể đóng vai trò trung gian cho hai thành phố đối thủ. Điều này đã giúp hình thành các liên minh giữa các thành phố, dẫn đến sự thành lập các quốc gia trong khu vực. Các đế chế hình thành và hướng các chiến dịch quân sự ra bên ngoài.
Lưỡng Hà là khu vực có những bộ luật sớm nhất. Từ thời vương triều III của thành bang Ua (thế kỷ XXII-XXI TCN), ở Lưỡng Hà đã ban hành bộ luật cổ nhất thế giới nhưng ngày nay chỉ còn lại một số đoạn. Những đoạn ấy nói đến các vấn đề thừa kế tài sản, nuôi con nuôi, địa tô, bảo vệ vườn quả. Trách nhiệm của người chăn nuôi đối với súc vật, sự trừng phạt đối với nô lệ bướng bỉnh và nô lệ chạy trốn.
|
Bộ luật quan trọng nhất ở Lưỡng Hà cổ đại là luật Hammurabi thời vua Hammaura (1796 TCN - 1750 TCN) - vị vua thứ 6 của Babylon. Bộ luật này được cho là cực kỳ tiến bộ và đã đề cập đến nhiều vấn đề giống như hiện đại bây giờ. Tất nhiên tuy cũng có nhiều điểm bất hợp lý nhưng nếu so với mặt bằng chung với sự ρhát triển lúc bấy giờ thì luật pháρ trong bộ luật Hammurabi đã giúp cân bằng và chỉnh đốn xã hội, góp vai trò lớn trong việc duу trì sự thịnh vượng của đế chế Babуlon. Bộ luật này được khắc trên bia đá. Đây là bộ luật cổ sớm nhất hầu như còn nguyên vẹn mà ngày nay đã phát hiện được.
Về chế độ gia đình Lưỡng Hà thuộc về phụ hệ có quyền đa thê, quyền này được thừa nhận. Các con cái đều có quyền thừa kế và đối xử như nhau. Xã hội có nhiều giai cấp, giai cấp thượng tầng là các chủ nô gồm thành phần các nhà quyền quý, các tư sản cũng như các tăng lữ, có quyền chiếm hữu được ruộng đất và tài sản công cộng... có quyền thuê mướn người làm nô lệ...
Lịch sử Lưỡng Hà kết thúc với việc bị Đế chế Achaemenes thôn tính vào cuối thế kỷ thứ 6 TCN, hoặc tại thời điểm cuộc chinh phạt của người Hồi giáo và thành lập Caliphate vào cuối thế kỷ thứ 7 CN, kể từ sau đó khu vực này được gọi là Iraq.
|
Lưỡng Hà nằm trên lưu vực hai con sông Tigrisvà Euphrates, phía Bắc của Lưỡng Hà ngăn cách với các bộ lạc người phương Bắc, bởi đường biên giới tự nhiên là dãy núi Acmênia, phía Tây là sa mạc Xiri, phía Đông giáp Ba Tư và phía Nam là vịnh Ba Tư. Ngày nay tương ứng với phần lớn Iraq, Kuwait, phía đông Syria, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và các vùng dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria và biên giới Iran-Iraq.
|
Lưỡng Hà là một đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu. Sông Tigrisvà Euphrates hàng năm trữ nước tưới mát cho dải đất mênh mông này... Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, văn minh Lưỡng Hà phát triển mạnh nông nghiệp, cư dân biết dùng bò để cày ruộng, làm đồ gốm bằng bàn xoay, làm hệ thống thủy nông tưới nước cho đồng ruộng. Những cây trồng chính là nho, ô liu, đại mạch và nhiều loại hoa quả khác.
Người vùng Lưỡng Hà lúc bấy giờ còn chú trọng chăn nuôi gia súc cũng như phát triển cả nghề đánh cá, đem lại một nguồn lợi thiên nhiên không nhỏ cho quốc gia này. Đặc biệt Lưỡng Hà có được khí hậu nóng ẩm hợp với việc canh tác, sản xuất được các thực vật có thể nói là đa dạng, hàng năm vào tháng Năm hàng năm có nước lũ của hai dòng sông đổ về phù sa màu mỡ đổ vào vùng đồng bằng giúp cho hoa màu phong phú. Chính nhờ có đất đai phì nhiêu như vậy nên khi công cụ sản xuất còn tương đối thô sơ, kinh tế ở đây vẫn có điều kiện phát triển, do đó đã sớm bước vào xã hội văn minh.
Với vị trí địa lý thuận lợi, kinh tế thương nghiệp cũng là một nét đặc trưng trong sự phát triển của nền kinh tế ở Lưỡng Hà. Babylon sớm trở thành trung tâm thương mại cho cả vùng Tây Á.
Trong khi Lưỡng Hà là một vùng màu mỡ thuận lợi cho cuộc sống của con người như vậy thì về địa hình, Lưỡng Hà là một vùng hoàn toàn để ngỏ ở mọi phía, không có những biên giới hiểm trở để bảo vệ, vì vậy trong mấy ngàn năm lịch sử, vùng này đã trở thành nơi tranh giành của nhiều tộc người khác nhau, dẫn đến sự hưng vong của nhiều quốc gia hùng mạnh một thời.
