Vào vùng rốn lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ: 'Các anh cứu bố mẹ em với'

20/10/2020 17:22 GMT+7

Cẩm Thành, một trong 6 xã nằm ở vùng hạ du Hồ Kẻ Gỗ (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mênh mông biển nước. Nhiều người dân chưa được di dời đang phải trú trên các nhà cao tầng, cầm cự bằng mì tôm và nước suối.

Sáng nay, 20.10, công tác di dời các hộ dân ở vùng rốn lũ xã Cẩm Thành vẫn đang tiếp tục được chính quyền và các cơ quan chức năng triển khai...
“Bố mẹ em đang nhịn đói”

Mếu máo cầu cứu vì nhà ngập sâu mà bố mẹ kẹt bên trong

Từ trung tâm TP.Hà Tĩnh, PV Báo Thanh Niên phải xin ngồi sau thùng xe chuyên chở bộ đội, vượt khoảng 15 km trên tuyến QL1A đang có nhiều điểm ngập sâu, mới đến được đầu xã Cẩm Thành (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Nhưng đường vào xã này đã ngập chìm trong biển nước nên chúng tôi phải ngồi chờ ca nô của đội cứu hộ, cứu nạn thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An vào tăng cường hỗ trợ người dân ở đây để vào xã.
Chuẩn bị leo lên ca nô, một phụ nữ chạy đến nói với một chiến sĩ đứng cạnh chúng tôi với giọng hốt hoảng: “Bố em nhịn đói suốt từ hôm qua đến giờ. Các anh vào cứu bố mẹ em với”.

Chị Nguyễn Thị Phượng ứa nước mắt vì bố mẹ đang mắc kẹt trong lũ dữ

Ảnh Phạm Đức

Trên tay cầm bao đựng bánh, sữa và nước suối, chị Nguyễn Thị Phượng (36 tuổi, thôn Nam Bắc Thành, xã Cẩm Thành) mếu máo, cho biết do nhà cấp 4 bị ngập sâu, bố mẹ chị là ông Nguyễn Công Thành và bà Trần Thị Tham phải leo lên gác tránh lũ suốt từ hôm qua cho đến giờ. Mặc dù đã được chính quyền địa phương thông báo rời khỏi nhà từ hôm 18.10, nhưng vì lo lợn gà bị lũ cuốn trôi nên bố mẹ chị Phượng vẫn nấn ná bám trụ lại.
“Trưa qua em gọi điện, bố mẹ nói hiện tại đang ở trên gác nhưng không có gì ăn. Từ sáng sớm nay em không liên lạc được nữa. Nếu giờ không ai vào ứng cứu chắc bố mẹ sẽ bị chết đói, chết khát mất”, chị Phượng òa khóc.
Được các chiến sĩ trong đội cứu hộ nhận lời đưa đồ “tiếp tế” vào cho bố mẹ, chị Phượng mới ngừng khóc, tỏ vẻ yên tâm.

Lực lượng cứu hộ chất mì tôm và nước uống lên ca nô vào tiếp tế cho người dân

Ảnh Phạm Đức

Sau khi đã chất một lượng lớn mì tôm và nước suối lên ca nô, chúng tôi theo đoàn cứu hộ lao vào vùng tâm lũ Cẩm Thành. Nhà dân ở vùng này đang chìm trong nước lũ. Giữa mênh mông biển nước, những chiếc ca nô của đội cứu hộ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh liên tục vào ra. Họ đang cố gắng di dời các hộ dân ở xã này có nhà ngập sâu ra bên ngoài.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: 'Đảm bảo an toàn hồ Kẻ Gỗ là nhiệm vụ số một"

“Cho cháu cái áo phao”
Thôn Nam Bắc Thành và thôn An Việt (xã Cẩm Thành) nằm cạnh nhau, đang bị cô lập bởi nước lũ trắng xóa bao vây tứ bề. Nhiều hộ dân ở 2 thôn này đã được lực lượng cứu hộ di dời khẩn cấp từ sáng 19.10. Những hộ dân còn lại đã kịp sang nhà hàng xóm có nhà cao tầng xin lánh nạn. Nghe thấy tiếng ca nô của chúng tôi, nhiều người dân ló đầu ra ô cửa sổ, người vẫy tay, người kêu “cứu dân với”.
Trên đường tiến sát vào một nhà dân ở thôn An Việt, một bé trai tầm 12 tuổi đang ở trên ngôi nhà này ngóc đầu qua ô cửa sổ tầng 2 hét lớn: “Cho cháu cái áo phao”. Nghe thấy tiếng cháu bé, một chiến sĩ đáp lại: “Chỉ có mì tôm và nước suối thôi”.

