Văn thơ trẻ bị đẩy ra ngoại biên?

11/06/2022 06:09 GMT+7

Nhiều cây bút được công nhận là nhà văn trẻ , nhà thơ trẻ, nhà phê bình trẻ khi đã ngoại tứ tuần…

Trải nghiệm, độ tuổi, sự trưởng thành… là những vấn đề được nói đến trong tọa đàm Làn sóng văn chương thế hệ mới do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức ngày 10.6. Trong đó, có những câu hỏi như: liệu có phải thi đàn đang lão hóa sâu sắc, hay phải thật nhiều tuổi mới có thể viết văn hay… Hơn thế, nó cũng cho thấy sự băn khoăn liệu có phải thơ văn trẻ đang bị xem là văn học ngoại biên, chưa phải văn chương đích thực.

Giải thưởng Văn học tuổi 20 dành cho các cây viết trẻ

NXB Trẻ

Cây bút Yến Thanh có nhiều tâm tư, so sánh về khái niệm nhà văn trẻ, nhà thơ trẻ trong hoạt động văn chương hiện nay và trước đây. Theo đó, nếu thế hệ những nhà thơ mới đầu thế kỷ 20 gần như xuất hiện lần đầu trên thi đàn ở tuổi dưới 20 thì những người được xếp vào hàng thơ trẻ hiện nay như Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải… đã trên dưới 40. Những nhà phê bình 7X như Phạm Xuân Thạch, Phùng Gia Thế, Hoàng Đăng Khoa... cũng bị xếp là phê bình trẻ.

“Phải chăng hiện trạng này xuất phát từ sự “lão hóa” sâu sắc của thi đàn Việt… Thơ trẻ thường bị xem là văn học ngoại biên, chưa thực sự là văn chương đích thực”, Yến Thanh đặt câu hỏi.

Trong khi đó, tác giả Nhật Phi nhắc đến hiện tượng văn học mạng hiện nay với nhiều nền tảng sáng tác định kỳ trực tuyến. Mức nhuận bút của các nền tảng này thường từ 50.000 đồng/1.000 chữ và tăng thêm khi tác phẩm được đăng tải đều, nhanh, được gọi là thưởng chuyên cần và thưởng tiến độ. Trung bình các tác giả cần viết 2.000 chữ/ngày, 60.000 chữ cả tháng để đạt mức nhuận bút 4 triệu đồng. “Vậy nên cũng chẳng sai lắm khi mà ta nghĩ về các tác phẩm này như những “tiểu thuyết ba xu” đúng nghĩa”, Nhật Phi nêu quan điểm.

Nhật Phi cũng cảnh báo về hệ lụy với cả văn học và nhận thức xã hội. “Một vòng luẩn quẩn của: nhuận bút thấp, tác phẩm thiếu đầu tư, độc giả dễ dãi, và vòng lại. Một vòng xoáy đi xuống có thể ảnh hưởng tới thẩm mỹ văn học của người trẻ”, Nhật Phi trăn trở.

Tác giả Hiền Trang lại chia sẻ tâm tư về tâm thế và nền tảng để các nhà văn sáng tác. Cô thắc mắc không biết tại sao vào thời điểm hiện tại ở VN, người ta lại thường quy cho các tác giả phi hiện thực như cô và các bạn là không có đủ trải nghiệm sống. Trong khi đó, nhân vật vĩ đại đầu tiên trong tiểu thuyết phương Tây là Don Quixote, một nhân vật hoàn toàn phi thực. Homere viết sử thi về những vị thần có phép màu. Shakespeare viết về những nàng tiên. “Nằm ở cốt lõi của văn chương, không phải là vấn đề hiện thực hay siêu thực hay viễn tưởng, mà là ngôn từ”, Hiền Trang nói.

Hiền Trang cũng cho rằng chỉ một dạng nhà văn khi viết đòi hỏi một vốn sống dồi dào. Còn có những dạng nhà văn khác, người viết về cái tri thức mình tiếp nạp được qua việc đọc, chứ không phải sống, như Jorge Luis Borge.

“Thậm chí, tôi cho rằng đôi khi vốn đọc còn quan trọng hơn vốn sống, vì chỉ có đọc, mới giúp cho người ta có thể đi tới vô cùng. Tôi nghe Orhan Pamuk có 12.000 cuốn sách trong thư viện cá nhân, trong bụng ông lại có ba vạn điển phạm, đó là cách mà Orhan lao động để sáng tác văn chương, và là cách để Orhan băng qua nghìn trùng đại dương, lặn xuống nghìn trùng con nước để mang về kim cương châu báu”, Hiền Trang nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.