Vẫn rối cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu

18/05/2013 03:30 GMT+7

Những bức xúc về tình trạng “tăng nhanh, giảm chậm” của giá xăng dầu vẫn chưa thể giải quyết khi cả 3 phương án điều chỉnh giá Bộ Công thương đưa ra trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu vẫn chưa tạo được sự đột phá, cũng như chưa nhận được sự đồng thuận từ các chuyên gia, doanh nghiệp.

Vẫn rối cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu

VINPA cho rằng thuế và quỹ bình ổn sử dụng không hợp lý khiến giá xăng dầu đang méo mó - Ảnh: Ngọc Thắng

Áp giá trần hay điều chỉnh linh hoạt ?

Cụ thể, theo phương án 1, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh tăng/giảm giá là 15 ngày. Nếu các yếu tố cấu thành giá cơ sở tăng dưới 5% so với giá bán lẻ hiện hành, đầu mối được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng. Nếu tăng/giảm từ 5-10%, doanh nghiệp (DN) được tăng giá và sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG); từ 10% trở lên, nhà nước công bố các biện pháp bình ổn giá thông qua thuế, quỹ BOG. Khi giá cơ sở giảm tới 6%, DN mới phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Trường hợp giá cơ sở giảm trên 6%, ngoài việc sử dụng các công cụ thuế, quỹ, DN tiếp tục giảm giá bán lẻ không hạn chế khoảng cách 2 lần giảm.

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, xăng dầu vốn là hàng hóa nhạy cảm, hễ tăng là kéo theo các hàng hóa khác tăng theo. “Các DN xăng dầu bảo chỉ có trong ngành mới hiểu được, và luôn muốn giá tăng bằng giá thế giới. Ở Việt Nam có nhiều câu chuyện kỳ lạ. DN khẳng định xăng dầu giờ là mặt hàng quản lý tốt nhất của nhà nước, nhưng thực tế, có DN mua xăng dầu pha acetone, gắn con chip... làm thiệt hại cho người tiêu dùng. Chúng tôi chỉ mong chính sách điều chỉnh làm sao để quyền lợi của cả nhà nước, người tiêu dùng và DN được bảo đảm. Chúng tôi muốn thông tin minh bạch”, ông Hùng nói.

Với phương án 2, Bộ Công thương đề xuất cố định mức giá cơ sở của tháng trước sử dụng làm giá bán lẻ của tháng tiếp theo (giá cơ sở được tính toán theo giá Platts Singapore bình quân 30 ngày). Các DN được tăng, giảm giá nhưng không vượt quá giá trần do liên bộ công bố. Nếu giá cơ sở vượt quá giá bán lẻ từ 5% trở lên, DN được phép tăng 5% và liên bộ sử dụng các công cụ điều hành khác.

Điểm mới nhất là tại phương án 3, Bộ Công thương đưa ra mức trần giá bán lẻ xăng dầu cho cả năm tại ngày đầu tiên của năm. DN được tự quyết định giá bán, thời điểm điều chỉnh giá tùy thuộc vào phương án kinh doanh của từng DN. Định kỳ hằng quý, năm, cơ quan quản lý nhà nước tính toán chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ quy định, nếu giá cơ sở vượt trần thì sử dụng Quỹ BOG (đưa chung vào một tài khoản do nhà nước lập, quản lý). Mức trần giá bán lẻ cả năm bằng giá cơ sở (loại bỏ lợi nhuận định mức) trung bình năm trước cộng mức trần tăng giá. Trong đó, mức trần tăng giá bằng giá cơ sở (bỏ lợi nhuận định mức) trung bình năm trước nhân CPI dự kiến trong năm.

Tại hội thảo về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định (NĐ) 84 do Hiệp hội Xăng dầu VN (VINPA) tổ chức sáng 17.5, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết phương án 1 đang nhận được nhiều sự đồng thuận hơn cả. Ông Quyền cũng lý giải, mục đích kéo giãn thời gian điều chỉnh giá từ 10 ngày hiện nay xuống 15 ngày theo dự thảo nhằm để số lần tăng, giảm giá không quá dày. Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng nên giữ nguyên cách tính giá như hiện nay, tức là giữ thời gian điều chỉnh cách nhau 10 ngày. Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH TM-DV Đồng Tháp, thời gian điều chỉnh giá 15 ngày là quá xa, dễ gây áp lực khi giá lên xuống nhanh, thời gian 10 ngày là phù hợp. Nếu giảm giá có thể chỉ cần 5 - 7 ngày nếu giá bình quân thế giới 30 ngày giảm.

