Giá vàng SJC tăng đột biến, có thời điểm lên 80 triệu đồng/lượng
So với chốt phiên hôm qua, sáng nay mỗi lượng vàng miếng tăng từ 150.000 - 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra, được niêm yết với giá 77,45 - 79,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch 2 chiều mua vào - bán ra là 2.050.000 đồng/lượng.
Trước đó, có thời điểm giá mua vàng miếng lên 78 triệu đồng, bán ra 80 - 80,02 triệu đồng. Tập đoàn Doji cũng 2 lần tăng giá vàng thêm 700.000 đồng mỗi lượng, mua vào lên 77,95 triệu đồng, bán ra 79,95 triệu đồng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào giá 78,05 triệu đồng, bán ra 79,85 triệu đồng…
Giá vàng nhẫn tăng từ 100.000 - 200.000 đồng mỗi lượng so với phiên giao dịch trước đó. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào 64,1 triệu đồng, bán ra 65,3 triệu đồng…
Vàng nhẫn đã lập mức giá kỷ lục cao nhất từ trước đến nay khi Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu mua vào nhẫn trơn rồng Thăng Long với giá 65,33 triệu đồng, bán ra 66,43 triệu đồng. Một số đơn vị cũng bán vàng nhẫn ở mức cao như Công ty CP đầu tư vàng Phú Quý 66,25 triệu đồng/lượng, mua vào 65,15 triệu đồng; Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI bán ra 66,15 triệu đồng, mua vào 65 triệu đồng… Giá vàng nhẫn thấp hơn vàng miếng SJC từ 13 - 14 triệu đồng/lượng.
Mua 10 chỉ vàng nhẫn ngày vía Thần tài, ông H.V.N (65 tuổi, trú tại Q.Ba Đình) nhẩm tính nếu bán tại thời điểm 9 giờ sáng hôm nay thì sẽ lỗ vốn vì lúc đó giá vàng nhẫn được giao dịch mua vào triệu 65,33 triệu đồng/lượng và bán ra 66,43 triệu đồng/lượng.
Biến động vàng ngày ngày 29.2: Giá vàng nhẫn vững mức kỷ lục trên 65 triệu đồng
"Giờ mà bán thì lỗ vốn, mặc dù giá vàng nhẫn vẫn ở mức cao kỷ lục trên 65 triệu đồng/lượng nhưng tôi vẫn quyết định đầu tư tiếp. Mua 1 lượng thôi, chủ yếu vừa mua vừa tham khảo giá thị trường thêm.", ông N. kỳ vọng.
Tương tự, nhận thấy vàng nhẫn ở mức cao kỷ lục, bà Hoa (Trần Nhân Tông, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn quyết định mua vào. Bà cho biết, bà mua vàng từ tháng 10.2023 với giá khoảng hơn 55 triệu đồng/10 chỉ.
"Tính đến thời điểm 9 giờ sáng 29.2, nếu bán ra tôi sẽ lãi khoảng hơn 1 triệu đồng/chỉ, nhưng tôi không bán, vẫn giữ và mua thêm vài chỉ chờ tăng thêm", bà Hoa chia sẻ.
Vàng "hiếm có, khó mua"?
Trước đó, ngày 28.2, xuất hiện thông tin thị trường vàng tại Hà Nội và TP.HCM ghi nhận việc tạm hết vàng miếng, vàng nhẫn loại 1 chỉ, 5 phân. Các cửa hàng đa số còn vàng SJC loại 1 lượng, vàng nhẫn cũng hiếm hàng.
Một khách hàng (trú tại Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, người này đến một tiệm vàng lớn ở phố Thái Hà (Q.Đống Đa, Hà Nội) hỏi mua vàng nhẫn loại 1 chỉ. Tuy nhiên, tiệm hết sạch loại này. Sau đó nhân viên cửa hàng gợi ý cho khách đến chi nhánh để mua, khi gọi điện để hỏi thông tin thì cũng nhận được trả lời tương tự vì không còn hàng.
Tương tự, tình trạng hiếm hàng cũng diễn ra đối với vàng miếng số lượng lớn, một khách hàng ở Q.Cầu Giấy có nhu cầu mua 30 cây vàng, tuy nhiên cửa hàng tại khu vực này không đủ nên phải đặt tiền trước và phải chờ 2 - 3 ngày mới nhận được.
Ghi nhận tại cửa hàng 50 Giang Văn Minh (phường Đội Cấn, Q.Ba Đình, Hà Nội) của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giá vàng miếng SJC đang giao dịch ở mức 76,9 triệu đồng/lượng mua vào và 78,9 triệu đồng/lượng bán ra.
Nhân viên tại đây thông tin, hiện cửa hàng chỉ còn vàng miếng loại 1 lượng, vàng nhẫn cũng tạm hết. "Vàng nhẫn đang tạm hết, khách mua vào nhiều hơn khách bán ra nên hiện tại không có hàng để bán. Vàng miếng lượng thì thoải mái còn miếng nhỏ loại 1, 2, 5 chỉ hiện nay không còn sản xuất nữa, bao giờ khách bán thì mới có", người này cho biết.
Đối với khách hàng mua số lượng lớn vàng miếng hoặc vàng nhẫn, đơn vị này nhận tiền cọc và hẹn khách sẽ liên lạc ngay khi có hàng.
Tuy nhiên, tại một số cửa lớn ở đường Cầu Giấy và "phố vàng" Trần Nhân Tông (Hà Nội) không xuất hiện tình trạng "hiếm hàng", khách có nhu cầu mua đều dễ dàng.
"Giá vàng SJC giảm nhẹ, vàng nhẫn tiếp đà tăng nhưng khách có nhu cầu muốn mua bao nhiêu chỉ cũng có, nếu số lượng nhiều thì chờ ít phút, chứ không khó mua và không có hiện tượng khách đến mua nhưng bị hiếm hàng", một nhân viên tiệm vàng, khẳng định.
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, việc vàng nhẫn, vàng miếng khan hiếm sau ngày vía Thần tài là chuyện bình thường, năm nào cũng diễn ra.
"Hiện nay, đối với đơn vị kinh doanh vàng đều tuân thủ nguyên tắc bán ra bao nhiêu thì mua vào bấy nhiêu chứ không dự trữ nhiều. Giá vàng miếng SJC thì đắt hơn vàng nhẫn mà giá vàng SJC dự báo sẽ giảm khi Nhà nước sửa Nghị định 24. Giá trong nước và thế giới thu hẹp khoảng cách lại thì giá vàng SJC sẽ còn giảm, nên tâm lý là người dân sẽ mua vàng nhẫn.
Theo dự báo của một tổ chức kinh tế trên thế giới, giá vàng có thể lên tới 3.000 USD/ounce nên người dân với tâm lý là giữ vàng, không bán ra nữa. Nguồn cung rất hạn hẹp, nhập khẩu không cho nhập, sản xuất vàng SJC thì thiếu nên dẫn tới hiện tượng đó", PGS-TS Ngô Trí Long phân tích.
Bình luận (0)