Trong nước, giá vàng SJC tại TP.HCM đầu ngày mua vào 41,4 triệu đồng/lượng và bán ra 41,75 triệu đồng/lượng. Như vậy mỗi lượng vàng SJC tăng nhẹ 100.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 50.000 đồng ở chiều bán ra so với cuối ngày trước đó. Còn tại Doji, giá vàng mua vào 41,45 triệu đồng/lượng và bán ra 41,48 triệu đồng/lượng. Dù giá bán ra giữ nguyên nhưng Doji tăng giá mua vào thêm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày 11.9.
Vàng đã có 4 phiên liên tiếp đi xuống trước đó sau một đợt tăng không ngừng nghỉ. Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, vàng vẫn trong xu hướng tăng giá dài hạn do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ngân hàng nhiều nước trên thế giới vẫn ở trong tình trạng sẵn sàng có thể cắt giảm lãi suất bất cứ lúc nào. Đóng cửa phiên giao dịch 11.9, giá vàng giao tương lai lấy lại mốc 1.500 USD/ounce.
Hôm đầu tuần 9.9, ngân hàng Citigroup đưa ra nhận định giá vàng có thể vượt mức cao xác lập vào 8 năm trước, khi giá vàng tăng vọt lên tới 1.900 USD/ounce, nhờ bất ổn xoay quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, cùng với sự suy yếu của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Giới đầu tư trên khắp thế giới đã đổ vào vàng tại thời điểm lợi suất trái phiếu rớt xuống dưới 0, theo đó làm tăng sự hấp dẫn của những tài sản không mang lại lợi nhuận như vàng. Ngân hàng này cũng cho biết có khoảng 15,3 tỉ USD trái phiếu đang được giao dịch ở mức khiến người mua bị thua lỗ, nếu trái phiếu đó đáo hạn.
Kể từ đầu năm đến nay, vàng đã tăng giá 17%, ghi nhận mức tăng tốt nhất trong năm kể từ 2010. Theo Citigroup, sự kết hợp của lãi suất thấp, rủi ro suy thoái toàn cầu gia tăng, và nhu cầu vàng mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương có thể kéo giá vàng lên cao nữa. Còn Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cũng cho biết các ngân hàng trung ương đang mua vàng nhiều hơn trong năm nay so với bất kỳ thời điểm nào trong 9 năm qua.
Bình luận (0)