Vào rừng... đạp xe

20/02/2019 07:03 GMT+7

Môn thể thao xe đạp địa hình đã trở thành thú chơi của nhiều bạn trẻ. Có người mê đạp xe mà bỏ chơi game, có người cuối tuần nào cũng dạo vài vòng trên núi... đam mê chinh phục các thử thách.

Mê xe, bỏ game

Lưu Võ Trọng Nhân (sinh viên năm 1 Trường ĐH Văn hóa) và Lê Đăng Khoa (24 tuổi, nhân viên văn phòng ở Q.11, TP.HCM) đều từng mê game, chơi suốt ngày đêm. Nhờ ra ngoài vận động, chơi đạp xe, đi băng đồng, đổ đèo, cảm giác phấn khích từ quá trình này đã khiến 2 bạn dứt khỏi những ngày triền miên ngồi chơi game trước máy tính.
Nhân chia sẻ: “Trước đây thế giới của em chỉ ở trong game. Năm 2014, lúc 16 tuổi, bạn bè rủ em chơi xe đạp. Ban đầu là sắm một chiếc xe đạp đến trường. Dần dần tìm hiểu sâu hơn, có “hội” riêng, mức độ tập luyện của em cũng tăng dần. Chơi xe đạp thấy vừa khỏe người, lối sống của bản thân cũng thay đổi theo, không còn thức khuya dậy trễ, tác phong cũng nhanh nhẹn, đúng giờ hơn”.
Cũng là một game thủ lâu năm, ít ai ngờ một ngày Khoa từ bỏ để… chơi xe đạp. “Gia đình lúc biết mình chơi xe đạp cũng ngạc nhiên lắm. Nhờ chơi xe đạp mà tham gia nhiều hội, đạp xe mỗi cuối tuần, quen được nhiều bạn hơn. Hầu như các cuộc hẹn hay đi gần gần, đi làm, mình đều dắt xe đạp ra chạy. Với mình, đi xe đạp là niềm vui”, Khoa nói.

Khám phá cung đường mới

32 tuổi, niềm đam mê của anh Ngô Thanh Lê Quang, nhân viên ngân hàng ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), là những chuyến đi xa, khám phá những cung đường chưa từng đặt chân qua với xe đạp địa hình. Anh Quang kể: “Mình vốn mê thể thao, ban đầu là tập gym. Lâu dần thấy tập một mình mãi buồn quá, phải kiếm môn khác để có thể giao tiếp, gặp gỡ bạn bè. Thế là chuyển qua chơi xe đạp. Cùng với chiếc xe, mình đạp đi khắp nơi, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa được đi du ngoạn”.
Anh Quang cho biết đã học được nhiều kỹ năng mới từ môn chơi này. “Tôi chưa bao giờ nghĩ vào một ngày mình có thể tự sửa xe đạp, ráp được chiếc xe. Cái này cũng do hoàn cảnh đưa đẩy. Đi vô rừng, nhiều khi xe bể bánh, hư xe… không lẽ nhờ bạn bè sửa hoài, thế là mình tự học. Dần dần các lỗi cơ bản đều tự sửa được”, anh Quang kể.
Lưu Võ Trọng Nhân cho rằng chơi môn thể thao này còn chuẩn bị tinh thần có thể té nhẹ, gặp “tai nạn” khi đi trên địa hình xấu. Ai mà không “lì” không “chì” thì khó mà theo đuổi xe đạp địa hình lâu dài được.
Chia sẻ về sự “lì” khi chơi xe đạp địa hình, anh Lê Quang kể: “Có địa danh từ Tam Bố (Lâm Đồng) đi ra 18 suối, mình và người bạn đi 4 lần rồi mà vẫn chưa tới. Đến giờ vẫn là cung đường muốn chinh phục. Lần đầu thì từ rừng Tam Bố đi đến khu vực cây 9 nhánh bị gãy pedan phải quay lại. Lần thứ 2 thì mưa lớn, nước dâng lên đành phải quay về. Lần thứ 3 bị hư phuộc xe, phải trở lại. Lần thứ 4 mình quyết tâm đi lắm, đang từ Tam Bố đi được khoảng 20 km thì bị té, phải nhờ người chở ra khỏi bìa rừng. Tuy nhiên, tình yêu với xe đạp vẫn hừng hực nên kiểu gì năm nay cũng trở lại để hoàn thành hành trình còn dang dở”.

Những kỹ năng cần trang bị

Anh Đặng Đức Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Khánh Khang, chuyên tổ chức sự kiện thể thao dành cho người mê xe đạp địa hình, cho biết để đảm bảo an toàn, người chơi xe đạp xuyên rừng cần trang bị: Kiến thức về rừng và kỹ năng sinh tồn trong rừng. Vài kỹ năng như: Cách giữ ấm cơ thể, cách tìm thức ăn và nước, cách tìm đường ra nếu bị lạc… Khi lạc đường, có thể chú ý dấu người đi trước có hay không. Nếu không thì nên ngồi lại tại ngã ba hoặc ngã tư và đốt lửa. Việc này giúp tránh côn trùng, thú dữ và các loài có nọc độc đến gần. Đồng thời để người khác trong đoàn hoặc thợ rừng dễ tìm ra mình. Cần có những vật dụng bảo hiểm như bảo hiểm gối chân, khuỷu tay, găng tay da, mắt kính, nón bảo hiểm xe đạp, giày đế gai. Thuốc tăng và hạ huyết áp, kẹo ngọt, băng cá nhân…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.