Nhóm sinh viên vào quán karaoke ôn bài |
thúy hằng |
Rẻ hơn ngồi quán cà phê
Đây là lần thứ 3 Trần Nhã Văn, 22 tuổi, sinh viên năm cuối chuyên ngành marketing Trường ĐH Công nghệ TP.HCM ôn bài trong quán karaoke. “Trước tụi em một lần đi hát với bạn bè ở đây nên thấy phòng rộng rãi thoáng đãng, ánh sáng tốt, máy lạnh chạy thoải mái. Cứ từ 10 giờ tới 17 giờ, không phải cuối tuần và ngày lễ, có thẻ sinh viên thì chỉ giá hát chỉ 35.000 đồng một giờ, nếu tới đông người, chia tiền ra còn rẻ hơn vào quán cà phê hay trà sữa”, Nhã Văn nói.
Để minh chứng cho việc “rẻ hơn quán cà phê, trà sữa”, Nhã Văn phân tích: “Lần này nhóm của em đi 5 người. Nhóm ngồi hơn 4 giờ. Tính ra tổng tiền phải trả cho quán là 140.000 đồng. Chia đều cho 5 người, mỗi bạn chỉ mất 28.000 đồng để ôn bài trong phòng có gắn máy lạnh, nếu ai mệt có thể nằm chợp mắt một chút, chưa kể học xong có thể giải trí bằng việc thử tài ca hát”.
12 giờ trưa, một quán karaoke trên đường Nguyễn Tri Phương đầy xe máy của sinh viên gửi |
thúy hằng |
“Nếu ra ngoài quán cà phê có không gian ngồi ôm laptop làm việc, có máy lạnh, mỗi ly đồ uống ít nhất 35.000 đồng - 40.000 đồng. Nếu là trà sữa thì phải từ 50.000 đồng - 70.000 đồng/ly. Chưa kể có quán cứ đúng 2 giờ vào ngồi là tự động ngắt wifi, phải đi xin “code wifi” khác, rất kỳ. Mà ngồi ở ngoài chỗ đông người, tụi em tranh luận bài vở thường nói to, mọi người đều quay ra nhìn mình khó chịu”, Nhã Văn nói thêm về việc ngồi học nhóm trong quán karaoke “lợi cả đôi đường”.
Đi cùng Nhã Văn là Nguyễn Hồng Vy, bạn học cùng lớp đại học. Vy quê ở TP.Phan Thiết, Bình Thuận, đã đi làm thêm trong một công ty truyền thông, thu nhập mỗi tháng được khoảng 6 triệu đồng nên hoàn toàn tự chủ tài chính, không phải nhờ sự “chi viện” của cha mẹ. Tuy nhiên, số tiền này cũng không phải quá lớn để thoải mái chi tiêu, nếu không “thắt lưng buộc bụng” thì chưa tới tháng đã hết tiền.
“Tụi em đều không dám gọi đồ ăn thêm gì từ trong quán hay thậm chí là nước suối. Khi tan học, cả nhóm đi ăn cơm bình dân ở cổng trường. Sau đó mới đến quán karaoke, trong balo mỗi đứa đều thủ sẵn 1 chai nước”, Hồng Vy kể.
“Ban đầu tụi em cũng ngại nhân viên của quán nên phải giấu việc mình mang nước uống từ bên ngoài vào. Nhưng về sau các anh chị biết mình là sinh viên nên nói không gọi đồ ăn cũng không sao, còn tặng cho cả nhóm một bình trà đá để cả nhóm yên tâm học”, nữ sinh viên năm cuối chia sẻ.
Nhã Văn (áo vàng) trao đổi bài tập tiếng Anh với các bạn |
thúy hằng |
Tối mới về nhà trọ cho… đỡ tốn tiền điện
Nhã Văn quê ở xã Hòa Hiệp Trung, H.Đông Hòa, Phú Yên. Trước đây mỗi tháng cô đi làm thêm, thu nhập được khoảng 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên gần đây cô dành thời gian để tập trung hoàn thành chương trình để ra trường, không đi làm thêm nên chi tiêu càng phải thắt chặt hơn. Đặc biệt từ lúc xăng tăng giá, cái gì cũng tăng theo.
