MỘT ĐỜI NHẠC 40 NĂM
... Nhưng bây giờ thì ngọn nắng ấy đã tắt, nhạc sĩ Phan Bá Chức đã ra đi khá êm đềm, thanh thản dù anh mang trong mình căn bệnh trầm kha. Khi biết mệnh mình như một dự cảm, một ngày tháng 7.2022, cách đây tròn 2 năm, sau vài tuần rượu buổi tối, anh đưa cho chúng tôi một chiếc USB và nói gọn "gửi cho các em, về mở xem sẽ biết". Cầm về nhà, cứ lưỡng lự vì nghĩ rằng biết đâu, đây là lời cuối mà anh ghi lại để bạn bè, đồng nghiệp mai mốt tìm thấy một… câu chuyện nào đó của cuộc đời mình, vì ngày mai anh lên bàn mổ!
Thế nhưng rồi, anh vẫn trở về, an nhiên như khát vọng sống đã thắng cuộc, được tròn 24 tháng. Chiếc USB vẫn được cất giữ nằm đó, với mong ước anh bình phục được lâu. Và anh vẫn đàn hát, vẫn tụ hội bạn bè chiều chiều, vẫn nhiều lúc hồn nhiên thơ trẻ. Chỉ đến khi…
Chúng tôi mở chiếc USB vào buổi chiều nhạt nắng tháng 7 này. Hóa ra, trong đó là 14 bản nhạc của anh, do anh chọn với giọng ca của các ca sĩ Ánh Tuyết, Anh Dũng và vài người khác. Nói là chọn, vì có một số bản có lẽ anh chưa kịp thu, như bản Mai hòa bình - sáng tác 1971, Lời giải tội hoặc Câu hát biên thùy, đôi khi anh hát cho chúng tôi nghe với giai điệu bolero. Nhưng ở trong đó, hiện diện Vạt nắng trong chiều, Vẫn có nhau khi mưa về, Tôi có em chiều thu, Tìm nhau nơi chân trời, Bầy chim xưa đã trở về, Hát cho yêu thương, Lời đêm, Con suối ngây thơ… Cũng ở đó, có 10 bản nhạc (hoặc trường ca) của các nhạc sĩ tiền bối như Văn Cao, Phạm Duy, Đỗ Nhuận, Phạm Đình Chương… do anh hòa âm phối khí cho ban nhạc ATB nổi tiếng những năm cuối thập niên 1990. Như anh từng nói, có bản anh phải dụng công cả tháng trời để tìm một cách phối nhạc đặc biệt của riêng mình, không "giẫm chân" lên bản phối của nhạc sĩ khác. Và chúng tôi nhận biết, trong mấy bài hát ấy của anh gửi lại, có lẽ anh thích nhất bản Tình quê (phổ thơ Hàn Mặc Tử) nên đã thu 2 lần với hai giọng ca khác nhau, một nam một nữ.
Chợt nhớ có lần đã khá lâu, khi anh nhờ chúng tôi đến đón nhạc sĩ Tô Vũ ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) về nhà anh chơi (phía sau chợ Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình). Buổi tối hôm ấy, anh đã hát cho GS - nhạc sĩ Tô Vũ nghe bài Tình quê (bản do anh phổ). Nghe xong, sau phút giây lắng đọng, nhạc sĩ Tô Vũ bày tỏ: "Không phải ai cũng có dũng khí và tự tin như anh Chức, bởi vì bài thơ Tình quê trước đó đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Mà Phạm Duy là một bậc thầy về "thơ phổ nhạc". Tôi không dám so sánh nhưng công tâm mà nói bài phổ nhạc của Phan Bá Chức rất hay, mang phong vị quê, đượm nhiều tình ý!".
Mới nghĩ, lúc thăng hoa, chất nghệ sĩ trong người bộc phát, nhạc của anh có rất nhiều bản đượm chất thơ, trong mỗi đoạn ca từ.
