Vắng như… đồng muối Nghệ An

26/05/2021 09:20 GMT+7

Đang cao điểm vụ muối, nhưng những cánh đồng muối ở Nghệ An vẫn vắng hoe. Giá muối quá thấp khiến diêm dân không còn mặn mà với nghề truyền thống này.

60% ruộng muối bỏ hoang

Mới sáng sớm đầu hè, cánh đồng muối ở xã Quỳnh Thuận (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã nắng lóa mắt. Đã vào cao điểm của vụ muối, nhưng 143 ha đất sản xuất muối này vẫn vắng hoe. “Muối rẻ quá, dân chán bỏ nghề hết rồi”, bà Đàm Thị Thủy (ngụ xóm 5, xã Quỳnh Thuận) đang hì hục múc nước biển rưới lên sân phơi để làm muối, thở dài nói.
Bà Thủy có 3 dát muối (sân phơi) rộng 300 m2. 5 giờ sáng, bà ra đồng lắng lọc nước biển rồi múc nước chạt lên sân phơi. Khoảng 8 giờ xong việc. Đến 11 giờ, bà Thuỷ lại ra đồng, đưa cát đã phơi khô vào các ô lắng lọc và đưa lớp cát cũ được lấy ra từ các ô lọc để phơi, chuẩn bị cho việc sản xuất muối vào ngày mai. Khoảng 5 giờ chiều, khi muối trên các sân phơi đã kết tinh, bà thu hoạch muối. Công việc kéo dài cho đến 18 - 19 giờ mới kết thúc.
Trời nắng đẹp, mỗi ngày, bà Thủy thu được khoảng 1,2 tạ muối. Với giá bán 1.200 đồng/kg như hiện nay, bà thu được 150.000 đồng. Hôm nào trời đổ mưa chiều, coi như cả ngày công cốc, nước biển lại trả về cho biển. “Nghề này cực lắm, dân nhà tui gọi là bán mồ hôi lấy tiền, nhưng giá muối thấp quá, làm chẳng ăn thua chi; còn nếu không làm thì chẳng biết làm nghề chi để sống”, bà Thủy buồn bã nói.
Sát bên ruộng muối của bà Thủy, những đám ruộng khác vẫn đang bỏ hoang. Bà Thủy chỉ tay về phía dãy sân phơi đã nứt nẻ ngay cạnh ruộng của bà, nói: “Bà ni đã bỏ ruộng đi giúp việc ở TP.Vinh, còn nhà nớ bỏ ruộng đi phụ hồ, giờ làng muối chỉ còn khoảng 30% số hộ còn theo nghề”.
Các con đi học xa, một mình bà Lê Thị Lợi (ngụ xóm 6, xã Quỳnh Thuận) làm 4 dát muối, diện tích 650 m2. 9 giờ sáng, bà Lợi lật đật múc nước biển đã lọc (nước chạt) để phơi thành muối. Bà làm quần quật cả ngày, từ khi mặt trời chưa ló rạng cho đến khi tối mịt, thời tiết thuận lợi cũng chỉ được 2 tạ muối, thu về 240.000 đồng. “Giá muối từ 3 năm nay xuống thấp. Năm nay chúng tôi hy vọng nó nhích lên, nhưng hiện nay vẫn nằm yên nên người dân không muốn làm nữa. Trẻ thì bỏ đi làm công nhân, phụ nữ luống tuổi thì đi giúp việc, kiếm nghề khác sinh sống”, bà Lợi nói.
Tại xã Diễn Vạn (H.Diễn Châu, Nghệ An), thời điểm này, cánh đồng muối 70 ha vẫn chỉ lác đác vài người ra đồng. Theo thống kê của các hợp tác xã, diện tích ruộng bỏ hoang vẫn trên 60%.

Khó chuyển nghề thay thế

Xã Quỳnh Thuận có khoảng 70% số hộ dân làm nghề muối. Nghề muối ở đây đã có từ lâu đời và thời hoàng kim, nghề này mang lại thu nhập khá cho người dân. Thế nhưng, từ 10 năm qua, giá muối phập phù khiến diêm dân lao đao.
Ông Trần Ngọc Bình, Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Thuận, cho biết giá muối rớt dài trong mấy năm qua đã khiến người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống này. Nghề muối vất vả, thu nhập lại thấp hơn nhiều nghề khác, nên diêm dân đã phải tha hương làm công nhân, giúp việc để mưu sinh. Ông Bình cũng cho biết, nếu không làm muối, 143 ha này chỉ có thể chuyển sang nuôi tôm. Tuy nhiên, nuôi tôm cần nhiều vốn, kiến thức, kinh nghiệm và cũng rủi ro lớn, nên việc chuyển đổi là không hề dễ.
Ông Hoàng Ngọc Biên, Chủ nhiệm Hợp tác xã muối Vạn Nam (xã Diễn Vạn, H.Diễn Châu), cho biết mỗi năm nghề muối chỉ sản xuất được trong khoảng 3 tháng nắng nóng. Thời gian để hoang dài, các ô kết tinh, ô chạt lọc, thậm chí là cát biển lọc nước cũng bị hư hỏng, phải làm lại khi bước vào vụ mới nên chi phí đầu tư cũng khá lớn. Trong khi đó, giá muối lại rất thấp nên người dân không muốn theo.
Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Diễn Châu, cho biết mặc dù nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân để cải tiến các ô chạt lọc, phủ bạt kết tinh để diêm dân bám nghề, nhưng do giá muối quá thấp nên nhiều người không còn muốn theo đuổi nghề.
Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy, đến nay, sau một thời gian được quy hoạch chuyển sang nuôi trồng thủy sản, hầu hết những cánh đồng muối ở các xã Diễn Kỷ và Diễn Vạn (H.Diễn Châu) vẫn bỏ hoang. Người dân cho biết, do chuyển sang nuôi tôm, đầu tư ban đầu lớn, rủi ro cao nên họ không dám mạo hiểm để đầu tư và vẫn phải bỏ hoang đất để chờ… cơ hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.