Thanh long ở Bình Thuận đang được giá khiến người dân ồ ạt chong đèn ép cây ra trái liên tục. Việc làm này đang khiến cho cây thanh long bị suy yếu, vàng úa và chết dần chết mòn.
|
Hành xác cây thanh long
Thường vào dịp cuối tháng 2 là người dân đã dừng chong đèn, cho cây nghỉ dưỡng, tích tụ dưỡng chất để tái sản xuất vào vụ mùa. Nhưng hiện tại, giá thanh long tăng cao từ 26.000 - 28.000 đ/kg, người trồng đang có lãi khá cao. Chỉ chong thêm vài pha điện là kiếm vài trăm triệu dễ như chơi nên người dân ở tỉnh Bình Thuận đua nhau chong bóng đèn để “kích” thanh long ra trái hết công suất.
Ruộng thanh long gần 400 trụ của gia đình ông Trần Văn Mười (46 tuổi, thôn 7, xã Hàm Đức, H.Hàm Thuận Bắc) vụ trái mùa này đã chong đèn đến lứa quả thứ 4. ông Mười cho biết: “Thanh long đang được giá thì cứ chong mà bán chứ đợi đến vụ mùa giá rẻ bèo có lời lãi gì đâu. Tôi cũng chong hết lần này để kiếm chút đỉnh rồi cho cây nghỉ”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Bé (31 tuổi, xã Mương Mán, H.Hàm Thuận Nam) cũng chong thêm vài pha điện kiếm ít tiền trước mắt cho chắc ăn vì giá thanh long đang cao.
Bà Đào Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thanh long tỉnh Bình Thuận phân tích: “ Xong một lứa quả thì phải để cây nghỉ dưỡng sức, tích trữ dinh dưỡng một thời gian khoảng 3 tuần thì mới đảm bảo sức cho cây ra quả đều, năng suất ổn định và chất lượng quả thanh long được đảm bảo”.
Vàng úa vì suy dinh dưỡng
Thanh long bị chong điện liên tục ép ra trái khiến cành thanh long bị suy dinh dưỡng chuyển màu vàng úa. Nhiều ruộng mới trồng cho thu hoạch được vài năm nay đã vội chong đèn ép cây ra trái khiên cây bị suy yếu, trái ra không nhiều, còi cọc và chết dần. Thời gian cho quả của thanh long kéo dài từ 15-20 năm, nhưng tại H.Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam một số hộ nông dân mới trồng được 5 -7 năm thanh long đã còi cọc và chết nên phải nhổ trụ để trồng mới.
Thiếu hụt điện sinh hoạt
Người dân thôn Phú Lập, xã Hàm Phú, H.Hàm Thuận Bắc đang kêu trời vì điện sinh hoạt cứ chập chờn, yếu không dùng được. Điện để cho con em học hành và phục vụ sinh hoạt của người dân bị thiếu hụt nghiêm trọng là do một số hộ kéo điện sinh hoạt để chong thanh long.
Ông Nguyễn Văn Tòng, Giám đốc điện lực H.Hàm Thuận Bắc cho biết một số hộ trồng từ 100 đến 150 trụ thanh long thường lén lút câu điện sinh hoạt để chong thanh long. “Tôi phải cho nhân viên đi kiểm tra liên tục, cứ phát hiện những hộ sử dụng điện sai mục đích là chúng tôi tiến hành cắt điện và xử phạt ngay”, ông Tòng nói.
Để thanh long ra nhiều trái, xoay vòng lứa nhanh, người dân còn sử dụng tràn lan các loại thuốc kích thích, thuốc tăng trưởng. Ông Nguyễn Văn Tiến (46 tuổi, xã Mương Mán) tiết lộ: “mỗi lứa quả tôi dùng ít nhất 7 loại thuốc, từ thuốc sâu đến thuốc kích thích”. Việc lạm dụng các loại thuốc khiến cây thanh long trở nên ốm yếu, sức đề kháng kém dẫn đến phát sinh nhiều loại bệnh và sâu hại mới. Đặc biệt gây thiệt hại nặng nề nhất là bệnh đốm trắng ở cành và quả thanh long.
Với kiểu làm ăn chớp nhoáng, thấy lợi trước mắt như hiện nay thì cây thanh long đang thực sự bị hành xác và chết dần chết mòn.
Tiểu Thiên
>> Nỗi lo của người trồng thanh long
>> 2 tỉ đồng bản quyền giống thanh long ruột tím hồng
>> Bài toán cũ của thanh long Bình Thuận
>> Đấu giá bản quyền giống thanh long ruột tím hồng
>> Hiệu quả từ mô hình thanh long ruột đỏ
Bình luận (0)