Giá vàng đã tăng và đạt mức cao kỷ lục vào ngày thứ 2 và thứ 3 trong bối cảnh lo ngại về đại dịch Covid-19 và căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng.
Điều gì thực sự khiến vàng phi mã, dễ dàng vượt qua mốc 1.800 USD/ounce và 1.900 USD/ounce? Chủ tịch điều hành tại Martin Place Securities cho biết, lý do đơn giản là vàng hiện nay quá mạnh khi mà không có bất kỳ chất xúc tác nào có thể ngăn cản vàng trong ngắn hạn.
“Nếu nhìn vào bức tranh kỹ thuật, vàng sẽ đạt mức 2.834 USD và đó là mục tiêu ban đầu khá nhanh. Sau đó sẽ chinh phục mức 3.500 USD/ounce”, Juerg Kiener, Giám đốc điều hành của Swiss Asia Capital, cũng rất lạc quan về kim loại quý này.
Ông Kiener cho biết thêm, vàng sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn đáng kể trong vòng 12 tháng tới so với các kênh tài sản khác, bởi về cơ bản, lãi suất hiện nay quá thấp. Lợi tức của trái phiếu kho bạc 10 năm điểm chuẩn hiện ở mức khoảng 0,61%. Kết quả là vàng trở nên rất hấp dẫn và điều đó sẽ tiếp tục không chỉ thu hút những người đang xem xét phòng ngừa rủi ro mà cả những người đang xem xét việc tạo ra lợi nhuận.
Chuyên gia Dawes của Martin Place Securities cho biết, rất nhiều vàng đã được châu Á và Trung Đông hấp thụ. Ông nói thêm rằng có nhiều vấn đề thúc đẩy giá di chuyển trong kim loại quý bao gồm các gói kích thích tiền tệ và dịch Covid-19. Đặc biệt, các ngân hàng T.Ư đã mua nhiều vàng hơn trong vài năm qua.
|
Quá nhiều rủi ro
Trong nước, giá vàng tăng như vũ bão và chạm mức đỉnh cao nhất lịch sử khoảng 58 triệu đồng/lượng. Tính từ đầu năm đến nay, kim loại quý này đã có mức tăng khoảng 30%. Một khoản lợi nhuận “khủng” khó có kênh đầu tư nào sánh kịp.
Tuy nhiên, liệu nhà đầu tư có tiếp tục gom vàng vào lúc này khi những dự báo vẫn đẩy giá vàng lên các mức cao kỷ lục?
Lẽ thường, mọi dự báo cũng đều chỉ mang tính tương đối, dựa vào các diễn biến hiện tại và số liệu, biểu đồ kỹ thuật của quá khứ. Điều đó không chắc để đúng với tương lai. Đó là chưa kể, một số tổ chức, định chế tài chính lớn găm giữ vàng luôn đưa ra các phân tích, dự báo để “thổi” giá vàng lên.
Với bước chạy 30% kể từ đầu năm, rõ ràng trong ngắn hạn vàng có thể gặp áp lực chốt lời rất lớn quanh vùng giá 2.000 USD/oucne. Thực tế, vàng trong nước sau khi chạm 58 triệu đồng/lượng cũng đã lao dốc khá mạnh, bốc hơi mất 1 - 2 triệu đồng/lượng chỉ trong vài phút. Vì vậy, với các nhà đầu tư, điều quan trọng lúc này phải hết sức cẩn trọng. Việc đua với “con sóng” vàng có thể mang lại rủi quá lớn khi vàng tăng dựng đứng và nếu không vượt cản được có thể sập mạnh bất cứ lúc nào.
Trước đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cảnh báo: “Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, giá vàng thế giới còn diễn biến phức tạp, chủ yếu phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Do vậy, giá vàng trong nước có thể biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, giá vàng trong thời gian này còn nhiều yếu tố rủi ro”.
Bình luận (0)