Bê bối gian lận bầu cử được cơ quan lập pháp Trung Quốc công bố hồi tháng trước khiến dư luận đặt nghi vấn về thị trường mua bán "ghế" trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị cuộc bầu cử địa phương vào năm 2017.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc giữa tháng 9.2016 đã tuyên bố bãi nhiệm 45 đại biểu quốc hội sau khi đã bỏ phiếu tước bỏ tư cách đại biểu của họ. Những người này được cho đã mua phiếu bầu và hối lộ trong cuộc bầu cử hồi năm 2013, theo Tân Hoa xã ngày 13.9.South China Morning Post nói rằng các đại biểu này đã đút lót phong bì cho các cử tri và cả những kẻ môi giới chính trị đầy quyền lực ở Trung Quốc để thắng trong cuộc bầu cử.
“Thông qua những bữa tiệc, họ đưa phong bì cho khách mời là những cử tri từ 500 đến 5.000 nhân dân tệ (750 USD), trong khi đối với khách ‘nặng ký’ như những người đứng đầu cơ quan lập pháp địa phương, phong bì lên đến hàng chục triệu nhân dân tệ (cả triệu USD)”, một quan chức ở thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, nói.
Một quan chức giấu tên, biết về vụ gian lận của đại biểu quốc hội ở Liêu Ninh, nói rằng những kẻ môi giới quyền lực thường đảm bảo chuyện thắng cử, trong trường hợp thất bại thì hứa sẽ hoàn lại tiền. Tuy nhiên một nhà báo ở Liêu Ninh nói rằng một doanh nhân phàn nàn không đòi được tiền sau khi thất bại trong cuộc bầu cử hồi năm 2013.
Liêu Ninh là một trong những tỉnh, thành ở Trung Quốc dính vụ xì căng đan tai tiếng mua bán ghế trong cơ quan lập pháp. South China Morning Post cho hay còn nhiều tỉnh, thành khác có gian lận nhưng chưa được phanh phui. Ngoài 45 người bị bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội, ở Liêu Ninh còn có 454 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh cũng bị bãi nhiệm vì gian lận trong bầu cử.
Nạn đưa và nhận hối lộ rất phổ biến ở Liêu Ninh, quan chức nói trên nhận định. “Bạn sẽ bị xem là bất thường và ‘vi phạm’ luật bất thành văn khi từ chối phong bì hay quà cáp, trong khi hầu hết những người khác đều nhận”, ông nói.
Trong khi đó, một cựu đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Liêu Ninh nói rằng “mua ghế trở thành chuyện bình thường” trong các kỳ bầu cử địa phương. "Người ta phải đối phó với nhiều vấn đề rắc rối trước khi hạ cánh xuống một chiếc ghế trong cơ quan lập pháp", ông phát biểu.
Bình luận (0)