Đó là một trong những vấn đề mà báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 công bố ngày 14.3 xếp vào danh mục “xu hướng đáng quan ngại”. Đây là báo cáo thường niên lần thứ 12 do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Mỹ (USAID) thực hiện trên cơ sở phản hồi của gần 10.000 doanh nghiệp (DN) dân doanh và 1.500 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Còn nhiều phàn nàn
Nhìn tổng thể, báo cáo năm 2016 cho thấy môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện. Điển hình như chỉ số gia nhập thị trường, thì thời gian đăng ký thành lập DN năm qua trung bình còn 7 ngày, so với con số 20 ngày vào năm 2006, năm bắt đầu thực hiện đánh giá PCI. Tương tự, nếu năm 2011 chỉ có khoảng 60% DN nhận định chính quyền địa phương năng động và sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề mới phát sinh thì 5 năm sau, tỷ lệ này tăng lên mức 70,5%...
Dẫu vậy, vẫn còn rất nhiều lời phàn nàn về một môi trường thiếu minh bạch, tạo cơ hội cho nhũng nhiễu, tham nhũng. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), khi trình bày báo cáo PCI cho biết chi phí không chính thức giai đoạn 2014 - 2016 chưa có dấu hiệu cải thiện. “Các chỉ tiêu đo lường ở giai đoạn này dường như diễn biến theo xu hướng tiêu cực so với giai đoạn 2008 - 2013. Trung bình có khoảng 66% DN phải “móc hầu bao” cho các khoản không chính thức, cao hơn 12 - 15 điểm phần trăm so với 5 năm trước”, ông Tuấn dẫn chứng.
Trong khi đó, điều tra với hơn 1.500 DN FDI lại ghi nhận những phàn nàn về vấn đề thanh kiểm tra, nhất là thủ tục với ngành thuế. Đáng chú ý, trong năm 2016 có 7 DN bị thanh kiểm tra hơn 20 lần và cá biệt có 1 công ty bị kiểm tra tới 50 lần. Tình trạng này tập trung chủ yếu ở các DN có quy mô từ vừa tới lớn. Một DN có trên 500 lao động thì xác suất bị rơi vào nhóm thanh kiểm tra thường xuyên là 10% và công ty nào có cấp độ lớn hơn 1 bậc (theo số lượng lao động hay vốn đăng ký) thì xác suất kiểm tra tăng thêm 8%.
Quen biết có lợi hơn
Theo cảm nhận của các DN FDI, tình trạng tham nhũng có xu hướng giảm, nhưng cùng với đó thì “kết quả giải quyết công việc cũng trở nên khó đoán biết hơn trước”. Mặc dù chỉ 8% DN cho biết họ đưa quà vì bị cán bộ thanh kiểm tra đòi hỏi, song tỷ lệ công ty coi đó như “luật bất thành văn” chiếm 59%. Điều tra PCI năm qua với khối FDI cho thấy có 45% DN đưa quà và chi phí “bôi trơn” trong các đợt thanh kiểm tra năm 2016. Khối này cho rằng trên thực tế, khả năng tiếp cận tín dụng sẽ lớn hơn khi có mối quan hệ thân hữu với các cơ quan nhà nước.
Điều này lại càng đặc biệt đúng trong vấn đề mua sắm công khi mà cơ quan nhà nước và DN nhà nước muốn làm việc với nhau hơn, khiến công ty tư nhân chủ yếu đóng vai trò thầu phụ trong các hợp đồng. Báo cáo điều tra PCI - FDI cho hay có khoảng 25% DN FDI thừa nhận đã trả tiền “bôi trơn” để có được giấy phép đầu tư và 13,6% trả hoa hồng khi cạnh tranh các hợp đồng của cơ quan nhà nước.
Tương tự, các công ty tư nhân trong nước quan niệm mối quan hệ cá nhân với công chức nhà nước giữ vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. “Năm 2016 có 66% DN cho biết phải sử dụng quan hệ để tiếp cận thông tin. Còn thương lượng các khoản thuế phải nộp là một phần tất yếu”, báo cáo dẫn chứng.
Đà Nẵng năm thứ 4 dẫn đầu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Kết quả chỉ số được VCCI công bố cho thấy TP.Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu danh sách với điểm số 70, bỏ xa địa phương xếp thứ 2 là Quảng Ninh (65,5 điểm). Đây là năm thứ 4 liên tiếp và là lần thứ 7 trong 12 lần PCI được công bố TP.Đà Nẵng được cộng đồng các DN xếp hạng vị trí cao nhất.
Top 5 còn có sự góp mặt của Đồng Tháp, Bình Dương, Lào Cai. Ở nhóm 5 địa phương cuối bảng đều là các tỉnh miền núi phía bắc và khu vực Tây nguyên gồm: Cao Bằng, Lai Châu, Đắk Nông, Bắc Kạn và Hà Giang. Một trong những bất ngờ đáng chú ý trong bảng xếp hạng năm nay là sự quay trở lại của Bình Dương (thứ 4), tăng đến 21 bậc so với 1 năm trước.
|
Bình luận (0)