Về cư dân, người Sumer từ thiên niên kỷ IV TCN đã tới định cư ở Lưỡng Hà và xây dựng nên nền văn minh đầu tiên ở đây. Đầu thiên niên kỷ III TCN người Accat thuộc tộc Semit từ thảo nguyên Xyri cũng tràn vào xâm nhập và lập nên quốc gia Accat nổi tiếng. Cuối thiên niên kỷ III TCN, người Amorite từ phía tây Lưỡng Hà lại tràn vào xâm nhập, chính họ đã tạo nên quốc gia cổ Babylon nổi tiếng trong lịch sử Lưỡng Hà. Ngoài ra còn có một số bộ lạc thuộc nhiều ngữ hệ khác nhau cũng tràn vào xâm nhập trong quá trình lịch sử. Qua hàng ngàn năm lịch sử, các tộc người này hoà nhập lẫn nhau, tạo ra một cộng đồng dân cư ổn định, cùng đóng góp xây dựng nên nền văn minh Lưỡng Hà rực rỡ.
Có thể nói minh Lưỡng Hà được định hình bởi hai yếu tố đối lập: sự bất trắc của hai dòng sông Tigris và Euphrates (vào bất kỳ lúc nào cũng có thể gây ra những trận lũ lụt lớn quét sạch các quần cư), và sự màu mỡ đặc biệt của hai vùng châu thổ do phù sa của chính hai dòng sông tạo ra. Nếu sự giàu có của Lưỡng Hà có sức hấp dẫn đối với nhiều tộc người xung quanh thì những thời kỳ suy sụp lại là cơ hội cho những cuộc chiến tranh của các đế chế lân cận nhằm cướp đoạt lãnh thổ. Vì thế dễ thấy lịch sử văn minh Lưỡng Hà là sự kế tục của nhiều đứt đoạn khi một triều đại mới văn minh hơn và mạnh hơn thay thế cho một triều đại trước đó.
|
Lịch sử Lưỡng Hà là lịch sử của nhiều quốc gia, dân tộc. Những thành tựu văn minh là sự tổng hợp những thành tựu văn minh của tất cả các quốc gia, dân tộc đã sinh sống trong vùng Lưỡng Hà, trong đó người Sumer đóng vai trò hết sức to lớn, vì họ đã lập nên những quốc gia đầu tiên và cũng chính họ là người đặt nền móng cho nền văn minh ở khu vực này. Các nền văn minh Lưỡng Hà phát triển tương đối toàn diện, phong phú có sự kế thừa và phát triển. Là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại, văn minh Lưỡng Hà cổ đại đã có nhiều thành tựu đóng góp vô cùng to lớn, có nhiều ảnh hưởng tớn nền văn minh của các quốc gia ở Tây Á và nền văn minh Hy-La… Lưỡng Hà được xem là đã “truyền cảm hứng cho một số bước phát triển quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại, bao gồm việc phát minh ra bánh xe, trồng trọt những giống ngũ cốc đầu tiên, cùng với sự ra đời của chữ viết, toán học, thiên văn học và nền nông nghiệp".
|
Để hiểu biết mang tính chất nền tảng về các nền văn minh của nhân loại và hiểu sâu sắc hơn về nền văn minh Lưỡng Hà, Nhà Sáng lập - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết, cẩn trọng, tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, từ hàng ngàn tấm gương danh vĩ nhân thành công nhất của nhân loại với các tác phẩm tiêu biểu viết về lịch sử văn minh nhân loại như: “Nguồn gốc văn minh” (Will Durant), “Văn minh phương Tây và phần còn lại của thế giới” (Niall Ferguson), “Sự va chạm của các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới” (Samuel Huntington), “Nền văn minh và sự bất mãn của nó” (Sigmund Freud), “Lược sử loài người” (Yuval Noah Harari)… cùng nhiều cuốn sách quý khác. Tủ sách nền tảng Đổi đời gồm hơn 100 đầu sách quý, thấm đẫm tư duy biện chứng, tuần hoàn liên thông từ lập thuyết đến thực hành, hợp nhất tinh hoa của toàn thể nhân loại về 12 lĩnh vực căn cốt nhất: Khoa học, Triết học, Huyền học, Y học, Võ học, Kinh tài học, Chính trị học, Đạo đức học, Xã hội học, Mỹ học, Âm thanh học và Ngôn ngữ học nhằm khuyến khích việc học hỏi, tiếp thu và ứng dụng tinh hoa tri thức nhân loại. Từ đó, chuyển hóa sức mạnh tri thức thành sức mạnh vật chất, sức mạnh thể chất và sức mạnh tinh thần giúp mỗi cá nhân rút ngắn con đường đi đến thành công và hạnh phúc đích thực.
Sự thành công của nền văn minh Lưỡng Hà không chỉ được tạo bởi sự hiểu biết, ham học hỏi mà vượt trội hơn cả đó là tinh thần đoàn kết vượt lên mọi khác biệt cùng tầm ảnh hưởng lớn. Thế nhưng, văn minh Lưỡng Hà cổ đại cuối cùng cũng bị chia cắt và sự thịnh vượng không còn tồn tại nữa bởi không tuân thủ những giá trị cốt lõi: sự phục tùng người đứng đầu, việc tuân thủ các nguyên tắc, sự khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng dựa trên tư tưởng xâm chiếm, lợi ích riêng của các thành bang, đế chế; có tinh thần học hỏi và sáng tạo nhưng chưa toàn diện; vẫn tồn tại bất ổn nội bộ, chính sách cai trị bạo lực và nô lệ dẫn đến những cuộc tấn công từ các bộ lạc trung du và người du mục thường xuyên diễn ra, xu hướng trung tâm hóa của các thành bang khiến cho quyền lực của chính quyền trung ương trên toàn khu vực bị phân mảnh.
Dù vậy, nền văn minh Lưỡng Hà cũng đã đóng góp cho nhân loại nhiều phát minh giá trị, có ảnh hưởng quan trọng đối với văn minh khu vực và thế giới.
|
Đón đọc kỳ sau: Văn minh Maya - Kho tàng trí tuệ bí ẩn
Bình luận (0)