Vật giá lên cao, nỗi lo lạm phát chực chờ

03/05/2021 11:46 GMT+7

Trong khi vật giá leo thang khiến người tiêu dùng , doanh nghiệp sản xuất lẫn chuyên gia kinh tế cùng lo ngại thì số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy khá "yên tâm" với vấn đề lạm phát.

Giá cả leo thang khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất lao đao, trong khi các chuyên gia kinh tế thì cảnh báo về nỗi ám ảnh lạm phát.

"Anh cầm tiền đi chợ cho biết"

Anh Vũ Văn Dũng (Toà nhà VP5 Linh Đàm, Hà Nội) kể dạo này vợ anh hay càu nhàu rằng nhanh hết tiền. Anh quặc lại rằng tiền đưa về nhà vẫn như cũ thì vợ bảo “anh cầm tiền mà đi chợ mới biết”.
Chị Thu, vợ anh bảo, giá mùng tơi, giá mướp, giá gạo, giá đường đến giá xăng đều tăng phi mã. Giá thịt lợn thì neo cao từ năm ngoái đến nay rồi. “Mướp ngọt trước tết 10.000 đồng 2 quả thì nay 1 quả 10.000 - 12.000 đồng. Mùng tơi trước 6.000/mớ thì giờ 10.000/mớ lưa thưa có chục cọng, phải mua 2 mớ mới đủ rau nấu canh cho 4 người. Hỏi cái gì người bán cũng bảo “đầu mùa nên đắt, rồi giá xăng, giá tàu xe chở lên Hà Nội cũng đắt hơn hẳn thì sao mà rẻ được”, chị Thu thuật lại.
Nghe đến đây, anh Dũng tỏ ra chia sẻ với vợ hơn. Làm nghề lái xe chở học sinh, thi thoảng nhận khách du lịch đi tỉnh, anh nhớ tầm này năm ngoái giá xăng RON95 mỗi lít có hơn 11.000 đồng, nhưng nay đã là 19.100 đồng/lít. “Khi ấy, đổ 700.000 đã đầy bình, nhưng hôm qua đổ gần 1,1 triệu, tức là tăng tới 60% rồi”, anh Dũng than thở.
Không "kém cạnh" rau xanh, thực phẩm, các mặt hàng vật liệu xây dựng từ gạch đá, sắt thép, xi măng đều nhảy múa khiến không ít doanh nghiệp lao đao, từ chủ thầu xây dựng nhỏ cho đến tập đoàn lớn nhất nước. Anh Nguyễn Văn Toàn, chủ một công ty xây dựng nhỏ ở Hà Nội, nói rằng doanh nghiệp anh vừa rút khỏi gói thầu xây tường rào cho một sân bay ở phía Nam. Lý do chính là bởi gạch 19x35 khi xây dựng dự toán theo đơn giá của sở xây dựng vào cuối năm ngoái chỉ 7.600 đồng, nhưng hồi cuối tháng 4.2021, đơn vị cung cấp thông báo giá bán tại chân công trình ưu đãi nhất cũng phải 11.600 đồng/viên.

Giá vật liệu xây dựng leo thang khiến nhiều nhà thầu bỏ cuộc, hoặc tăng giá xây dựng

Ảnh Chí Hiếu

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc phụ trách đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thừa nhận hầu hết các gói thầu xây lắp của EVN không chọn được nhà thầu hoặc bị vỡ thầu do nhà thầu bỏ giá cao hơn 30 - 40%.
“Lý do chính là bởi giá thép tăng quá cao, trong khi đây là vật tư chính trong các gói thầu xây lắp của ngành điện”, ông Anh nói.
“Chỉ hy vọng đến đầu năm sau, khi phải triển khai xây lắp theo tiến độ đã phê duyệt thì giá thép sẽ hạ nhiệt, nếu không rất nhiều dự án nguy cơ vỡ tiến độ”, ông lo ngại.
Các nhà thầu không muốn bỏ cuộc thì buộc phải tăng giá. Tập đoàn xây dựng kiến trúc Thiết Thạch - một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thi công tại khu vực TP.HCM, ngày 3.5 đã chính thức tăng giá gói xây dựng phần thô thêm 50.000 đồng/m2.
“Lý do là vì chịu ảnh hưởng từ việc giá thép đã tăng 25% trong những tháng đầu năm và dự kiến tiếp tục tăng quý 2”, thông báo của doanh nghiệp gửi các đối tác nêu rõ và không quên cảnh báo thêm: “Rất có thể đơn giá này vẫn tiếp tục tăng theo tình hình biến động của thị trường vật liệu. Công ty sẽ thông báo khi có sự thay đổi”.
Tương tự, lãnh đạo Công ty cơ khí điện Lữ Gia - một doanh nghiệp lớn tại khu vực phía Nam với sản phẩm cột điện thép và đèn LED, cho hay chỉ trong 6 tháng qua, giá thép tấm doanh nghiệp nhập về đã tăng từ mức 13.500 lên đến 23.000/kg. “Điều này buộc chúng tôi phải tăng giá bán và vừa mở thêm văn phòng tại Hà Nội để mở rộng thị trường ra Bắc vì tiêu thụ sản phẩm đang khó khăn hơn rất nhiều”, ông nói.

