Tổng cộng số tiền mà 999 đơn vị này nợ đóng BHXH lên đến hơn 1.655 tỉ đồng. Đáng nói, trong danh sách đó có những công ty, doanh nghiệp “tên tuổi” nhưng nợ đóng BHXH trên 10 tỉ đồng hoặc nợ hàng trăm người lao động.
Tình trạng nợ, trốn đóng BHXH này không phải là chưa có tiền lệ, ngược lại, nó kéo dài đã rất lâu và theo nhận định của BHXH TP.HCM, tình trạng này gần đây còn diễn ra với tính chất tinh vi và phức tạp hơn.
Người lao động làm thủ tục tại cơ quan BHXH TP.HCM |
SỸ ĐÔNG |
Dẫu thừa nhận tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc trích đóng BHXH của các doanh nghiệp, tuy nhiên không ít đơn vị lấy lý do đó để cố tình tránh né. Hậu quả, người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi nghiêm trọng. Nhãn tiền là việc họ không thể nhận được khoản bảo hiểm thất nghiệp nếu bị thất nghiệp vì dịch Covid-19, chứ chưa kể đến có được chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất hay không.
Tại sao lại có tình trạng này? BHXH TP.HCM nêu lên nhiều lý do: sự thiếu thống nhất trong văn bản quy phạm pháp luật về các hành vi trốn đóng, chậm đóng; các yếu tố cấu thành tội phạm; việc xử lý đối với đơn vị phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; nhiều đơn vị chây ì không khắc phục sai phạm mặc dù đã được thanh tra, xử phạt hành chính... Đáng nói, dù BHXH TP.HCM nhiều lần gửi hồ sơ sang phía công an để kiến nghị khởi tố hình sự, tuy nhiên kết quả có vẻ không được như mong đợi.
Nguy cơ “mất trắng” số tiền hơn 1.655 tỉ đồng còn đó. Và quyền lợi của người lao động vẫn đang bị xâm hại. Chỉ khi việc tổ chức thực thi pháp luật về BHXH chặt chẽ và chế tài thật nghiêm khắc để xử lý các trường hợp vi phạm thì mới có hy vọng giải quyết dứt điểm tình trạng chây ì đóng BHXH.
Bình luận (0)