Công nghệ VAR - viết tắt của Video Assistant Referee - đã biến đổi trận đấu, nhưng không phải ai cũng đồng ý rằng sự thay đổi này là tốt hơn. Một phần nguyên nhân là do luật chơi vẫn còn mở, nên vẫn chưa có đủ góc máy quay hoặc các đoạn quay chậm để đạt được sự đồng thuận nhất trí cho mọi sự cố trên sân.
VAR vẫn gây tranh cãi sau nhiều năm ra mắt |
REUTERS |
Tại một thời điểm nào đó, vẫn cần có ý kiến của con người, và điều đó mở ra tiềm năng tranh luận. Ngay cả những vấn đề có thể được xác định bằng cách sử dụng bằng chứng từng khung cũng không tránh khỏi tranh chấp. Một ví dụ phổ biến sẽ là số lượng bắt lỗi việt vị được đánh giá là "chống lại tinh thần của trận đấu bóng đá". Một số ý kiến cho rằng một phép đo có thể nhỏ bằng chiều dài móng tay sẽ không đủ để thấy và xác định lỗi việt vị. Nó có phải là chiều dài của một ngón tay? Một bàn tay? Một cánh tay? Nó trở thành một thước đo tùy ý, và từ đó nảy sinh vấn đề về tính nhất quán, về lỗi của con người, về sự tranh cãi.
Trong suốt thời gian dài, các HLV đã phản ứng để muốn có sự nhất quán. Tuy nhiên, việc sử dụng VAR không làm hài lòng đối với việc xác định bàn thắng. Hồi tháng 10, HLV Antonio Conte của Tottenham đã bị đuổi khỏi sân vì phản ứng tức giận sau khi bàn thắng ở phút bù giờ của Harry Kane trước Sporting Lisbon ở Champions League bị từ chối. "VAR đang gây ra rất nhiều thiệt hại", nhà cầm quân người Ý chỉ trích.
Đã có một thời kỳ tại World Cup 2018 mà mọi thứ về VAR dường như chỉ xoay quanh các quả phạt đền - kỷ lục 29 lần tại giải đấu cách đây 4 năm. Sau đó là thời khắc khi các quả phạt đền liên tục được thực hiện hoặc di chuyển quá sớm từ các thủ môn, tất cả đều có thể được mổ xẻ tỉ mỉ tại phòng VAR. Hệ thống này đã tự vận hành kể từ đó, nhưng tranh cãi vẫn còn. HLV Jurgen Klopp đã chỉ trích điều đó trong trận thua 2-3 của Liverpool trước Arsenal hồi tháng 10. Rồi cơn thịnh nộ của HLV Pep Guardiola khi Man City bị từ chối một bàn thắng trong trận gặp Liverpool tại Anfield 1 tuần sau đó trở thành hình ảnh tiêu biểu của cuộc đối đầu này.
Những tranh cãi chắc chắn vẫn còn sau những quyết định từ VAR |
reuters |
Người hâm mộ dĩ nhiên cũng ghét VAR. Thế nhưng, hình ảnh trọng tài ra hiệu xem xét một sự cố trên màn hình bên lề sân được chào đón bằng sự ăn mừng của CĐV với kỳ vọng một quyết định gần như chắc chắn sẽ bị bác bỏ hoặc sửa chữa. Vì thế, dù muốn hay không, VAR đã trở thành một phần nội tại của trận đấu kể từ lần đầu tiên nó được giới thiệu với bóng đá quốc tế trong trận đấu giữa Ý và Pháp cách đây 6 năm.
"Đó là vào ngày 1.9.2016, và trong 6 năm kể từ đó, VAR đã không mang lại “cái chết của bóng đá”, như một số báo cáo vào thời điểm đó nhận định, mà thay vào đó bây giờ nó là một phần của nền thể thao và thật khó để tưởng tượng bóng đá nếu không có VAR", cựu trọng tài Pierluigi Collina nói trên trang web FIFA.
Cựu trọng tài nổi tiếng người Ý nhấn mạnh: "VAR là một trong những thay đổi lớn nhất trong lịch sử bóng đá, vì vậy có thể hiểu rằng mọi người cần thời gian để hiểu và đánh giá cao công nghệ này. Việc khuyến khích các cầu thủ, HLV, người hâm mộ và giới truyền thông hiểu rõ hơn về công nghệ và cách sử dụng nó là một mục tiêu quan trọng đối với chúng tôi trong những năm qua".
Công nghệ mới hơn đã được thiết kế để cải thiện VAR. Theo đó, công nghệ việt vị bán tự động sẽ được triển khai ở World Cup 2022 tại Qatar, bao gồm một hệ thống theo dõi để xác định vị trí chính xác của các cầu thủ. Đồ họa trong sân vận động sẽ minh họa rõ hơn việc đưa ra quyết định cho người hâm mộ. Nhưng điều đó sẽ không loại bỏ bản chất chủ quan của việc điều hành, nên khả năng gây ra nhiều tranh cãi không thể chấm dứt.
Bình luận (0)