Vấn nạn họp hành

16/11/2018 05:37 GMT+7

Nghịch lý là ở đây, khi trốn họp là “vấn nạn” thì họp nhiều, họp vô bổ cũng là “vấn nạn”. Và không biết cái nào tai hại hơn cái nào.

Ngày 14.11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phê bình lãnh đạo nhiều huyện vì bỏ họp giữa chừng khi tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến thu quỹ phòng chống thiên tai - chương trình phát triển 15.000 hợp tác xã và mỗi xã một sản phẩm.
Theo lãnh đạo tỉnh thì thành phần dự họp là các vị sẽ phải về triển khai chính sách ở huyện, không họp dễ dẫn đến sai sót, có thể bị người dân khiếu kiện. Do đó, bên cạnh yêu cầu chấn chỉnh ngay, ông còn gửi thông báo về thường trực huyện ủy, báo cáo với thường trực tỉnh ủy.
Với đặc trưng nghề nghiệp phải tham gia rất nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo... người viết hiểu thực trạng bỏ họp, ngủ gật, nghịch điện thoại là phổ biến.
Ngay mới cách đây 3 ngày, sau khi Quốc hội bấm nút thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn điều chỉnh, thì người viết bắt gặp trước thềm nhà Quốc hội hàng loạt... bộ trưởng bỏ họp ra về. Trong nhiều kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội luôn phải ra văn bản nhắc nhở việc các đại biểu vắng mặt nhiều quá, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, cũng chẳng thể trách các vị bộ trưởng, nếu sau đó Quốc hội thảo luận về nội dung không liên quan đến họ, mà bộ thì còn cả một núi việc, hay thậm chí là... 3, 4 cuộc họp khác đang chờ.
Nói chung, bỏ họp, trốn họp là hiện tượng không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị một chuyên gia bình luận giúp về vấn đề này cho chuyên mục Chào buổi sáng thì lập tức bị từ chối với lý do bản thân chuyên gia cũng... trốn họp suốt. Lý do trốn? Vì có quá nhiều cuộc họp vô bổ.
Nghịch lý là ở đây, khi trốn họp là “vấn nạn” thì họp nhiều, họp vô bổ cũng là “vấn nạn”. Và không biết cái nào tai hại hơn cái nào.
Tháng 11.2017, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã phải thành lập hẳn một ban biên soạn đề án “giảm họp” sau khi Giám đốc Sở KH-ĐT than phiền về việc trong 7 tháng mà lãnh đạo sở phải họp đến hơn 2.000 cuộc; bình quân cứ 3 - 4 cuộc/ngày, chưa kể họp đột xuất. Sở Quy hoạch - Kiến trúc có kém đôi chút, nhưng cũng họp hơn 1.500 cuộc trong 7 tháng. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cũng cho biết, khi đương chức ông nhận được trên 400 giấy mời họp mỗi năm, tức là hơn một cuộc họp mỗi ngày.
Ông Phúc còn thống kê cứ mỗi ngày làm việc, cả nước có gần 3.000 cuộc họp, một cán bộ lãnh đạo phải dự ít nhất 3 - 4 cuộc họp cùng nội dung. Nói đến đây, người viết nhớ ra lần gặp một cán bộ cao cấp bên hành lang Quốc hội ngay khi các vị đại biểu vẫn đang thảo luận trong hội trường. Hỏi tại sao không nghe, vị này nói ông nghe nội dung này ít nhất... 4 lần, ở các cấp, nghe mãi vẫn vậy.
Nhiều cơ quan đã phải tổ chức những sự kiện tréo ngoe kiểu “họp về đề án giảm họp”, mà xem ra vẫn chưa có tiến triển gì. Cắt giảm thì không được, vì họp cuộc nào cũng quan trọng; nhưng khi tổ chức ra thì họp cuộc nào cũng trốn được hết...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.