Vào rừng tìm nấm linh chi

27/11/2010 14:05 GMT+7

(TNTS) Từ xưa đến nay, nấm linh chi ngàn năm tuổi được xem như thứ thuốc có khả năng thay đổi sinh mệnh của con người, chỉ ai có duyên mới tìm gặp được. Bây giờ, những tai nấm linh chi già không còn nữa, nhưng linh chi tự nhiên vẫn đang được săn lùng và ngày càng trở nên hiếm hoi…

“Phải đi sâu vào rừng, qua dãy núi kia, tới những khu rừng lạnh tanh không thấy mặt trời, ở đó có những xác cây hàng trăm năm nằm chết gần suối, mới hy vọng tìm thấy linh chi". Trên căn nhà sàn nằm gần biển ở phía tây đảo Phú Quốc, người thợ rừng lão luyện kể về những chuyến đi tìm linh chi khó nhọc. Những chuyến đi ngày càng xa, càng hiểm trở. Anh kể về những đêm lạnh giữa rừng hoang và những trăn trở một ngày nào đó rồi sản vật của rừng cũng chỉ còn lại trong chuyện kể. Nép sau chồng, vợ anh cũng xuýt xoa: "Hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ, tôi chưa thấy nấm nào bự như thế. Tai nấm to bằng cái thúng bán ở chợ giỏi lắm chỉ nặng mười mấy ký. Anh Sáu nhà tôi từng kiếm được nấm to hơn nhiều lần như vậy, to hơn cả một người lớn í chứ. Nó cứng như đá, chặt vào là mẻ búa…". Những câu chuyện đại loại như thế đã thôi thúc tôi... 

Nấm "rút" vào rừng sâu

"Xin đất đảo, bà cậu, rừng rú chỉ đường cho con gặp nấm linh chi…", người thợ rừng nhắm nghiền mắt, quay mặt về ngọn núi xa thành khẩn như ngỏ lời xin phép ai đó cho một chuyến kiếm cơm xa nhà. Những chuyến đi tìm nấm ngày càng dài hơn, khó khăn hơn… Họ phải mang theo gạo, mắm, lều bạt, đèn pin… đủ để sinh tồn nhiều ngày trong rừng. Điều quan trọng trước khi xuất hành là phải bắt đầu bằng những lời khấn vái như thế. Hành vi mang tính tâm linh này cũng lặp lại khi họ mang nấm về nhà, nhưng có phần trang trọng hơn với mâm cúng "trả lễ" khi tìm được nấm, bán có tiền.

Phải sau nhiều lần gặp gỡ, tôi mới xóa hết những hoài nghi của người bán dược thảo ở thị trấn Dương Đông, khi hỏi về nguồn gốc của loại nấm to khác thường mà ông bày bán bên vệ đường. Người đàn ông hiền lành cuối cùng cũng dè dặt tiết lộ cho tôi "mối làm ăn" của ông. Theo chỉ dẫn, tôi phải qua một "đoạn đường gian khổ" 50 cây số khúc khuỷu và lầy lội chạy ven rừng mới đến được địa chỉ người cần tìm.

 Trái với những lo ngại ban đầu, người mới đến được gia đình Sáu Khánh tiếp đón như người thân đi xa về. Những câu chuyện về cuộc sống xuống biển, lên rừng ở "xóm rắn", những giai thoại huyền hoặc cứ tiếp nối… Câu chuyện chỉ dừng lại ở đoạn nhiều ngư dân trong xóm neo ghe để lên rừng tìm nấm. Nhưng "phong trào" cũng chỉ được ít lâu, rừng rú hiểm trở và sự tồn tại kỳ ẩn của loài nấm rừng này đã bào mòn kiên nhẫn của những đôi chân vốn chỉ quen với biển cả.

Cái thời người dân Xà Lực (ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm, Phú Quốc) rầm rộ lên rừng tìm nấm nghe tưởng như xa, nhưng cũng chỉ mới cách nay hơn một năm và cũng chỉ diễn ra trong vài tháng của năm rồi. Khi đó, một số ngư dân thấy số tiền kiếm được từ bán nấm cao hơn nhiều so với đi biển, họ rủ nhau lên rừng tìm nấm đem bán cho các sạp thuốc, điểm bán quà cho khách du lịch hoặc những mối quen trên đảo, với giá chỉ năm, bảy chục ngàn một ký. Thời gian đầu, những người vào rừng lấy nấm ở Xà Lực kiếm được khá nhiều tiền. Nhưng rồi, trên đôi vai những người đi rừng cứ nhẹ dần…


Tai nấm linh chi nặng 12 kg bày bán tại chợ Dương Đông (Phú Quốc) được cánh thợ rừng cho rằng chưa phải là lớn

Ban đầu họ chỉ lấy "đại nấm" "già hơn tuổi người". Về sau, các tai nấm nhỏ mới vài tháng tuổi cũng lần lượt ra chợ. Một người dân ở đây lắc đầu: "Người ta lấy nhiều quá nên linh chi nó "rút" vào sâu hết. Đâu có ở ngoài bìa rừng hoài cho mà lấy". Nhưng Sáu Khánh lại không nghĩ vậy. Anh giải thích: "Để có một tai nấm linh chi vài chục ký, có khi phải mất mấy trăm năm. Linh chi chứ đâu như nấm thường mà mọc ở đâu thì mọc". Sáu Khánh nói sở dĩ anh còn "trụ" với nghề săn nấm linh chi là do nắm được bí quyết tồn tại của loài nấm này, do anh nhẫn nại và một phần cũng do "có duyên" với linh chi.  

