Vật thờ được đề nghị là bảo vật quốc gia

02/07/2020 06:10 GMT+7

Đài thờ sa thạch với bộ linga - yoni liền khối vừa được phát hiện ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) mang giá trị độc bản, đỉnh cao về điêu khắc nghệ thuật của người Chăm, đang được đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.

Như Thanh Niên đã thông tin, cuối tháng 5 vừa qua, trong quá trình thực hiện bóc tách lớp đất bị vùi lấp trong tháp A10 thuộc Khu đền tháp Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam), các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện một đài thờ sa thạch với bộ linga - yoni liền khối còn khá nguyên vẹn.
Bộ linga - yoni có kích thước 2,24 x 1,68 m, nặng khoảng 4 tấn, niên đại cuối thế kỷ thứ 9, được cho là bộ linga - yoni liền khối lớn nhất Việt Nam tính tới thời điểm này. Các chuyên gia đã đưa bộ linga - yoni lên khỏi mặt đất, sắp xếp lại hàng chục khối đá lớn là các mảnh vỡ của một đài thờ hoàn chỉnh.

Cấp thiết bảo vệ

Chuyên gia Ấn Độ Jalihal Ranganath, Trưởng nhóm công tác bảo tồn, cho biết phát hiện này cho thấy đã có một đài thờ hoàn chỉnh thuộc tháp A10. Việc phát hiện và phục hồi vị trí nguyên gốc cho đài thờ và 4 trụ đá thuộc tháp A10 đã làm rõ chức năng của ngôi đền là nơi thờ thần Shiva qua biểu tượng linga - yoni.
“Dù hình ảnh về linga - yoni được các học giả Pháp ghi chép từ đầu thế kỷ 20, tuy nhiên việc nghiên cứu sắp xếp từ hơn 20 mảnh vỡ để trở thành một đài thờ hoàn chỉnh nhất tại di tích Mỹ Sơn thì đây là lần đầu tiên. Với linga - yoni liền khối lớn và chân đài thờ được trang trí hoa văn, vòm cửa và các đạo sư thuộc phong cách Đồng Dương thế kỷ 9, đài thờ mang giá trị rất cao về văn hóa và điêu khắc nghệ thuật”, ông Jalihal Ranganath nói.
Chuyên gia khảo cổ Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cho hay di vật này từng được Pháp phát hiện năm 1904, nay được “tái phát hiện”. Vị trí phát hiện di vật nằm ở hố thiêng của tháp A10. Đây là hiện vật có giá trị và đáng quý, đóng góp cho nhiều hiểu biết về lịch sử văn hóa Chăm ở Mỹ Sơn. “Khối đá để tạc ra được di vật này phải nói là cực lớn. Người chế tác phải có kỹ thuật điêu khắc đỉnh cao. Đây là di vật liền khối có kích thước lớn trong nghệ thuật điêu khắc đá Chăm. Kỹ thuật điêu khắc hoàn chỉnh như một khối đúc”, ông Phụng nhận xét.
Vật thờ được đề nghị là bảo vật quốc gia1

Đài thờ tháp A10

ẢNH: VĂN THỌ

Chuyên gia Lê Đình Phụng cho rằng, từ họa tiết trang trí ở bệ và họa tiết trang trí ở tháp A10 vẫn còn, cho thấy khi người ta xây tháp thì đã tạc bệ thờ này rồi, có tính thống nhất trong xây dựng và cả tiềm lực kinh tế rất mạnh. “Đây là một di vật có giá trị rất quý hiếm không những ở Mỹ Sơn mà cả trong lịch sử văn hóa Chăm. Vì vậy, điều bức thiết hiện nay là phải sớm hoàn thiện bộ đồ thờ trong lòng tháp Mỹ Sơn cũng như có phương án bảo vệ”, ông Phụng nói.

Bảo vật “có một không hai”

Ông Nguyễn Công Khiết, Phó giám đốc Ban Quản lý (BQL) Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho hay theo tài liệu ghi lại thì ngày xưa trong đài chính của người Chăm có bệ thờ và vật thờ. “Phong tục người Chăm thường bỏ vàng dưới bệ thờ, vì vậy sau này đã có những cuộc săn lùng báu vật khiến đền thờ bị xáo trộn”, ông Khiết nói.
Đài thờ sa thạch với linga - yoni liền khối này đang được BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, đồng thời có văn bản gửi Bộ VH-TT-DL đề nghị thống nhất tái định vị các mảnh đài thờ trong tháp A10. Sau khi tái định vị, vật thờ linga - yoni gắn liền được đặt trên đài thờ trong tháp A10 để tạo thành một không gian thờ tự như xưa của người Chăm. “Đài thờ sa thạch với linga - yoni liền khối có giá trị rất cao về mặt kiến trúc, nghệ thuật, được xem là đỉnh cao nghệ thuật của người Chăm. Chúng tôi tin rằng đài thờ sa thạch với linga - yoni liền khối này sẽ trở thành bảo vật quốc gia, vì nó “có một không hai” ở Việt Nam”, ông Khiết nói thêm.
Ông Lê Văn Cường, cán bộ BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, người trực tiếp theo dõi công tác khai quật, trùng tu nhóm tháp A, cho biết từ các tư liệu của người Pháp để lại, lâu nay nhiều người vẫn nghĩ bên dưới tháp A10 có bộ linga - yoni. Tuy nhiên, không ai ngờ di vật còn nguyên vẹn. Tháp A10 là một trong những đền tháp quan trọng nhất, xây dựng vào thế kỷ 9 dưới triều vua Indravarman 2, cũng là một trong 2 tháp (cùng với B4) tiêu biểu mang phong cách Đồng Dương tại thung lũng Mỹ Sơn. Kết quả khai quật tại di tích Mỹ Sơn của các chuyên gia Pháp những năm 1903 - 1904 cho thấy hầu hết trong lòng các đền thờ đã bị xáo trộn bởi các cuộc săn lùng báu vật trước đây.
Thành công trong hợp tác bảo tồn Việt Nam - Ấn Độ
Theo ông Nguyễn Công Khiết, Phó giám đốc BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, việc phát hiện đài thờ cùng bộ linga - yoni liền khối là sự thành công trong hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trước đó, chính phủ hai nước đã ký kết chương trình hợp tác bảo tồn Khu di tích Mỹ Sơn kéo dài 5 năm. Chính phủ Ấn Độ đã tài trợ khoảng 2,5 triệu USD để trùng tu 3 nhóm tháp K, H, A.
“Nhờ sự hỗ trợ của chính phủ Ấn Độ và các nước Ý, Nhật Bản, Ba Lan..., Mỹ Sơn đã thoát khỏi cảnh đổ nát, dần trở lại với vóc dáng của một trung tâm tôn giáo lớn nhất của Vương quốc Champa cổ”, ông Khiết chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.