Vàng giảm sốc khi người dân đổ ra bán

10/03/2022 07:44 GMT+7

Giá vàng miếng SJC ngày 9.3 giảm sốc 3,2 triệu đồng mỗi lượng, có thời điểm mất mức 70 triệu đồng/lượng khi lực bán ra trên thị trường tăng cao.

Giá vàng miếng SJC sáng 9.3 tăng thêm 900.000 đồng mỗi lượng khi giá vàng trên thị trường quốc tế phá mức cao kỷ lục lịch sử tháng 8.2020, lên 2.078 USD/ounce. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC bán vàng miếng lên 73 triệu đồng/lượng, mua vào 71,2 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, lực bán vàng xuất hiện và tăng dần đến trưa cùng ngày đã kéo giá sụt giảm mạnh.

Tại trụ sở Công ty SJC (trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM), khách hàng đến giao dịch ra vào tấp nập. Lượt người lấy số thứ tự giao dịch khối lượng dưới 300 triệu đồng khá đông, đa số đến bán 1 - 2 lượng vàng, rất ít người hỏi mua. Trong khi đó, tại quầy bán lẻ phòng cạnh bên, lượt người mua bán trên 300 triệu đồng ít hơn, nhưng khối lượng áp đảo. Khách hàng chủ yếu bán ra, khối lượng thấp nhất 5 lượng, có vài người bán cả 50 lượng vàng. Để tránh ùn tắc ở khu vực nhận tiền, phía Công ty SJC tăng cường thêm hình thức thanh toán chuyển khoản.

Người dân bán vàng hơn 50 lượng vào trưa 9.3

T.Xuân

Thị trường giao dịch sôi động khiến giá vàng “nhảy số” liên tục, người mua và bán vàng lời lỗ trong gang tấc. Lúc khoảng 10 giờ, giá mua và bán ở mức tương ứng 70,45 - 72,2 triệu đồng/lượng. Khoảng 10 phút sau, giá đã giảm xuống 69,9 - 71,7 triệu đồng/lượng. Những khách hàng đến lượt giao dịch ở thời điểm này kẻ khóc người cười. Tốc độ trượt dốc của vàng mạnh hơn khi vào đầu giờ chiều, giá xuống đến 68,1 - 69,8 triệu đồng/lượng (giá mua - bán). Giá giảm 3,2 triệu đồng/lượng so với đầu ngày rồi nhanh chóng tăng lại 500.000 - 600.000 đồng mỗi lượng, lên lại giá 68,6 - 70,4 triệu đồng/lượng.

Giảm hơn 4 triệu đồng/lượng

Các công ty kinh doanh vàng trên thị trường cho biết lượt khách hàng đến mua đông hơn bán ra, nhưng khối lượng vàng bán ra lại nhiều hơn dẫn đến giá liên tục được điều chỉnh, bước giá từ 200.000 - 500.000 đồng/lượng, như Eximbank thay đổi giá khoảng 40 lần trong ngày. Một số đơn vị ép giá mua xuống thấp, nhưng bán ra lại cao hơn. Chẳng hạn Tập đoàn Doji mua vào 68 triệu đồng/lượng, nhưng bán ra đến 70,5 triệu đồng/lượng; Mi Hồng giảm giá mua xuống 68,8 triệu đồng/lượng và bán ra 70,8 triệu đồng/lượng… Các đơn vị kinh doanh đẩy giá mua vá bán vàng ở mức cao 1,8 - 2 triệu đồng/lượng. Chính vì mức chênh lệch này mà những người mua vàng ở mức giá 68 - 69 triệu đồng/lượng của tuần trước, đến nay vẫn không có lời.

So với mức giá kỷ lục 74 triệu đồng/lượng cách đây 2 ngày, giá vàng miếng SJC đã giảm khoảng 4 triệu đồng mỗi lượng. Điều này đã giúp cho khoảng cách chênh lệch giá trong và ngoài nước được rút ngắn còn 14 triệu đồng/lượng thay vì 18 triệu đồng/lượng vào cuối tuần trước. Chiều 9.3, giá vàng thế giới sụt giảm mạnh 50 USD/ounce so với đầu ngày, xuống còn 2.005 USD/ounce.

Những thông tin căng thẳng giữa Nga và Ukraine những ngày gần đây liên tục tác động đến sự tăng giảm bất thường của vàng. Sau khi Mỹ ra lệnh trừng phạt không nhập khẩu dầu từ Nga, lo ngại lạm phát gia tăng đã thúc đẩy vàng lên mức cao kỷ lục 2.078 USD/ounce. Một nhóm các thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ đang giới thiệu một dự luật hạn chế khả năng thanh lý lượng vàng dự trữ của Nga khi các lệnh trừng phạt leo thang đang gây tổn hại cho nền kinh tế nước này. Luật này nhằm ngăn chặn việc mua vàng của Nga. Theo dữ liệu mới nhất của IMF, tính đến cuối tháng 1, Nga nắm giữ gần 2.300 tấn vàng - quốc gia sở hữu vàng có chủ quyền lớn thứ năm. Các thượng nghị sĩ Mỹ muốn đảm bảo Nga không thể sử dụng số vàng trị giá 130 tỉ USD của mình để tránh các lệnh trừng phạt do phương Tây đưa ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.