'Vàng trắng' đã chảy trên đất Sơn La

14/12/2021 11:50 GMT+7

Phát triển cây cao su ở Tây Bắc là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm phát triển kinh tế gắn với ổn định an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, và đặc biệt là nhằm tri ân đồng bào dân tộc tại vùng đất giàu truyền thống cách mạng nhưng đời sống còn khó khăn.

Từ mục tiêu rất quan trọng và ý nghĩa đó, với kinh nghiệm phong phú và nguồn lực vững mạnh, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tin tưởng giao triển khai thực hiện chủ trương này, bắt đầu từ khu vực Tây Bắc, cụ thể là tỉnh Sơn La (có đường biên giới giáp nước bạn Lào).

Hình thành tập quán canh tác mới

Nằm phía tây bắc của Tổ quốc, Sơn La có diện tích tự nhiên 14.055 km2 với quy mô dân số hơn 1,2 triệu người, gồm 12 dân tộc anh em chung sống. Sơn La có nhiều lợi thế để phát triển nhiều loại cây, con khác có giá trị kinh tế cao. Trải qua bao trăn trở, suy nghĩ và tham quan học tập nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp trong và ngoài nước, lãnh đạo tỉnh Sơn La đã xác định cây cao su là cây trồng khá phù hợp với điều kiện sinh thái ở một số vùng của tỉnh, có thể phát triển theo hướng tập trung hàng hóa trên quy mô lớn tạo thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng cây lưu niệm trong chuyến thăm và làm việc tại Công ty CP cao su Sơn La vào năm 2014

Nhằm cụ thể hóa chủ trương vào thực tiễn, tỉnh Sơn La và VRG phối hợp thực hiện chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn. Ngày 18.8.2007, VRG đã tiến hành thành lập Công ty CP cao su Sơn La, đây cũng là đơn vị thành viên đầu tiên của VRG tại khu vực Tây Bắc.

Với phương thức vận động người dân chuyển đổi những diện tích đất canh tác hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cao su, người dân trong vùng quy hoạch có nguyện vọng sẽ được tham gia góp đất trồng cao su vào Cao su Sơn La bằng giá trị quyền sử dụng đất. Kết quả, một bộ phận người dân của tỉnh đã có tài sản của mình trong công ty và bản thân họ trở thành công nhân cao su. Và cũng từ đây, người nông dân với tập quán canh tác lạc hậu năm xưa đã hoàn toàn thay đổi với lối làm việc có kỷ cương, giờ giấc theo tác phong công nghiệp. Họ được đào tạo bài bản, có kỹ năng làm việc tốt, có kỷ luật cao.

Phát triển cây cao su ở Sơn La là lĩnh vực mới, nên trong thời gian đầu triển khai, một số loại giống đưa ra vùng Tây Bắc không có khả năng chịu lạnh nên tốc độ sinh trưởng và phát triển không đồng đều. Thậm chí có loại giống không thể chịu được những đợt rét đậm, rét hại nên đã chết. Song, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, những loại giống không chịu được lạnh đã được thay thế bằng các loại giống phù hợp với vùng khí hậu khắc nghiệt nơi vùng cao Tây Bắc. Nhìn lại chặng đường đã qua: từ 70 ha cây cao su đầu tiên trồng tại Phiêng Tìn, TT.Ít Ong của H.Mường La, đến nay diện tích đất cây cao su đã mở rộng ra 6 huyện: Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Yên Châu và Vân Hồ, với tổng diện tích hơn 6.000 ha cao su.

Giờ đây, hàng nghìn héc ta đất trống, đồi trọc, đất bạc màu canh tác kém hiệu quả… đã được chuyển đổi thành những đồi cao su xanh trập trùng. Đây là những cơ sở quan trọng để tỉnh quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, phát triển công nghiệp chế biến và các dịch vụ về nông thôn, tạo nhiều việc làm ở các trình độ khác nhau, lao động phổ thông tại khu vực nông thôn có nhiều cơ hội để lựa chọn việc làm phù hợp.

