Mẹ cứ hay càm ràm từ những điều nhỏ nhặt.
Thuở nhỏ, con gái thích nghịch ngợm, bỏ cả giấc ngủ trưa trốn mẹ ra ao vầy nước. Mẹ bắt gặp, tét vào mông, lôi con gái xềnh xệch vào nhà càm ràm suốt buổi: “Đáng lý mẹ phải sinh mày làm con trai mới đúng”. Con gái mặt xịu xuống buồn hiu, mắt ngân ngấn nước, giả vờ ngủ nhưng trong lòng thầm trách mẹ độc ác, không cho mình đi chơi. Lớn hơn một chút, con gái vẫn ham vui. Thỉnh thoảng nói dối mẹ đi học nhưng là tụ tập bạn bè, bị mẹ phát hiện, lại tiếp tục câu càm ràm quen thuộc: “Lười học thế, mai này còn không có cám mà ăn đâu con ạ!”. Con gái phụng phịu, trốn biệt trong “thế giới riêng”, khóa trái cửa phòng lại không muốn cho mẹ vào. Tiếng càm ràm ngoài phòng khách vẫn vang lên mồn một. Con gái bịt tai, ước “giá mà được sống xa nhà, để khỏi phải nghe những tiếng càm ràm khó chịu”. Học hết THPT, đỗ đại học, điều ước của con gái bỗng nhiên trở thành hiện thực. Bắt đầu cuộc sống mới, con gái vui mừng vì từ nay được “tự do”, sẽ không còn nghe mẹ la rầy nữa. Nhưng sao chỉ mới mấy ngày thôi mà con gái đã thấy trống vắng thế này, con gái biết mình đang nhớ lắm tiếng càm ràm thân thương của mẹ. Bây giờ con gái đã có gia đình, mỗi khi định càm ràm con, con gái lại khao khát “phải chi còn mẹ ở đây để được nghe tiếng càm ràm”.
Phạm Thị Hồng
Bình luận (0)