Già Alăng Pố ở xã Lăng (H.Tây Giang) nói: "Rừng mang lại cho người dân môi trường sống trong lành, nguồn mạch nước ngọt trong vắt để dân làng uống, động thực vật phong phú để con người sinh tồn và phát triển. Người Cơ Tu có một tình yêu rất đặc biệt với rừng. Chính tình yêu này đã hóa thành dòng chảy sức mạnh, mỗi người dân là một cánh tay cùng chung sức bảo vệ rừng".
Già Pố cũng không giấu giếm chuyện người dân vùng cao đang được hưởng lợi từ một nguồn thu lớn: du lịch khám phá những cánh rừng thiêng. Già bảo, thể rừng pơ mu xung quanh đỉnh núi Zi'liêng với khoảng 2.000 cây, được người dân phát hiện trong một lần mở đường vào rừng từ năm 2011. Trong đó, vùng lõi khoảng 250 ha, là nơi bén rễ của 725 cây pơ mu. Năm 2015 và 2018, gần 1.200 cây pơ mu trong khu rừng này đã được công nhận Cây di sản Việt Nam. Cây gỗ pơ mu có tuổi đời thấp nhất là khoảng 300 năm tuổi, cao nhất gần 2.000 năm tuổi.
Để "vương quốc pơ mu" trở thành một điểm du lịch khám phá hấp dẫn, chính quyền H.Tây Giang đã thành lập hẳn một làng mới giữa lõi rừng pơ mu. Huyện đầu tư mở ngay một con đường 8 km vào đến nơi lập làng, thay vì phải đi bộ hàng giờ đồng hồ như trước đây. Thêm 10 ngôi nhà được xây dựng theo phong cách nhà truyền thống của người Cơ Tu, có một gươl (nhà làng truyền thống) để sinh hoạt cộng đồng cũng là nơi tiếp đón du khách đến tham quan, lưu trú. Hằng năm, vào tháng 2 dương lịch, UBND H.Tây Giang phối hợp các xã tổ chức lễ hội tạ ơn rừng với những nghi thức mang đậm dấu ấn văn hóa tâm linh truyền thống của đồng bào Cơ Tu thu hút đông đảo du khách tham gia.
Rừng "trả công" cho người
Ông Pơloong Plênh, Phó trưởng phòng VH-TT H.Tây Giang, cho biết sau vài năm có cây di sản được công nhận, chính quyền H.Tây Giang mở cửa đón khách tham quan trải nghiệm hệ sinh thái rừng nguyên sinh độc đáo này. Từ làng du lịch, bằng nhiều cách, du khách có thể chạm tay vào các "cụ pơ mu" hàng trăm năm đến hàng ngàn năm tuổi.
"Người Cơ Tu không xem rừng là tài nguyên để chiếm lĩnh, mà như người bạn, người thân. Họ luôn ứng xử văn minh và tôn thờ thần rừng nên được rừng trả công rất hậu hĩnh", ông Pơloong Plênh nói.
Gần đây, hầu như tuần nào ông Pơloong Plênh cũng dẫn đoàn du khách đến tham quan không gian sinh thái các cánh rừng nguyên sinh. Bằng các tour trải nghiệm mạo hiểm, ông kết nối ngày càng nhiều du khách có đam mê trải nghiệm thiên nhiên. Nhưng không chỉ giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp cảnh quan của địa phương, ông còn hướng đến mục tiêu tạo việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho cộng đồng.
"Sinh kế từ du lịch rừng, người dân phải được hưởng lợi đầu tiên. Bởi họ chính là chủ rừng, có nhiều công sức trong việc bảo vệ những cánh rừng di sản này", ông Pơloong Plênh nhìn nhận.
Ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho hay cùng với "vương quốc pơ mu", địa phương còn sở hữu những cánh rừng già quý hiếm như đỗ quyên, lim xanh… và xem đấy là báu vật.
Ngoài 10 ngôi nhà đã dựng tại vùng lõi pơ mu, huyện cũng đang xúc tiến các điểm dừng chân, mở dịch vụ du lịch homestay cho các hộ dân sinh sống quanh vùng đệm để phục vụ công tác bảo tồn và du lịch. Theo ông Arất Blúi, nhiều năm nay chính quyền địa phương gắn việc bảo vệ những cánh rừng già với phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa. Một khi những cánh rừng được "an toàn" và còn mang lại nguồn sống cho người dân, thì không một ai có thể xâm hại rừng.
Bình luận (0)