Văn nghệ sĩ TP.HCM kể khó với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng

05/01/2017 23:48 GMT+7

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) TP.HCM, đã báo cáo các kết quả đạt được trong năm qua cùng những trăn trở của các hội viên trước các vị lãnh đạo TP.

Chiều 5.1, các lãnh đạo TP.HCM gồm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung... đã có cuộc gặp gỡ với hơn 300 đại biểu văn nghệ sĩ tiêu biểu của TP.HCM ở các lĩnh vực.
PGS-TS Văn Thị Minh Hương giới thiệu với lãnh đạo TP về việc hội sắp cho ra mắt Trung tâm VHNT đặt tại số 81 Trần Quốc Thảo (TP.HCM), có 4 chức năng: đào tạo, tổ chức sự kiện VHNT, tổ chức biểu diễn và tư vấn các tranh chấp về bản quyền…
Đại diện cho các diễn viên trẻ, nghệ sĩ cải lương Lê Tứ, mong TP.HCM có một sân khấu cải lương đúng tầm. “Việc nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được xây dựng nhưng chưa được đưa vào hoạt động khiến nghệ sĩ gặp nhiều thiệt thòi, đất diễn bị hạn chế nên không có điều kiện dụng võ. Tôi cũng mong muốn TP nên có những chuyến đi về nguồn cho văn nghệ sĩ trẻ để có dịp tìm hiểu thêm lịch sử dân tộc, các danh nhân văn hóa để bổ sung vào vốn kiến thức cá nhân về các nhân vật mà người nghệ sĩ có dịp được hóa thân…”, nghệ sĩ Lê Tứ nói.
NSND Đoàn Dũng kiến nghị lãnh đạo TP quan tâm, tạo điều kiện cho Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM lớn mạnh Ảnh: Long Hồ
Nhà nghiên cứu Trần Trọng Đăng Đàn đặt vấn đề: "Lâu nay chúng ta thường đề cập đến lý luận VHNT thuần túy mà không đề cao việc nghiên cứu lý luận. Tờ báo Văn nghệ của hội lâu nay đáp ứng được sự mong mỏi của độc giả ở một số lĩnh vực nhưng cũng cần mở rộng thêm vấn đề nghiên cứu lý luận”.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Huỳnh Văn Mười nêu quan điểm: “Sắp tới, theo qui hoạch TP.HCM sẽ là một trong ba trung tâm công nghiệp hóa lớn nhưng lĩnh vực VHNT chúng ta vẫn còn thiệt thòi nhiều, kinh phí cần phải dành đầu tư cho VHNT hơn nữa mới có thể ra đời nhiều tác phẩm xuất sắc”.
Nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính còn đề nghị nên có dự án tìm lại các văn nghệ sĩ đã hi sinh trong chiến tranh để tôn vinh, truy phong, phong tặng các danh hiệu cao quý cho những người đã khuất. Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký thì mong có những đề án, kế hoạch triển khai cho thiếu nhi…
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng lắng nghe và trao đổi các ý kiến tâm huyết của văn nghệ sĩ Ảnh: Long Hồ
Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng dù kinh phí các lĩnh vực khác còn thiếu nhưng đảm bảo vẫn ưu tiên cho VHNT. Ông ghi nhận những đóng góp chân thành của các đại biểu và khẳng định sẽ làm hết sức mình để văn nghệ sĩ TP có điều kiện tốt nhất để sáng tác và cống hiến.
“Sắp tới TP sẽ cử cán bộ ra nước ngoài học tập, thậm chí thuê chuyên gia vào đào tạo trong nước. Sẽ xây dựng nhà hát cải lương bài bản vì TP.HCM mà không có nhà hát cải lương thì cũng như các tỉnh thành khác, phải tạo ra bản sắc riêng biệt. Tôi cũng đã giao cho Thành đoàn có đề án khôi phục nhà hát cho thiếu nhi”, ông Đinh La Thăng cho biết.
Trước khi dứt lời, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng không giấu diếm sự ngưỡng mộ đối với các nghệ sĩ tên tuổi: “Tôi rất vui hôm nay được gặp lại nhiều thần tượng của mình thời còn đi học. Những người mà tôi từng mơ ước được gặp trong đời thì hôm nay mong muốn ấy đã thành sự thật. Tôi nhớ mãi kỷ niệm lúc nhỏ lỡ tay làm rách tờ áp phích có in hình NSND Trà Giang mà bị bố đánh mấy roi rất đau. Sau này tôi mới hiểu thì ra chị Tư Hậu không chỉ là thần tượng của tôi, mọi người, mà còn của chính bố tôi nữa. Nghệ sĩ là vậy. Hôm nay có nhiều người bằng tuổi bố tôi nhưng xin được gọi tất cả đều là anh chị vì các anh chị nghệ sĩ luôn trẻ, không bao giờ có tuổi cả”.
Ông Đinh La Thăng cho biết rất vui vì được gặp và chụp ảnh với thần tượng - NSND Trà Giang Ảnh: Quỳnh Trân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.