Một gia đình ở thôn Nam Bắc Thành chờ lực lượng cứu hộ tiếp tế lương thực

Ảnh Phạm Đức

Ngôi nhà này tầng 1 đã ngập gần hết, trên tầng 2 có 3 người lớn và 5 trẻ nhỏ đang ở. Ra nhận đồ tiếp tế, chủ căn nhà này cho biết, nước lũ đang dần rút chậm xuống nên không cần phải di dời đi nơi khác.
Chèo thuyền ra nhận đồ cứu trợ, ông Trần Đình Hà (50 tuổi, trú tại thôn An Việt) ngao ngán nói: “Năm nay mưa lớn kết hợp với hồ Kẻ Gỗ xả lũ nên nước dâng lên rất nhanh. Nhà dân ở đây có hộ ngập tới nóc, hộ thấp hơn thì ngập khoảng 1,5 m. Nước lũ ngập cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2010 khoảng 60 cm. Mấy hôm nay người dân chỉ cầm cự bằng mì tôm và nước lạnh. Khổ lắm”.
Rời thôn An Việt sau khi đã trao hết các phần quà cứu trợ, chúng tôi tiếp tục di chuyển qua thôn Nam Bắc Thành để đưa đồ tiếp tế của chị Phượng cho bố mẹ. Nhưng đoàn không thể tiếp cận được vì nhà vợ chồng ông Thành nằm sâu trong con hẻm nhỏ, phải nhờ 1 người dân chèo thuyền nhỏ hỗ trợ mang vào.

Người dân thôn An Việt lên các nhà cao tầng để tránh lũ

Ảnh Phạm Đức

Trên đường ra, thiếu tá Hoàng Nghĩa Xin, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An nói rằng từ trưa 19.10, đơn vị đã điều động 5 ca nô và 17 cán bộ, chiến sĩ vào chi viện cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh để hỗ trợ di dời người dân ở vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ sơ tán.
“Từ hôm qua đến nay, chúng tôi đã di dời được rất nhiều hộ dân ở vùng ngập sâu ra bên ngoài và chở hàng cứu trợ vào tiếp tế cho những người đang mắc kẹt bên trong. Hiện nay chúng tôi vẫn đang tiếp tục thực hiện di dời các hộ dân còn lại”, thiếu tá Xin nói.
Theo thiếu tá Xin, do số lượng người dân cần sơ tán ra khỏi vùng bị ngập sâu rất lớn, nhưng nước lũ chảy xiết cộng với không quen đường nên việc cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, tính mạng người dân là trên hết nên tất cả các lực lượng quân đội vẫn đang quyết tâm ứng cứu, nhất quyết “không để dân đói, dân khát”.

Hà Tĩnh lũ lịch sử, sơ tán 46.000 người: Mở mắt nước đã lên đến giường

Theo báo cáo của UBND H,Cẩm Xuyên, tính đến sáng nay, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã di dời gần 11.000 hộ với 32.700 người dân ở vùng rốn lũ, ngập sâu đến nơi tránh lũ an toàn.

Dưới đây là một số hình ảnh ngập lụt và di dời người dân ở tâm lũ xã Cẩm Thành mà Thanh Niên ghi lại được:

Nhà dân ở xã Cẩm Thành chìm sâu trong nước lũ

Ảnh Phạm Đức

Người dân đi lại bằng bè tự chế

Ảnh Phạm Đức

Người dân vẫy tay xin đội cứu hộ mì tôm, nước uống

Ảnh Phạm Đức

Người dân ngóc đầu qua cửa sổ nhìn nước lũ bao vây

Ảnh Phạm Đức

Lực lượng cứu hộ trao quà hỗ trợ cho những người đang bị mắc kẹt

Ảnh Phạm Đức

Công tác sơ tán dân vùng lũ vẫn đang được triển khai

Ảnh Phạm Đức

Nhiều người dân ở xã Cẩm Thành được lực lượng cứu hộ đưa đi sơ tán vào sáng nay

Ảnh Phạm Đức

Một cặp vợ chồng già được lực lượng cứu hộ ứng cứu đưa ra khỏi ngôi nhà bị ngập sâu

Ảnh Phạm Đức

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.