Luật Đất đai sửa đổi dự kiến trình Quốc hội "bấm nút" thông qua vào kỳ họp tháng 10, nhưng tới phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua 25.8, gần 30 vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thậm chí xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Chọn cho hay chọn bỏ ?
Một trong những vấn đề Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội (cơ quan thẩm tra) đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo cấp có thẩm quyền là thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật đang quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc liệt kê quá cụ thể, chi tiết các dự án, công trình thu hồi đất có nhược điểm khó bảo đảm bao quát, đầy đủ. "Trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng cách tiếp cận theo hướng liệt kê các trường hợp như hiện nay chưa làm rõ được sự cần thiết của các dự án, công trình theo tinh thần của Hiến pháp", ông Thanh nói.
Liên quan tới thu hồi để đấu giá, đấu thầu cho dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng… để phát triển KT-XH, ông Thanh cho hay, Bộ TN-MT muốn khoanh định các trường hợp thuộc diện thu hồi là dự án trọng điểm do HĐND tỉnh quyết định. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng đề xuất của Bộ TN-MT chưa làm rõ được tính chất "để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng" của việc thu hồi đất thực hiện các dự án nói trên. Ông Thanh cũng cho hay, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị đối với dự án nhà ở thương mại chỉ thực hiện theo cơ chế thỏa thuận, nhà nước không thu hồi đất.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vấn đề thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng là vấn đề khó nhất trong luật Đất đai qua các thời kỳ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu lựa chọn cách thức tiếp cận theo hướng "chọn cho", tức liệt kê các trường hợp, dự án nhà nước thu hồi đất thì không cách gì đủ được, có khi càng liệt kê càng thiếu. "Nên chăng là tiếp cận theo hướng chọn bỏ, tức là trừ những trường hợp áp dụng phương pháp thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn lại là Nhà nước thu hồi có được không? Vì thực tế chỉ có 2 hình thức là thu hồi và thỏa thuận", Chủ tịch Quốc hội gợi mở và phân tích thêm, với hướng tiếp cận này, có thể quy định thêm nguyên tắc đất thu hồi phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch đất đã được phê duyệt hay các quy định cấm việc vừa điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đã có ngay quyết định thu hồi đất. "Trong thực tế có việc vừa điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh mục đích sử dụng đất là ra quyết định thu hồi đất ngay. Cho nên, điều quan trọng là phải ngăn chặn được tình trạng này", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh không nên gắn việc thu hồi đất với đấu giá, đấu thầu đất đai. "Nên tách ra hai chuyện riêng, đấu giá đấu thầu thì phải có đất sạch và đó là việc khác", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết, thu hồi đất để phát triển KT-XH là vấn đề tranh luận rất nhiều mà không đưa ra được phương pháp nào, nếu dùng phương pháp loại trừ thì sẽ ít hơn. "Chủ tịch Quốc hội đưa ra một phương án là nếu không chi tiết được thì dùng phương pháp loại trừ có được không. Nếu như loại trừ thì sẽ ít hơn, nhưng nếu loại trừ không hết thì lại rơi vào phần Nhà nước thu hồi ở bên kia cũng nguy hiểm", ông Khánh nêu.
THU HỒI HAY THỎA THUẬN ?
Cũng liên quan tới thu hồi đất, một vấn đề còn nhiều ý kiến là cơ chế xử lý đối với trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất.
Ông Vũ Hồng Thanh cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật quy định mang tính nguyên tắc là Nhà nước thu hồi đất đối với phần diện tích còn lại của dự án chưa thỏa thuận được để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư khi nhà đầu tư thỏa thuận được 80% số người sử dụng đất và 80% diện tích thực hiện dự án trở lên. Đây là vấn đề chưa được quy định tại dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 hồi tháng 6 vừa qua. Do đó, một phương án khác mà Thường trực Ủy ban Kinh tế trình xin ý kiến UBTVQH là giữ nguyên như dự thảo Chính phủ trình.
Nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đồng tình với việc bổ sung quy định Nhà nước thu hồi với phần diện tích còn lại của dự án chưa thỏa thuận được. Theo ông Mạnh, thực tiễn rất nhiều dự án đa số hộ dân thực hiện thỏa thuận xong nhưng còn một số rất nhỏ không chấp nhận mức đền bù mà chủ đầu tư đưa ra. Nếu vẫn áp dụng nguyên tắc thỏa thuận thì ảnh hưởng tiến độ chung quá trình phát triển đô thị.
"Trong thực tế thì không phải chỉ là những người dân thuần túy sống ở trên những mảnh đất đó, mà nhiều nhà đầu cơ, thậm chí người quen thân của cán bộ mua trước rồi tìm cách ép bằng được đối với các chủ đầu tư phát triển hạ tầng", ông Mạnh nói.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lại không đồng tình với đề xuất này. "Hiện có 2 cơ chế thu hồi đất. Cơ chế thứ nhất là thu hồi bằng con đường hành chính. Cơ chế thứ hai là bằng con đường thỏa thuận. Tức là một bên hành chính, một bên dân sự. Bây giờ chúng ta lại đưa ra một cơ chế thứ ba, đầu thì dân sự, đuôi thì hành chính. Chỗ này phải hết sức cân nhắc", bà Nga nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là một trong 19 nhóm chính sách khi xây dựng Nghị quyết 18 về đất đai đã được trình ra T.Ư Đảng thảo luận nhưng không được chấp nhận. Chủ tịch Quốc hội phân tích khi đã thỏa thuận được 80% coi như xong rồi mà áp đặt hành chính thu hồi thì dẫn đến vướng mắc. "Được số 20% này thì vướng 80% số trước đây. Chúng tôi là những người gương mẫu đi trước, hóa ra chúng tôi lại thiệt thòi. Được lòng đất, mất lòng đò", Chủ tịch Quốc hội nêu và cho rằng, đồng ý phải hỗ trợ chủ đầu tư trong các trường hợp gặp vướng mắc khi thỏa thuận nhưng phải hỗ trợ theo luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc… hỗ trợ cùng với nhà đầu tư, chứ Nhà nước không đứng ra thu hồi.
"Lần trước, Đảng đoàn Quốc hội đã thảo luận rất kỹ, báo cáo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền, báo cáo của T.Ư vấn đề này rồi mà không được chấp nhận. Xin lại thì Đảng đoàn cũng sẽ nói thế, làm sao mà bất nhất chuyện từ trước được. Bộ Chính trị cũng đã bàn kỹ, đã bàn đến lần thứ 3", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG CÓ NÊN ĐẦU TƯ NHÀ Ở XÃ HỘI ?
Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến dự thảo luật Nhà ở sửa đổi. Nhiều ý kiến băn khoăn về quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân nêu ra tại dự thảo luật.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ không đồng tình việc Tổng liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Ông Phương cho rằng cần nghiên cứu lại chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội này, có nên làm chủ đầu tư nhà ở xã hội hay không. Việc này nên giao cho UBND cấp tỉnh làm. "Tôi khuyên Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam không nên "ôm" nhiệm vụ này. Vì không khéo không hoàn thành nhiệm vụ, coi chừng cán bộ vi phạm", ông Phương nói và đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, Chính phủ nên nghiên cứu cho thấu đáo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu có quy định thì cần phải chỉnh lý lại quy định tại dự thảo luật để không vênh với luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư. Theo đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư nhà ở xã hội thông qua doanh nghiệp trực thuộc có chức năng sản xuất, kinh doanh, chứ không thể trực tiếp làm chủ đầu tư.
Cũng trong chiều 25.8, UBTVQH đã bế mạc phiên họp 25.
Bình luận (0)