Vận tải kiệt sức vì Covid-19

08/08/2020 06:36 GMT+7

Chưa kịp hồi phục sau “cơn bão” Covid-19 giai đoạn đầu, ngành vận tải lại bị giáng thêm cú đòn khi dịch bệnh này tái bùng phát, khiến cả hàng không, đường bộ, đường sắt đều lao đao.

Hàng không khó phục hồi nhanh

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của Covid-19, song hàng không cũng là ngành phục hồi nhanh nhất sau khi dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 4. Dù thị trường quốc tế vẫn đóng cửa, song tăng trưởng nhanh từ thị trường nội địa giai đoạn tháng 5 đến cuối tháng 7 do trùng với cao điểm du lịch hè, khiến các hãng có dòng tiền luân chuyển trở lại. Tuy nhiên, với làn sóng Covid-19 thứ 2, khả năng phục hồi nhanh của các hãng hàng không cũng như toàn ngành vận tải như đợt 1 rất khó xảy ra.

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 8.8: Thêm 5 ca mắc mới ở Hà Nội, Quảng Ngãi, Khánh Hòa

Theo ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông thương hiệu Vietnam Airlines, cao điểm hè với Vietnam Airlines và các hãng hàng không đã kết thúc ngày 27.7, khi ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng được phát hiện.
Không chỉ đường bay tới Đà Nẵng - điểm du lịch đắt khách đóng cửa, tâm lý lo ngại dịch bệnh khiến các chặng bay nội địa tới các điểm du lịch nổi tiếng khác như Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Lạt... cũng vắng khách. Ông Tuấn cho biết với các đường bay này, đa số khách hàng đều đã lùi ngày bay, một số hoàn vé do chưa biết dịch bệnh kéo dài đến bao giờ. Song, may mắn với các hãng hàng không là doanh thu vượt kỳ vọng của thị trường nội địa trong 2 tháng vừa qua đã trợ lực cho các hãng cầm cự không bị lỗ thêm do sự sụt giảm đột ngột lượng khách và lượt chuyến hiện nay.
Báo cáo mới nhất của Vietnam Airlines cho biết dự kiến số lỗ năm 2020 của hãng ở mức hơn 15.000 tỉ đồng. Vietjet trong quý 2 cũng âm 1.122 tỉ đồng, tính chung 6 tháng đầu năm mức lỗ hơn 2.100 tỉ đồng.
Đánh giá về tác động ảnh hưởng của Covid-19 tới thị trường, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho hay, khoảng 100 chuyến bay/chiều/ngày trên 11 đường bay từ các cảng hàng không nội địa đi/đến Đà Nẵng đã phải dừng hoàn toàn từ 28.7. Với toàn thị trường nội địa, so với trước khi dịch bùng phát trở lại, số chuyến bay đã giảm khoảng 12%, lượng khách giảm 30% và có nguy cơ giảm tiếp khi bước vào mùa thấp điểm.

Bản tin Covid-19 ngày 7.8: Cuộc chiến bắt đầu thời kỳ cao điểm

Đường sắt khủng hoảng kép

Những kịch bản ngành đường sắt đưa ra liên tục bị thay đổi do dịch, kịch bản sau xấu hơn kịch bản trước. Đáng nói, sức ép với Tổng công ty đường sắt Việt Nam không chỉ do dịch Covid-19, mà còn từ dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Từ cuối tháng 7 tới nay, ngành đường sắt đã liên tục phải dừng chạy hàng chục đoàn tàu do hành khách sụt giảm. Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội đã phải dừng hơn 10 mác tàu tới các điểm du lịch như Hà Nội - Đồng Hới (Quảng Bình), Vinh (Nghệ An), Lào Cai. Tương tự, Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn cũng phải tạm ngừng chạy một số mác tàu như Sài Gòn - Quy Nhơn (Bình Định), Sài Gòn - Trà Kiệu (Quảng Nam). Ngay cả tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam cũng chỉ chạy hằng ngày 4 đôi tàu chạy suốt Hà Nội - Sài Gòn, nhiều tàu khu đoạn chỉ chạy cuối tuần như tàu Hà Nội đi Vinh, Yên Bái...; tàu Sài Gòn đi Nha Trang và ngược lại. Đường sắt cũng đã phải hoàn khoảng 25 tỉ đồng tiền vé do khách trả vé tàu vì dịch.
Ước tính 7 tháng đầu năm, Tổng công ty đường sắt Việt Nam lỗ 725,9 tỉ đồng do Covid-19. Do dừng tàu 5 tháng đầu năm, hơn 4.000 lao động đường sắt khối phục vụ trên tàu, dưới ga... thiếu việc làm, phải nghỉ luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động.
“Đợt dịch trước, người dân dừng đi lại giữa các tỉnh vì Chính phủ yêu cầu, nhưng đợt này ngay cả khi không yêu cầu thì dân cũng không đi nữa vì lo lắng. Lượng khách sụt rất mạnh, doanh thu năm nay chỉ bằng 30% so với năm ngoái, rất thê thảm!”, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó giám đốc Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội, cho biết.
Đáng chú ý, việc thi công dự án 7.000 tỉ đồng nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM dự kiến sẽ làm giảm năng lực tàu thông qua toàn tuyến khoảng 30% so với hiện nay. Hiện công suất tuyến Bắc - Nam là 17 đôi tàu/ngày đêm, nhưng khi thi công toàn tuyến với khoảng 52 điểm buộc phải giảm tốc, năng lực thông qua sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 11 đôi tàu/ngày đêm.
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt Việt Nam, theo kế hoạch ban đầu, dự kiến cuối tháng 6.2021 sẽ hoàn thành dự án, nhưng với thực tế hiện nay, chắc chắn tiến độ này không kịp. Trong khi đó, nếu dự án kéo dài thêm 6 tháng, ngành đường sắt sẽ mất cả nghìn tỉ đồng, chậm 1 năm sẽ thiệt hại tới 2.000 tỉ đồng doanh thu. Đây là lý do lãnh đạo ngành đường sắt cho rằng, nhanh nhất cũng phải 3 - 4 năm nữa, ngành này mới có thể hồi phục.

Vận tải đường bộ cũng thấm đòn

Thấm đòn Covid-19 không kém là các doanh nghiệp (DN) vận tải đường bộ nhỏ và vừa. Công ty CP quản lý Bến xe Hà Nội cho biết, 3 DN có xe chạy tuyến Hà Nội - Đà Nẵng tần suất 10 chuyến/ngày đã tạm ngừng hoạt động theo quy định. Hiện mỗi ngày tại bến xe này có khoảng 800 lượt xe xuất bến đi các tỉnh, thành, song lượng khách giảm nhanh cả chiều đi và về, ngay cả dịp cuối tuần.
Để hỗ trợ các DN vận tải, Bộ GTVT đã có văn bản đề xuất Bộ Tài chính miễn, giảm phí bảo trì đường bộ cho các phương tiện và theo từng nhóm đối tượng. Bộ Tài chính cũng đang xin ý kiến để dự thảo thông tư giảm phí sử dụng đường bộ cho các DN vận tải, dự kiến chính thức ban hành trong tháng 8.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.