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Cao su Sơn La đã nỗ lực vượt khó và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: Sản lượng khai thác đạt 4.710 tấn, doanh thu đạt khoảng 185 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 21,5 tỉ đồng; thu nhập của người lao động đạt hơn 5,6 triệu đồng/người/tháng; thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động đầy đủ và kịp thời.

“Đến nay, sau 14 năm đứng chân trên địa bàn Sơn La, công ty đã gặt hái được một số thành quả bước đầu, trong đó tiêu biểu nhất là tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.307 lao động địa phương. Thêm vào đó, từ khi cây cao su được đưa vào khai thác, bà con góp đất trồng cao su đều được chia sản phẩm”, ông Trương Minh Tuấn, Tổng giám đốc Cao su Sơn La, chia sẻ.

Công nhân Cao su Sơn La khai thác mủ

HUÊ LINH

Góp phần xây dựng nông thôn mới

Thành quả ban đầu trên đã mang lại niềm vui, lòng tin và sự lạc quan phấn khởi đối với tập thể người lao động công ty cũng như người dân tham gia góp đất trồng cao su. Vậy là sau bao năm bền bỉ lao động; sau bao giọt mồ hôi đổ xuống; sau bao hoài nghi chờ đợi, cuối cùng dòng “vàng trắng” cũng đã chảy trên đất Sơn La.

Khẳng định sự thành công của dự án, và cũng để chứng minh cam kết của mình đối với địa phương trong việc tập kết sản phẩm, sản xuất nông nghiệp tập trung, tại chính mảnh đất Sơn La, trong năm 2017 Cao su Sơn La đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến có tổng công suất thiết kế 9.000 tấn/năm.

Cây cao su phát triển đến đâu, các công trình điện, giao thông, trường học, trạm y tế hình thành và mở rộng các khu thị tứ... Ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân còn có điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Cùng với tập trung phát triển sản xuất, trong quá trình xây dựng và phát triển, công ty đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo hộ lao động cho người lao động; xây dựng hệ thống 13 nhà trẻ, trường học cho con em người lao động của công ty có điều kiện học tập đàng hoàng. Nhờ những ngôi trường này, người lao động không phải nhọc nhằn địu con lên nương làm việc như trước kia, mà hoàn toàn yên tâm lên đồi trồng, chăm sóc cao su khi con mình đang được các giáo viên có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm chăm sóc chu đáo.

Hỗ trợ người lao động có thêm thu nhập, Cao su Sơn La phối hợp các tổ chức, đoàn thể vận động công nhân phát triển kinh tế gia đình. Để cụ thể hóa điều đó, Cao su Sơn La đã hỗ trợ vốn, các phòng ban chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật cho hộ công nhân trồng xen canh như ngô, lúa, đậu, lạc, cà phê… và chăn nuôi gia cầm. Đặc biệt, công ty đã có chủ trương cho người lao động vay không tính lãi để trồng cỏ và nuôi bò nhốt chuồng. Từ chủ trương này, công ty đã cho 1.201 hộ vay vốn gần 6,8 tỉ đồng, tương đương với 1.201 con bò. Tính đến nay, đàn bò đã tăng lên 2.024 con do sản sinh thêm 823 con.

Chị Lò Thị Lan, công nhân khai thác mủ của Cao su Sơn La, chia sẻ: “Trước đây khi chưa vào làm cao su, chúng tôi chủ yếu làm nương rẫy, trồng ngô, trồng sắn, thu nhập cũng bấp bênh, không dư dả gì mấy. Đến khi góp đất cùng công ty trồng cao su thì tôi cũng xin vào làm công nhân cao su luôn. Ngoài thu nhập từ lương, tôi còn được công ty hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi bò. Từ con bò đầu tiên, qua thời gian, tôi đã có nhiều hơn trước và tập trung chăm sóc để có thêm thu nhập”.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Công ty CP cao su Sơn La vào năm 2014, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Việc VRG đầu tư phát triển cao su tại khu vực Tây Bắc được xem là một cuộc cách mạng làm thay đổi nếp làm việc, thay đổi phong tục tập quán trong sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương. Tôi rất hoan nghênh tinh thần của bà con khi góp đất cùng công ty nhà nước để trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.