Sáng 11.9, vàng thế giới giảm 5 USD/ounce so với chiều 10.9, về mức 1.487 USD/ounce. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp, vàng giảm giá và xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tuần qua. Kim loại quý đã cố gắng tăng lại qua mức 1.500 USD/ounce trong đêm 10.9 nhưng sau đó giảm trở lại, mức thấp nhất trong đêm 10.9 của giá vàng thế giới là 1.484 USD/ounce.
Các công ty kinh doanh vàng trong nước không vội thay đổi giá vàng miếng SJC vào đầu ngày, giữ giá mua ở 41,4 - 41,5 triệu đồng/lượng, bán ra 41,8 - 41,87 triệu đồng/lượng.
Thay vì vàng, các dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán, chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm như Dow Jones tăng 0,28%, lên 26.939,43 điểm; S&P 500 tăng 0,03%, lên 2.979,39 điểm… Hơn nữa, Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất tổ chức đàm phàn thương mại vào đầu tháng 10… đã khiến vàng mất vai trò là kênh trú ẩn. Tuy nhiên ẩn số Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có quyết định giảm lãi suất USD hay không vào giữa tháng 9 này hỗ trợ vàng không giảm quá sâu. Thị trường hiện nay đang kỳ vọng Fed giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Một thông tin đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tháng 8 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng với mức tăng của tháng 7 và cao hơn mức tăng 2,6% theo dự báo. Nguyên nhân chính dẫn đến mức CPI của Trung Quốc cao là do giá thịt lợn đã tăng 46,7% do dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát khiến nguồn cung tại Trung Quốc giảm mạnh.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa thực hiện hàng loạt biện pháp chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế như thay đổi cách điều hành lãi suất, phá giá nhân dân tệ, cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong thời gian tới để các ngân hàng có nguồn vốn cho vay… Việc Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ có thể sẽ tiếp tục làm lạm phát gia tăng trong thời gian tới, lúc đó nhu cầu vàng sẽ tăng. Trung Quốc là một trong những nước có nhu cầu vàng lớn trên thế giới, nước này đã tăng dự trữ vàng trong tháng 8.
Bình luận (0)