“Cũng may thịt cá, thực phẩm phần lớn ba mẹ em đóng thùng gửi từ quê vào cho, em chỉ thi thoảng mua thêm rau củ. Tiền phòng trọ em đóng cùng một bạn nữa, cả điện nước là 1,5 triệu đồng/tháng. Tiền đổ xăng mỗi tuần khoảng 200.000 đồng. Tiền để uống nước hoặc học nhóm cùng các bạn mỗi tháng chỉ khoảng 200.000 đồng. Trời nắng nóng như thế này nhưng tụi em không dám lắp máy lạnh ở phòng trọ vì sao trả nổi tiền điện. Do đó, tìm được chỗ ôn bài trong quán karaoke có máy lạnh như thế này cũng đỡ”, Nhã Văn kể.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Tố Uyên, 22 tuổi, sinh viên năm cuối Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thuê nhà trọ trên đường Sư Vạn Hạnh, Q.10. Mỗi tháng, cô gái quê ở huyện Tiểu Cần, Trà Vinh tốn khoảng 1,3 triệu đồng tiền nhà trọ. 3 - 3,5 triệu đồng/tháng cho việc ăn uống, sinh hoạt phí, xăng xe đi lại. Trời mùa này nắng nóng gay gắt. Không có tiền để lắp đặt máy lạnh, trả tiền điện ở nhà trọ, Uyên và các bạn thường phải học bài ở thư viện, phòng học chung, quán cà phê, tối mới về phòng trọ.
“Em học ngành marketing, những bài tập nhóm cũng thường phải sáng tạo nhiều. Nên thay đổi không gian học tập cũng giúp nhóm đưa ra nhiều ý tưởng phong phú hơn. Nhưng ngồi ở quán cà phê, trà sữa thì tốn kém lắm. Mỗi người một ly nước cũng tới 50.000 đồng rồi, chưa kể không dám nói to, không dám cười lớn, hoặc mệt quá nằm gục xuống bàn để ngủ cũng kỳ”, Uyên chia sẻ lý do cô và các bạn hay tới phòng hát karaoke trên đường Nguyễn Tri Phương, Q.10 để học bài. Nếu mang thẻ sinh viên, nhóm của Uyên chỉ mất 35.000 đồng/giờ để học bài thoải mái.
Uyên, bìa phải, thường chọn cách học nhóm trong quán karaoke để tiết kiệm tiền |
thúy hằng |
“Mấy bạn nhân viên dễ thương biết tụi em phải dùng tới máy chiếu để thuyết trình nên còn hỗ trợ lắp máy chiếu miễn phí cho cả nhóm”, Uyên kể.
Sáng tạo hậu dịch Covid-19
Chị Đinh Hoàng Thùy Dương, trưởng bộ phận kinh doanh Karaoke ICOOL, TP.HCM, chia sẻ phong trào tới quán karaoke ôn bài của học sinh, sinh viên nở rộ từ sau dịch Covid-19, khi nhịp sống bình thường mới trở lại ở TP.HCM. Khi “bão giá”, mọi thứ chi tiêu với sinh viên đều tăng trong khi cuộc sống xa nhà vốn đã khó khăn. Không cần phải mua đồ uống hay đồ ăn, hoặc mua với giá bình dân, áp dụng cho sinh viên, bạn trẻ vẫn được ngồi học trong không gian an toàn, lành mạnh, có màn hình máy chiếu, máy lạnh, theo chị Dương đây cũng là giải pháp tiết kiệm.
Nguyễn Ngọc Trang, sinh viên năm cuối Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho hay vào quán karaoke ôn bài cũng là một gợi ý mà những nhóm sinh viên đông người có thể áp dụng nếu cần không gian làm việc nhóm, chuẩn bị cho thuyết trình, các cuộc thi. "Kinh nghiệm là nên chọn những thương hiệu uy tín, lành mạnh, được các bạn sinh viên đánh giá nhiều sao, nhận xét tốt trên các diễn đàn. Các phòng cần cách âm tốt, ánh sáng chuẩn và hỏi trước về giá áp dụng cho sinh viên, trong các khung giờ hoặc ngày nào trong tuần", Trang nói.
Bình luận (0)