Vận tải biển, cảng biển dự báo nhiều khó khăn trong 2024

04/01/2024 17:48 GMT+7

Thị trường vận tải biển, cảng biển trong nước tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ các cuộc xung đột địa chính trị lớn trên thế giới, cũng như nhu cầu sụt giảm của thị trường quốc tế.

Báo cáo của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, dự báo tình hình thị trường vận tải biển, trong đó có tàu hàng rời năm 2024 sẽ không có nhiều chuyển biến khả quan.

Vận tải biển, cảng biển dự báo nhiều khó khăn trong 2024- Ảnh 1.

Thị trường cảng biển dự báo đối diện nhiều khó khăn trong năm nay

VIMC

Thị trường vận tải container năm 2024 dự báo cũng sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn. Nguồn hàng suy giảm do lạm phát gia tăng cũng như tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu giảm ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của các thị trường lớn như châu Mỹ và châu Âu.

Giá cước vận chuyển container diễn biến bấp bênh và suy giảm suốt phần lớn thời gian năm 2023 và chưa có dấu hiệu ổn định. Trong bối cảnh nhu cầu vận tải tăng trưởng thấp, số lượng tàu đóng mới tăng nhanh chóng, tình trạng tắc nghẽn giảm, thị trường sẽ dư nguồn cung tàu.

Không chỉ thị trường vận tải biển, lĩnh vực cảng biển và dịch vụ hàng hải cũng được dự báo sẽ đối mặt với nhiều bất ổn, căng thẳng địa chính trị giữa các quốc gia.

Các hãng tàu phải cắt giảm mạnh chi phí hoạt động (hãng tàu Cosco đã cắt giảm 37% chi phí hoạt động so với năm 2022). Trong bối cảnh thị trường chung khó khăn, các cảng tư nhân thực hiện nhiều chính sách giảm giá, tăng chiết khấu để lôi kéo khách hàng, khiến cạnh tranh về dịch vụ cảng biển ngày càng gay gắt.

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết VIMC sáng 4.1, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC, cho hay có hàng loạt khó khăn trong năm nay. Ngoài việc xung đột tiếp tục căng thẳng, leo thang tại nhiều khu vực, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nguồn cung tàu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và số lượng tàu đi phá dỡ thấp...

Đội tàu VIMC đa phần già (tuổi tàu trung bình là 20 tuổi), tính năng kỹ thuật kém, không đồng bộ, quy mô đội tàu ngày càng thu hẹp do quá trình tái cơ cấu. Ngoài ra, do vướng mắc trong quy định về thủ tục đầu tư, nhiều năm nay, các doanh nghiệp của VIMC chưa đầu tư phát triển được đội tàu.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo VIMC, khối cảng biển chịu áp lực ngày càng gay gắt từ khối tư nhân cũng như sự ra đời của nhiều cảng mới tại tất cả các khu vực có lợi thế hơn vị trí cảng của VIMC. Vị trí kho bãi không thuận lợi, cách xa trung tâm khai thác cảng, cơ chế chính sách đối với khách hàng còn thiếu linh hoạt, không còn ưu thế cạnh tranh.

Năm 2024, VIMC sẽ tiếp tục tập trung đầu tư bến 3, 4 tại cảng Lạch Huyện; đầu tư cảng Đà Nẵng, nghiên cứu chủ trương xây dựng cảng Liên Chiểu...

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lưu ý VIMC cần mạnh dạn nắm bắt đúng thời điểm để quyết định triển khai thực hiện đầu tư đội tàu vận tải biển quốc tế nhằm tối ưu hóa nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Năm 2024, VIMC đặt ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh với sản lượng vận tải biển 15,8 triệu tấn (đạt 76% ước thực hiện năm 2023, do thanh lý, giảm số lượng tàu); sản lượng khối cảng biển 123,7 triệu tấn (đạt 109% ước thực hiện năm 2023); doanh thu 17.742 tỉ đồng (đạt 99% so với thực hiện năm 2023) và lợi nhuận 2.169 tỉ đồng (đạt 104%, cao hơn năm 2023 do thanh lý tàu già hết khấu hao).


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.