Cùng cách nhìn này, ông Nguyễn Văn Tiu, Tổng giám đốc Công ty CP xăng dầu Tự Lực 1, cho rằng thời gian điều chỉnh, nhất là tăng giá kéo dài, gây xáo trộn, khó khăn cho cả DN, vì kéo dài thì đầu mối lỗ, do vậy chỉ nên giữ thời gian mỗi lần điều chỉnh là 10 ngày.

Bỏ quỹ bình ổn, giữ ổn định thuế

 

Phải công khai giá cơ sở hằng ngày

Điểm đáng chú ý khác của dự thảo là buộc các thương nhân đầu mối phải hằng ngày công bố công thức tính giá cơ sở, giá thế giới, việc trích lập và sử dụng Quỹ BOG trên website; đồng thời, Bộ Tài chính cũng định kỳ công bố những thông tin trên. Việc siết chặt lại hệ thống phân phối cũng được đề cập đến với quy định rõ trách nhiệm và trách nhiệm liên đới của địa phương, DN đầu mối với hệ thống phân phối xăng dầu của mình, tránh tình trạng xăng dầu pha lẫn tạp chất hoặc đóng cửa như thời gian vừa qua.

Theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch VINPA, việc quản lý, điều hành Quỹ BOG không minh bạch, khiến người tiêu dùng bức xúc. Ví dụ giá đáng lẽ chỉ tăng 1.000 đồng/lít nhưng vì phải gánh quỹ nên tăng thành 1.300 đồng/lít. Ông Ruệ cho rằng, NĐ quản lý quỹ đã được Thủ tướng Chính phủ quy định chặt chẽ, nhưng lỗi là do Bộ Tài chính, Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện chưa đến nơi đến chốn.

“Cơ quan quản lý đang lạm dụng Quỹ BOG và thuế nhập khẩu làm giá xăng dầu méo mó. Giá bình quân nhập khẩu chỉ giảm vài USD mà tăng thuế nhập khẩu là tùy tiện. Điều hành vừa rồi quá khó hiểu, tôi theo dõi thị trường nhưng cũng không thể hiểu khi có thời điểm cần giảm thì giá lại tăng tới 1.480 đồng”, ông Ruệ nói. Lý giải cho điều này, ông Ruệ cho rằng thuế nhập khẩu xăng dầu đang biến động quá nhiều, năm 2010 thuế chỉ điều chỉnh 4 lần, nhưng năm 2012 thuế điều chỉnh 7 lần.

Ông Nguyễn Thế Dũng cũng bức xúc cho rằng, thuế nhập khẩu xăng dầu đang tăng giảm rất thất thường, không rõ ràng. Cần xem lại việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, vì xăng dầu đã chịu thuế môi trường. “Nếu thuế môi trường chưa đủ thì đánh cao hơn, nhưng cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt vì xăng là mặt hàng thiết yếu với đời sống”, ông Dũng nói.

VINPA kiến nghị, Bộ Tài chính cần ổn định thuế nhập khẩu trong 1 năm. Điều này giúp nhà nước biết được ngay DN xăng dầu đóng góp bao nhiêu vào ngân sách trong năm, DN chủ động được kế hoạch kinh doanh và bớt đi một yếu tố biến động trong công thức tính giá, chỉ còn phải tính đến giá thế giới và tỷ giá, hải quan cũng không phải lo DN trốn thuế.

Đại diện nhiều DN cũng cho rằng nên bỏ Quỹ BOG. “Nhiều lần họp HĐND tại địa phương, người ta hoài nghi về Quỹ BOG, có ý kiến không nên tồn tại quỹ này, có lúc trích được quỹ, nhưng có lúc quỹ âm, âm thì ảnh hưởng rất lớn đến DN đầu mối”, ông Nguyễn Văn Tiu nói. Trong khi đó, theo đại diện Công ty hóa dầu quân đội, chưa khi nào Quỹ BOG của DN này dư, tính đến nay đã âm 26 tỉ đồng, phải vay ngân hàng để bổ sung quỹ. “Quỹ BOG phải do nhà nước quản lý. Cách trích thế nào cần phải tính toán để làm sao không phải tính vào giá”, ông này chia sẻ.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.