 Chuyên gia: "Lạm phát là đáng ngại"

Nghịch lý là trong khi doanh nghiệp, người dân than trời vì giá cả leo theo thì báo cáo của Tổng cục Thống kê lại có những con số khá bất ngờ. Cơ quan này cho biết trong tháng 4.2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,04% so với tháng trước và đặc biệt là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,43%.
Điều này khiến PGS-TS Phạm Thế Anh (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách) phải thốt lên rằng “không biết cơ quan thống kê xây nhà bằng gì”?! Chuyên gia này lưu ý rằng không chỉ có thép, giá cả của hầu như tất cả các loại vật liệu xây dựng đều tăng mạnh trong tháng qua nên ông cảm thấy "không đáng tin cậy lắm” với con số của Tổng cục Thống kê.

Giá thép trong nước lẫn thế giới nhảy múa

Ảnh Chí Hiếu

Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV) cho biết, dữ liệu cho thấy giá tuyệt đại đa số các loại thép đều tăng từ 25 - 30% so với thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021.
“Nguyên do chính là sự phục hồi của sản xuất công nghiệp Trung Quốc. Điều này khiến giá quặng sắt trên sàn Singapore cũng đã tăng 9,1% so với thời điểm 1.1.2021 và tăng tới 16,13% so với mức đáy trong năm 2021”, lãnh đạo này phân tích.
Dữ liệu của MXV cũng cho thấy, hầu hết các mặt hàng từ nông sản, vật liệu xây dựng, cho tới nông sản trên các sàn giao dịch của thế giới đều tăng mạnh trong 4 tháng qua. Cụ thể là dầu thô WTI đã tăng 30,5% so với thời điểm 1.1.2021. Xăng RBOB thì tăng tới 45,36% trong cùng mốc thời gian này. Tương tự, biểu đồ của giá ngô, giá lúa mì giá đậu tương chỉ một chiều đi lên rất dốc.
Tại cuộc họp mới đây của Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng thừa nhận từ cuối năm 2020, giá thức ăn chăn nuôi tăng 20 - 30%. Còn Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết trong tháng 4, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng 2,7 - 3,3% so với quý 1/2021, như lên mức 10.995 đồng/kg đối với thức ăn cho gà thịt lông trắng và lên 10.697 đồng/kg đối với lợn thịt. Ngành nông nghiệp cũng dự báo giá thức ăn chăn nuôi sẽ khó giảm trong 2 tháng tới.
Mặc dù Tổng cục Thống kê cho rằng giá một số mặt hàng như giá điện, giá nước giảm… song chuyên gia Phạm Thế Anh vẫn băn khoăn về cách tính. Theo chuyên gia này, “dù thế nào đi nữa thì dự báo của ông trước đây rằng chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ bắt đầu tăng mạnh từ tháng 4 vẫn đang đúng. “CPI tháng 3 chỉ tăng 1,16% thì CPI Tháng 4 đã tăng tới 2,7% so với cùng kỳ năm trước”, PGS Phạm Thế Anh nói.
Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiêu cứu giá cả, cũng cảnh báo rằng, dù cách tính của Tổng cục Thống kê cho ra con số CPI tháng 4.2021 giảm 0,04% nhưng điều đáng lo là mặt giá cả hàng hoá thế giới lẫn trong nước thực tế đang ở một mức cao.
“Nhất là giá xăng dầu, giá thép tăng trên dưới 30% so với năm ngoái. Đây là các nguyên liệu đầu vào chính của sản xuất nên càng đáng ngại, mà lại toàn những mặt chúng ta đi mua hoặc giá trong nước cũng liên thông với giá thế giới nên cần phải đề phòng nguy cơ lạm phát cao”, ông Long nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.