NỖI HOÀI VỌNG QUÊ NHÀ
Từ khi tốt nghiệp khóa 8, rời Trường Sư phạm Quy Nhơn lên dạy học ở Lâm Đồng vào thập niên 1970, nhạc sĩ Phan Bá Chức tiếp tục ấp ủ một "giấc mơ âm nhạc" của riêng mình. Bởi vậy, sau này khi có dịp kề cận, chúng tôi mới phát giác rằng ngoài khả năng làm báo, anh còn là một nhạc sĩ tài hoa và là một pho "từ điển sống" về âm nhạc VN, cộng thêm giọng hát thiên phú mà mỗi lần cất giọng, anh đều chăm chút, nắn nót nhịp phách, cao độ và luyến láy đến mức cầu toàn. Cho nên mỗi khi được dịp ngồi chung bàn với anh trong một buổi họp mặt nào đó, lúc anh có nhã hứng ôm cây đàn lên hát là chúng tôi… nín thở, không dám gây ra tiếng động để niềm cảm xúc của anh (người hát) và của chúng tôi (người nghe) được hòa quyện, bay bổng cùng nhau.
Còn nhớ, tháng 6.2020, chúng tôi đã có dịp cùng anh về quê hương Quảng Bình, nơi chôn nhau cắt rốn lâu lắm chưa về. Bữa ấy, vào buổi chiều muộn, dường như mỗi bước chân anh là mỗi nhịp bâng khuâng. Thăm lăng mộ gia tộc, gặp mặt họ hàng với sự khiêm cung nhung nhớ. Chợt, tôi nhớ lại bản nhạc Bên trời quê cũ, một hoài vọng quê nhà anh viết đã lâu: Ta trở về, đứng bên bờ dĩ vãng… Con cò trắng bay vật vờ cuối bãi. Vẫy cánh buồm trong khói bông lau…
Nhưng, ấy là sự nhớ nhung của thuở thanh xuân với quê nhà Phú Yên mà gia đình anh đến lập nghiệp rồi anh rời đi xa, giã từ nơi anh từng phát lộ rất sớm khả năng của mình, khi đoạt giải nhất đơn ca thiếu nhi của tỉnh Phú Yên. Giã từ tuổi thiếu thời mày mò tập nhạc với cây đàn tự chế, giã từ vai trò ca trưởng ban dân ca Về nguồn của Trường THPT Nguyễn Huệ tỉnh Phú Yên vào lúc 15 tuổi. Sau đó, khi xa quê nhà lên cao nguyên, anh lại là ca trưởng Ca đoàn Tiếng nói Viện Đại học Đà Lạt. Lúc này, anh phát hành tập ca khúc đầu tay Bầy chim xưa đã trở về, như một dấu mốc khởi đầu cho những tháng năm theo đuổi nghiệp sáng tác sau này!
*****
Là người đa cảm, nhạc sĩ Phan Bá Chức lại ít nói về mình và hành trình âm nhạc, nên có thể sự lan tỏa của anh trong không gian nghệ thuật khá khiêm tốn. Như mới hôm 22 Tết Giáp Thìn vừa rồi, chúng tôi đến chúc tết sớm, ngồi uống vài ly rượu vang cùng anh, khi nghe nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, với lòng cảm mến mở lời đề nghị, tờ báo mà anh công tác suốt 24 năm, sẽ đứng ra tổ chức riêng một đêm nhạc Phan Bá Chức với bạn bè trong không gian gọn gàng ấm cúng, anh chỉ cảm ơn rồi cười nói gọn "để mình suy nghĩ ".
Nhưng bây giờ, khi chưa kịp nói ra suy nghĩ ấy, sau những ngày chống đỡ với căn bệnh tái phát nghiệt ngã, anh đã lặng lẽ về trời.
Như ngày cũng sẽ cuối, vạt nắng chiều đã tắt. Thành kính vĩnh biệt anh.
Bình luận (0)