Vàng giả đến từ Trung Quốc đang trở thành nỗi ám ảnh giới kinh doanh vàng trong nước, nhất là khi nguồn vàng nguyên liệu mà họ mua chủ yếu từ “trôi nổi”.
Một số mẫu vàng “lạ” phát hiện tại Quảng Ninh - Ảnh: Doji cung cấp |
Thông tin một tiệm vàng ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) “dính” cú lừa mua phải vàng giả trị giá 10 tỉ đồng khiến giới sản xuất, kinh doanh vàng chấn động. Hiện nay, Công an tỉnh Đồng Nai vẫn đang truy xét nhóm người nước ngoài lừa bán số vàng giả này.
Lừa đảo công nghệ cao
Theo thông tin ban đầu, nhóm người nước ngoài đến tiệm vàng chào bán lô 58 kg vàng cám (vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang - PV). Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty kinh doanh nữ trang New Partners Jewelry, phân tích: đối với vàng cám sẽ không xác định được tuổi vàng mà cần phải thực hiện phân kim để biết hàm lượng vàng bao nhiêu rồi tính ra giá. Trường hợp 58 kg vàng này có hàm lượng vàng 4 số 9 thì giá trị khoảng 45 tỉ đồng; cho dù phân kim hao hụt vàng, giá trị cũng còn khoảng 43,5 tỉ đồng. Vì vậy, việc bán với giá quá thấp, chỉ 10 tỉ đồng, cho thấy nhóm nước ngoài này đã có chủ đích lừa đảo từ trước.
Ông Dương Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc phụ trách khối sản xuất - kỹ thuật Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, nhận xét: “Theo như thông tin báo chí đưa, tiệm vàng tại Đồng Nai đã thực hiện phân kim một số bọc vàng mà nhóm người nước ngoài bán. Với 58 kg mà mua lại 10 tỉ đồng chứng tỏ hàm lượng vàng chỉ khoảng 30%. Theo như kinh nghiệm của tôi, nhóm người này đã dùng công nghệ cao đưa bột kim loại (ngoài vonfram ra còn các kim loại khác trong nhóm kim loại nặng) vào vàng cám để lừa đảo. Công nghệ mới này có thể điều chỉnh được độ vàng dày mỏng khác nhau phủ lên lớp kim loại nên mỗi bịch vàng có hàm lượng vàng khác nhau”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên website của một doanh nghiệp Trung Quốc quảng bá chuyên sản xuất vàng miếng, vàng nữ trang như nhẫn, dây chuyền... làm từ vonfram (gọi là vonfram vàng). Tính chất của vonfram giống vàng nhưng một pound vàng có giá hàng nghìn USD thì vonfram chỉ 100 USD, nên một số sản phẩm được dùng vonfram để thay thế vàng như vòng cổ, vòng tay, tiền xu, vương miện... Dù đơn vị này khẳng định sản phẩm chỉ là món quà lưu niệm và trang trí, không sử dụng cho mục đích bất hợp pháp nào, thế nhưng những sản phẩm này không loại trừ kẻ gian sử dụng bởi sản phẩm làm từ vonfram vàng khá tinh vi và sắc xảo. Theo một chuyên gia ngành vàng, trong trường hợp vonfram độn vào những thỏi vàng dày thì khi dùng máy X-quang cũng khó có thể phát hiện được, ngoại trừ phương pháp nấu chảy vàng.
Quá dễ tính với vàng dỏm
Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, giá vàng nguyên liệu trong nước thường cao hơn giá vàng ở Trung Quốc, Campuchia, Lào 400.000 - 500.000 đồng/lượng. Đây là lý do vì sao vàng nước ngoài chảy vào thị trường trong nước. Đặc biệt, vàng giả Trung Quốc phát hiện ngày càng nhiều, theo ông Dương Anh Tuấn là do việc mua bán vàng “ngoài luồng’, vàng “trôi nổi” tại VN còn quá dễ dàng. “Người dân có thể mang trong mình vài chục ký vàng là chuyện bình thường”, ông Tuấn nói.
Một chuyên gia lâu năm trong ngành vàng nhận xét người mua vàng ở nội địa không quá khó tính, vàng nguyên liệu ít tuổi cũng có thể mua khi có giá rẻ; cung cấp khối lượng lớn mà không cần có hóa đơn chứng từ... Đó là lý do bọn tội phạm chọn thị trường VN để tiêu thụ vàng giả. Mặt khác, nhiều tiệm vàng hiện còn chưa trang bị các máy móc thiết bị hiện đại mà chủ yếu sử dụng những phương pháp kiểm tra đơn giản, đặc biệt những tiệm vàng ở tỉnh.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho hay thị trường vàng nguyên liệu ngày càng đi vào hoạt động ngầm, không loại trừ vàng lậu được tiêu thụ bởi giới kinh doanh nữ trang cần nguyên liệu cho hoạt động sản xuất. Vàng giả vì vậy có đất sống. Để hạn chế doanh nghiệp sử dụng nguồn vàng trôi nổi, gặp rủi ro khi mua vàng giả, ông Long kiến nghị nhà nước cho một số doanh nghiệp sản xuất nữ trang lớn được phép nhập vàng nguyên liệu có sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Nhu cầu vàng nguyên liệu rất cao
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM, cho biết các “chành” (doanh nghiệp kinh doanh vàng) và các “lò” (doanh nghiệp sản xuất vàng) hiện luôn ở trong tình trạng cảnh giác với nguồn nguyên liệu mua vào và ngay với sản phẩm nữ trang mà người dân mang bán sau khi thị trường xuất hiện thông tin vàng giả từ Trung Quốc. Hầu hết các doanh nghiệp trang bị máy huỳnh quang tia X để phát hiện vàng giả pha trộn tạp chất. Theo ông Dưng, đây là thời điểm các doanh nghiệp cần nguồn nguyên liệu để sản xuất nữ trang phục vụ thị trường vàng cuối năm. Tại TP.HCM có khoảng 3.000 doanh nghiệp kinh doanh sản xuất vàng nữ trang, một số doanh nghiệp có quy mô sản xuất mỗi năm lên 4 - 5 triệu sản phẩm, số lượng doanh nghiệp sản xuất khoảng 1 - 2 triệu sản phẩm cũng khá nhiều, nên nhu cầu vàng nguyên liệu rất lớn. Đó chính là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng bán vàng giả.
|
Bình luận (0)