Linh chi tuyệt tích

Hơn 10 năm lên rừng "múc dầu" (lấy nhựa từ cây dầu để dùng cho đóng tàu ghe), Sáu Khánh nói anh đã thuộc lòng những dãy rừng phía tây đảo. Lúc đó, rừng ở đây nấm nhiều vô kể. Những người đi rừng không màng để mắt tới. Cho tới một ngày Sáu Khánh chở vợ ra chợ Dương Đông, thấy người ta bày bán "loại nấm quen quen" cùng với các thảo dược khác, anh mạo muội tới "hỏi thăm". Không ngờ nghe hỏi, người chủ quầy thuốc hớn hở "có bao nhiêu mua bấy nhiêu". Từ đó, những chuyến đi rừng của anh không còn để múc dầu nữa.


Nấm linh chi thường mọc lên trên xác những thân cây mục

Chuyến vào rừng lấy nấm đầu tiên, Sáu Khánh chở ra Dương Đông một bao các loại nấm lớn nhỏ, nhiều màu sắc khác nhau. Nhưng chủ quầy thuốc đã bỏ gần hết, chỉ lấy một loại nấm gỗ. Loại nấm mọc trên xác những cây dầu đại thụ trước giờ chẳng ai động tới bỗng trở thành một món hàng đắt và dĩ nhiên chúng sẽ chẳng còn yên ổn trên xác cây già. Biết khu rừng có một loại nấm bán được, thiên hạ kéo nhau tìm. Trong số họ, Sáu Khánh nói có lẽ anh là người lấy được nhiều linh chi nhất. Là vì anh biết được "quy luật" sinh tồn của loại nấm này.

Ở rừng Phú Quốc, nó chỉ mọc trên xác cây dầu mít, cây dầu nước trăm năm chết bên bờ suối, loài cây mà anh đã quá quen. "Nhưng không phải cây dầu nào chết cũng "được" nấm linh chi mọc lên. Mà cây ấy phải ở vị trí thuận lợi, hội đủ điều kiện kết hợp giữa nóng, lạnh, hơi nước và ánh sáng. Linh chi lớn có trọng lượng vài chục ký chắc chắn tuổi của nó cũng lớn hơn tuổi người lấy. Mà mỗi thân cây chỉ có một đợt nấm mọc lên, nên rất hiếm. Đã lấy linh chi đi rồi, cả đời người mình quay lại cũng không thể tìm được tai nấm thứ hai ở khu vực đó nữa" - Sáu Khánh trầm giọng. Vì vậy, ở một khu rừng khi đã có người tới rồi thì người sau không tới nữa.

Con suối Cái vắt qua sườn đảo dẫn sâu vào trong những khu rừng "chưa từng có ai tới" là nơi mà nhóm người Sáu Khánh cho rằng là có nhiều xác cây dầu và họ bám theo đó mà tìm linh chi. Ở đó có thể gặp những thân cây "như cái nhà" và những gã rắn to xác nằm tư lự... Sau một ngày đường, nhóm người tìm nấm bước vào khu rừng lạ.

Ở đây, đêm sập cửa từ lúc 5 giờ chiều và ngày vén màn tận khi 8 giờ sáng. Bữa cơm cuối ngày được mang ra cũng là lúc cái lạnh của rừng sâu thấm vào da thịt. Sáu Khánh bảo tìm linh chi đối với anh không đơn thuần chỉ là mưu sinh, mà nó đã là đam mê. Thường vùng có linh chi là vùng trũng có nhiều cây to, hội đủ điều kiện cho chúng sinh sôi. Kinh nghiệm của anh thợ rừng tìm linh chi là ngoài việc "khoanh vùng" có khả năng tồn tại của chúng để phát hiện, người ta còn dựa vào luồng khói mỏng màu vàng nhạt mà chúng tỏa ra không khí.

Tới gần, luồng khí ẩm này như đập vào mặt người với mùi ẩm mốc đặc trưng. Kể đến những lần gặp nấm "khủng", Sáu Khánh càng tỏ ra phấn chấn. Nhiều lần "vô mánh", anh gặp được cây dầu đường kính không dưới 2m chết đứng, nó mang trên mình những tai nấm khổng lồ; hay có lần men theo làn hơi nước màu vàng anh gặp được tai nấm "to chưa từng thấy" được phủ lên lớp thực bì dày cả tấc; hoặc có lần lấy được tai nấm mà anh phải cõng về như cõng… người, vì nó dài từ đầu xuống tới gót chân; và cũng có lần mấy ngày lang thang xuống rừng Bãi Bổn, anh phải công cốc trở về…

Bài & ảnh: Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.