Vành đai 4 Vùng thủ đô 'đội vốn' gần 1.600 tỉ do đơn giá đất mới

19/10/2024 16:57 GMT+7

Dự kiến tổng mức đầu tư thực tế toàn dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô sẽ vượt 1.589 tỉ đồng, chủ yếu do áp dụng đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường.

Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô cho hay, diện tích giải phóng mặt bằng tại các địa phương đã thực hiện khoảng 96,3%, tuy nhiên chủ yếu thuộc phạm vi đất nông nghiệp.

Vành đai 4 Vùng thủ đô 'đội vốn' gần 1.600 tỉ do đơn giá đất mới- Ảnh 1.

Thi công dự án Vành đai 4 đoạn qua Bắc Ninh

ẢNH: BÁO BẮC NINH

Phạm vi đất chưa thực hiện giải phóng mặt bằng chủ yếu thuộc khu vực đất ở của các hộ gia đình, đất liên quan đến tín ngưỡng, đất liên quan đến các cơ quan, tổ chức… Đây là phần rất khó khăn do ảnh hưởng đến sinh kế người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các khu tái định cư triển khai còn chậm. Vì vậy, mặc dù tỷ lệ mặt bằng đã bàn giao khá lớn, tuy nhiên còn có hiện tượng xôi đỗ, khó khăn trong việc triển khai thi công đồng loạt.

Cho ý kiến về tình trạng này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị các địa phương liên quan khẩn trương có giải pháp hiệu quả, kịp thời, sớm bàn giao mặt bằng thi công cho các nhà thầu, để tránh ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Đáng chú ý, theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến tổng mức đầu tư thực tế của dự án thành phần 1.2 (giải phóng mặt bằng, tái định cư địa phận tỉnh Hưng Yên) và dự án thành phần 1.3 (giải phóng mặt bằng, tái định cư địa phận tỉnh Bắc Ninh) sẽ vượt sơ bộ tổng mức đầu tư theo chủ trương được duyệt khoảng 1.840 tỉ đồng.

Dự kiến tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án sẽ vượt khoảng gần 1.589 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do áp dụng đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát các nội dung và chi phí tăng thêm so với tổng mức đầu tư, trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Tổng số vốn của dự án theo nghị quyết Quốc hội phê duyệt khoảng 85.813 tỉ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư huy động 29.447 tỉ đồng, vốn nhà nước khoảng 56.366 tỉ đồng.

Theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, dự án phải cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027.

Tuy nhiên, đến nay tiến độ triển khai dự án chậm so với kế hoạch đề ra. Sản lượng thi công dự án thành phần 2.1 đạt 33,29% hợp đồng, đạt 85% so với kế hoạch đề ra; sản lượng dự án thành phần 2.2 đạt 19,56% hợp đồng, đạt 94% so với kế hoạch đề ra.

Riêng dự án thành phần 2.3 (Bắc Ninh) tiến độ còn chậm, mới chỉ đạt 5% hợp đồng, đang chậm 51% so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu do khó khăn mỏ vật liệu, vướng mắc về GPMB.

Bên cạnh đó, tình hình giải ngân của các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong năm 2024 cũng chậm, dự án thành phần 1.2 đạt khoảng 20%, dự án thành phần 1.3 đạt khoảng 13%, riêng dự án thành phần 1.1 đạt khoảng 4%.

Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát kỹ, xác định chính xác tổng mức đầu tư của các dự án thành phần, bảo đảm tính đúng, tính đủ theo đúng khối lượng, đơn giá, định mức và chế độ chính sách của Nhà nước.

Trường hợp tổng mức đầu tư của dự án vượt sơ bộ tổng mức đầu tư theo chủ trương được Quốc hội phê duyệt, các địa phương có trách nhiệm cân đối bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.