Thực phẩm có chỉ số GI cao được tiêu hóa rất nhanh và khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Vì vậy, thực phẩm có chỉ số GI càng thấp càng tốt, vì hàm lượng carb sẽ được phá vỡ chậm hơn, cho phép lượng đường trong máu tăng từ từ.
Từ lý do đó, các chuyên gia chia sẻ và giải thích về mẹo giúp giảm chỉ số GI của một số loại thực phẩm giàu tinh bột về mức "rất tốt", theo tờ Indian Express.
Cô Garima Goyal, chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng của Ấn Độ, cho biết chỉ số GI của một loại thực phẩm càng cao, thì lượng đường trong máu càng tăng đột biến.
Chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng Ushakiran Sisodia, nhà nghiên cứu, chuyên gia về bệnh tiểu đường tại Bệnh viện Nanavati Max Super Specialty (Ấn Độ), cho biết thực phẩm có chỉ số GI thấp hơn được tiêu hóa và hấp thụ chậm hơn, khiến lượng đường trong máu tăng chậm và ít hơn.
Chuyên gia sức khỏe, huấn luyện viên trưởng Basu Shanker của Royal Challengers Bangalore (Ấn Độ), cho biết: Vắt một quả chanh tươi vào thức ăn giàu tinh bột có thể giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát mức insulin đột biến.
Trong số các lợi ích sức khỏe của chanh, một lợi ích ít được biết đến là hỗ trợ insulin. Chuyên gia Shanker đã đăng trên Instagram và chia sẻ bí quyết vắt một quả chanh lên các loại thực phẩm giàu tinh bột như cơm, mì ống và mì có thể làm giảm chỉ số đường huyết xuống mức "rất tốt", theo Indian Express.
Ông nói: Vắt nhanh một ít chanh tươi vào thức ăn giàu tinh bột có thể giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát sự đột biến insulin.
Tại sao?
Chuyên gia Shanker giải thích: Vì chanh có tính axit nên nó làm giảm đáng kể chỉ số đường huyết.
Chuyên gia Goyal giải thích: Cơ chế hoạt động là bằng cách làm cho độ pH của thức ăn giảm xuống, khi thức ăn vào miệng, sẽ có sự ức chế sớm men enzyme alpha-amylase trong nước bọt, làm chậm quá trình tiêu hóa tinh bột. (Chanh có độ pH thấp - chỉ bằng 2 - sẽ có tác dụng này).
Còn chuyên gia Sisodia nói rằng về mặt lý thuyết, có thể đặc tính axit của nước chanh có thể làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate, và do đó, có khả năng làm giảm phản ứng đường huyết tổng thể của bữa ăn. Tuy nhiên, hiệu ứng có thể nhỏ và cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận lợi ích tiềm năng này, cô Sisodia lưu ý.
Một khả năng khác là nước chanh có chứa lượng lớn vitamin C, đã được chứng minh là giúp bảo vệ chống lại sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2, chuyên gia Goyal nói thêm.
Hàm lượng vitamin C và chất xơ hòa tan trong chanh khiến nó trở thành siêu thực phẩm đối với bệnh nhân tiểu đường, chuyên gia Goyal giải thích.
Thêm nước chanh vào chế độ ăn uống bằng cách nào?
Cách dễ thực hiện là hãy luôn thêm nước cốt chanh vào đĩa salad trong bữa ăn của bạn. Chuyên gia Goyal cho biết: Nó không chỉ làm tăng hương vị mà còn tăng cường trao đổi chất của cơ thể bằng cách hoạt động như một chất cắt giảm chất béo và hỗ trợ giảm cân.
Tuy nhiên, cô Goyal lưu ý: Đừng lạm dụng tiêu thụ chanh vì có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa.
Điều quan trọng cần lưu ý là chế độ ăn uống cân bằng và cách ăn uống tổng thể đóng vai trò lớn hơn nhiều trong việc kiểm soát lượng đường trong máu, chuyên gia Sisodia nói thêm, theo Indian Express.
Bình luận (0)