TỤC GIỮ LỬA CỦA NGƯỜI Vân Kiều
Bếp lửa có vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở vùng cao Quảng Trị. Bếp lửa vừa là nơi nấu nướng, sưởi ấm cho mọi người trong gia đình, vừa là nơi thờ thần bếp nhằm xua đuổi tà ma, đề phòng thú dữ và cầu mong may mắn, ấm no, hạnh phúc...
Ngày xưa, nhiều thế hệ người Vân Kiều cùng nhau chung sống dưới một mái nhà dài đầm ấm. Trong đó, có bao nhiêu bếp lửa là có bấy nhiêu hộ gia đình. Ngoài các bếp lửa nhỏ, có một bếp lửa chung lớn đặt ở gian giữa của ngôi nhà dài dành để tiếp khách và là nơi hội họp, sinh hoạt chung của các gia đình, dòng họ để bàn bạc, trao đổi chuyện nương rẫy, mùa màng, lễ hội.
Ngày nay, họ không còn sống chung trong nhà dài nữa thì thay vì bố trí gian bếp tách biệt, bếp lửa của người Vân Kiều vẫn được đặt ở trung tâm, ngay chính giữa ngôi nhà sàn. Đó là vị trí thích hợp nhất để cung cấp ánh sáng cho mỗi gia đình. Trong đêm tối, bếp lửa hồng như ngọn đèn lớn soi sáng khắp các gian nhà để mọi người cùng nhau quây quần.
Bếp lửa của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô có khung hình chữ nhật hoặc hình vuông, trong lòng được đắp bởi một lớp đất dày để ngăn lửa không bén xuống sàn. Song song với khung bếp, cách mặt sàn khoảng 80 cm là giàn bếp làm bằng tre, nứa được treo bởi những sợi dây mây ở bốn góc. Trên giàn bếp được đặt một cái nia để đựng lương thực, thực phẩm cần sấy khô… Gần sát mái nhà là giàn khói dùng treo các loại hạt giống như ngô, mướp, bầu và các vật dụng đan lát cần được hong khói để bền chắc hơn.
Tục "giữ lửa" cũng trở thành một nét đẹp trong truyền thống của người Vân Kiều. Khi không nấu ăn, họ vẫn sẽ ủ than dưới lớp tro, khi cần chỉ thổi lên là được và như vậy, quanh năm suốt tháng bếp luôn giữ được hơi ấm. Thậm chí ở trên những chòi canh, bao giờ chủ nhân cũng vùi lửa, vun tro than thành đụn và đặt lên đó một hòn đá như là dấu hiệu báo cho người khác biết nơi ngự trị của thần lửa, không được giẫm đạp hoặc bước ngang qua. Đặc biệt trong thời điểm giao thừa, người Vân Kiều luôn phải giữ được lửa trên bếp. Nếu lửa tắt nghĩa là năm sau cái đói, cái xui xẻo sẽ đeo đuổi…Vì linh thiêng như thế, nên khách lạ không nên tùy tiện vào nhà của người Vân Kiều nhóm lửa, sẽ bị phạt vạ.
Bên bếp lửa, biết bao nhiêu đứa trẻ Vân Kiều đã lớn lên cùng những câu chuyện cổ mà các già làng kể trong đêm mưa. Bên bếp lửa, bao nhiêu chàng trai cô gái Vân Kiều nên duyên bởi câu hát yêu đương trong những đêm trắng đi sim… Có lẽ vì vậy mà già Hồ Kay (một già làng ở xã A Bung, H.Đakrông) bảo rằng bếp lửa đối với đồng bào mình được xem như là vật thiêng. "Bếp lửa không chỉ đơn thuần phục vụ đời sống sinh hoạt của gia đình; giữ gìn, bảo quản hạt giống cây trồng cho mùa sau mà còn làm cho ngôi nhà vững chãi hơn, ấm cúng hơn, chống được mối, mọt, muỗi và các loại côn trùng khác... Trước đây, khi chăn không đủ ấm, quần áo không đủ mặc, nếu không có bếp lửa thì dân bản mình khó có thể vượt qua được mùa đông giá rét ở vùng núi cao. Khi bếp đỏ lửa, con ma rừng và thú dữ cũng không dám vào nhà, gia đình mới yên ổn làm ăn...", ông Kay nói.
NHÀ DÀI KIÊU HÃNH
Ở Quảng Trị, bản Klu (xã Đakrông, H.Đakrông) nổi tiếng là nơi lưu giữ được nhiều ngôi nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều. Ở đó, có tận 50 ngôi nhà nằm gần kề nhau, còn giữ được những cốt cách, hoa văn trang trí của nhà sàn cổ. Địa thế, không gian để dựng nhà ở đây rất lý tưởng, mặt hướng ra con suối, lưng dựa vào những quả đồi làm thế án ngữ. Nhà sàn truyền thống ở bản phần lớn dựng 4 vài 3 gian, nguyên liệu chủ yếu là: gỗ, mây, tre, nứa, lá tranh, lá mây, lá cọ… Vì thế, ngành văn hóa - du lịch ở địa phương ngoài bảo tồn còn có nhiều dự án phục dựng, cải tạo những ngôi nhà sàn ở Klu để đón du khách viếng thăm. Nhưng dù nổi tiếng đến thế, Klu vẫn không có được… nhà dài.
Như tên gọi, nhà dài sẽ dài hơn nhà sàn bình thường. Kiểu như nó được ghép từ 4, 5 ngôi nhà lại với nhau. "Nhà dài ngoài thể hiện sự giàu có, vị thế của dòng tộc còn thể hiện sự đoàn kết, tính cộng đồng của người Pa Kô. Anh em, con cái phải ở gần cạnh nhau để bảo ban, chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau. Nên nhà dài không đơn thuần chỉ là nơi trú ngụ", ông Hồ Văn Phơi, một người già ở xã A Bung (H.Đakrông), nói.
Ngôi nhà dài được làm chủ yếu bằng gỗ kiền (một loại gỗ không bị mối mọt và theo quan niệm của người Pa Kô là một loài gỗ "lành", không có "tà ma" ẩn náu), tre nứa, mây, tranh... Và để làm ngôi nhà dài, ngoài chuẩn bị vật liệu còn tốn nhiều công sức và thời gian, có khi mất cả năm mới thành hình. Khi có một gia đình mới, ngôi nhà sẽ tiếp tục dài ra…
Như ông Hồ Văn Lược, người đã có 35 năm sống trong nhà dài ở xã A Bung, cho hay dưới mái nhà này, có tới 4 gia đình đang cùng chung sống. Ngoài không gian sinh hoạt chung là gian chính giữa, mỗi gia đình sẽ có một gian sinh hoạt riêng tư, còn dư gian nào thì đó sẽ là gian chứa đồ dùng, dụng cụ, lúa ngô giống… Bao buồn vui, biến cố của đại gia đình đều diễn ra dưới mái nhà dài này. Ngôi nhà là chứng nhân, qua bao năm tháng vẫn thinh lặng.
Đi hết cả xã A Bung rộng lớn, một phần giáp biên giới Lào, một phần giáp với tỉnh Thừa Thiên-Huế này, chỉ đếm được cả thảy 4 ngôi nhà dài. Nghe đâu ở xã Tà Rụt cạnh bên, cũng chỉ còn 2 ngôi nhà dài khác còn sót lại. Nói vậy để biết, nhà dài bây giờ cũng trở thành một di sản khó kiếm tìm, kiểu như người đồng bào bây giờ lên rừng cũng không mấy khi gặp hổ báo...
Bình luận (0)