Chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" giá vàng
Suốt từ cuối năm 2023 đến nay, giá vàng trong nước liên tục "nhảy múa" theo sự biến động của giá vàng thế giới, xu hướng chủ đạo là tăng lên. Ngay sáng nay 6.3, giá vàng miếng SJC chính thức tăng lên mức 81 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn cũng tiếp tục tăng cao chưa có điểm dừng.
Đề cập tới nguyên nhân giá vàng tăng liên tục từ tháng 12.2023 đến nay, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, phân tích với Thanh Niên: giá vàng thế giới bị tác động rất lớn bởi chính sách tiền tệ, cụ thể là tăng, giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Theo thông báo của Fed, trong năm nay, Fed sẽ giảm lãi suất ít nhất 3 lần, mỗi lần 0,5%. Mỗi lần Fed giảm lãi suất, giá trị đồng USD sẽ giảm theo và giá vàng sẽ tăng. "Thị trường luôn trong tâm lý là sắp tới Mỹ sẽ giảm lãi suất, dẫn tới xu hướng đẩy giá vàng tăng lên", ông Khánh nói.
Biến động vàng ngày 6.3: Giá Vàng miếng SJC tăng lên 81 triệu đồng/lượng
Theo ông Khánh, những bất ổn trong tình hình địa chính trị trên thế giới khiến các nhà đầu tư cá nhân cũng như các quỹ đầu tư hiện rất thận trọng, họ đưa một phần danh mục đầu tư vào trú ẩn trong vàng. Cạnh đó, 2 năm vừa qua cũng như trong năm nay, dự báo các ngân hàng T.Ư trên thế giới cũng tăng mua vàng dự trữ quốc gia, đẩy mức tiêu thụ vàng của thế giới lên.
"Đến thời điểm hiện tại, xu hướng chung của giá vàng là đang lên, chưa có dấu hiệu dừng lại. Các nguyên nhân thúc đẩy giá vàng tăng từ cuối năm ngoái đến nay vẫn còn, chưa bị triệt tiêu. Mấy ngày nay, việc giá vàng thế giới tăng cũng nằm trong dự báo. Từ nay đến cuối năm, dự báo giá vàng thế giới có thể tăng lên mức 2.200 - 2.300 USD/ounce", ông Khánh nói.
Ở khía cạnh giá vàng thế giới tăng tác động tới giá vàng trong nước, đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, Việt Nam không sản xuất vàng mà là nhập khẩu. Vấn đề là cung - cầu đang bất đối xứng, cầu có mà cung không có; thị trường vàng Việt Nam chưa liên thông với thị trường vàng thế giới, nhiều khi giá vàng thế giới tăng 1 nhưng giá vàng trong nước tăng 2.
"Dự báo từ nay đến cuối năm, nếu Việt Nam không có giải pháp tăng nguồn cung, giá vàng trong nước sẽ tăng tỷ lệ thuận theo giá vàng thế giới. Cụ thể, giá vàng miếng SJC trong nước có thể tăng lên mức 85 triệu đồng/lượng và giá vàng nhẫn có thể lên tới 73 - 74 triệu đồng/lượng", ông Khánh nói.
Nguy hiểm đầu tư lướt sóng vàng
Những ngày gần đây, trước biến động của giá vàng, giao dịch trên thị trường vàng Việt Nam diễn ra khá sôi động, đặc biệt mặt hàng như nhẫn tròn trơn đã xảy ra tình trạng "cháy" hàng cục bộ. Nhiều người có tâm lý đầu tư vàng theo kiểu lướt sóng để kiếm lời.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, xu hướng chạy theo đám đông trong thị trường vẫn có nhưng với mức giá vàng cao như hiện nay, các nhà đầu tư lớn vẫn rất cẩn trọng.
"Đầu tư lướt sóng với vàng đòi hỏi phải nhanh, lượng cũng phải đủ lớn mới có lợi nhuận. Thực tế, đầu tư lướt sóng như vậy khá nguy hiểm chứ không đơn giản, nhà đầu tư nên cẩn trọng khi giá vàng Việt Nam cách giá vàng thế giới tương đối xa. Cạnh đó, chính sách có thể thay đổi trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng tới hoạt động mua bán và kinh doanh vàng", ông Thịnh nói.
Xem nhanh 12h ngày 6.3: Giá vàng tăng như vũ bão
Nhấn mạnh "không nên mua vàng kiểu lướt sóng", ông Khánh đưa ra khuyến cáo đầu tư vàng ít nhất phải xác định từ 6 tháng đến 1 năm. "Nếu vừa mua đã bán thì chênh lệch rất lớn, dễ lỗ. Trong danh mục đầu tư không nên "bỏ trứng vào một giỏ", chỉ nên đầu tư vào vàng khoảng 20 - 30%, còn lại đa dạng hóa danh mục đầu tư vào các lĩnh vực khác như tiết kiệm, chứng khoán, bất động sản…", ông Khánh bày tỏ quan điểm.
Đề cập tới câu chuyện sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, theo đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nếu giải quyết câu chuyện độc quyền trong nhập khẩu vàng, chênh lệch giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới sẽ giảm nhanh. Nguồn cung tăng lên, thay vì mức giá 81 triệu đồng/lượng như hiện nay, giá vàng có thể giảm về quanh mức 72 - 73 triệu đồng/lượng.
Bình luận (0)