Giữa mùa mưa nhưng các huyện phía đông Đắk Lắk đang phải trải qua những ngày hạn hán cục bộ gay gắt.
Nạo vét suối lấy nước
Tại hồ thủy lợi Ea Ktung (xã Krông Jing, H.M’Đrắk, Đắk Lắk), đáy hồ trơ ra khô khốc, bùn đất nứt nẻ. Ông Y Lốp, Bí thư Đảng ủy xã Krông Jing, cho biết hồ này tưới cho 25 ha lúa, cùng 20 ha hoa màu, cà phê của người dân buôn Ktung.
|
“Hơn 10 ngày nay, hồ Ea Ktung chẳng còn nước để tưới, lúa gần kỳ làm đòng dưới chân đập chắc sẽ mất trắng; nhiều rẫy mía, sắn, bắp quanh đây cũng bị hạn nặng”, ông Y Lốp nói. Theo vị bí thư xã, ngoài hồ Ea Ktung cạn khô, 5 hồ thủy lợi nhỏ còn lại tưới cho 450 ha lúa trên địa bàn xã đều dưới mực nước chết.
|
Trên cánh đồng buôn Tai, xã Krông Jing, chị H’Joel đang dùng ống nhựa dẫn nước bơm từ suối Ea Tlu tưới cho 3 sào lúa đang khô nẻ. Nhiều ngày nay, chị H’Joel cùng các hộ ở buôn này thay phiên nhau nạo vét lòng suối để bòn mót nước mạch.
“Phải chia nhau 3 ngày mới đến lượt mình bơm tưới, nếu các hộ tưới cùng lúc thì không có nước; mỗi hộ tưới mỗi ngày cũng mất 100.000 đồng tiền dầu chạy máy bơm. Chỉ lo vài ngày tới suối khô hoàn toàn, không có mưa thì lúa sẽ chết hết, đành cho bò ăn”, chị H’Joel lo lắng.
|
Ở hồ Krông Jing, công trình thủy lợi lớn nhất của H.M’Đrắk, 2 máy bơm hoạt động cả ngày lẫn đêm hút nước dẫn về hạ lưu, tưới cho gần 200 ha lúa ở hai xã Krông Jing và Cư Mta. Ông Lê Đăng Khang, Phó giám đốc chi nhánh M’Đrắk thuộc Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, cho biết gần 10 ngày nay đơn vị vận hành 6 máy bơm ở các hồ đập lớn nhỏ, mỗi ngày tốn gần 150 lít dầu chạy máy.
“Công ty chúng tôi quản lý 15 công trình thủy lợi trên địa bàn H.M’Đrắk, phụ trách tưới cho 580 ha lúa, 1.500 ha cà phê. Hiện hầu hết các công trình dưới mực nước chết, không thể tự chảy, phải dùng máy bơm lấy nước. Chúng tôi đang lo khô hạn kéo dài thì nhiều hồ chẳng còn nước để bơm cứu cây trồng, nhất là lúa”, ông Khang chia sẻ.
“Xin” tiền dầu chạy máy bơm
Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN-PTNT H.M’Đrắk, cho biết vụ hè thu năm nay huyện này gieo trồng hơn 25.000 ha, trong đó cây hằng năm hơn 19.000 ha. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến nay không có mưa, nắng nóng kéo dài khiến 80% trong tổng số 60 công trình thủy lợi trên địa bàn huyện không còn nước tự chảy, khoảng 10 công trình cạn trơ đáy. Gần 1.000 ha cây trồng đang thiếu nước tưới, nếu trong hai tuần nữa không có mưa, diện tích bị hạn, mất trắng sẽ tăng…
|
Theo ông Thập, Phòng NN-PTNT huyện đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó huy động hàng chục máy bơm của đơn vị, doanh nghiệp để tưới cây trồng; khuyến khích người dân tận dụng nguồn nước để cứu diện tích lúa nào có thể cứu được; còn lại vận động chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại hoa màu chịu hạn tốt như khoai lang, bắp, đậu…
|
“Mới đây, H.M’Đrắk đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ 500 triệu đồng để mua dầu bơm chống hạn; 2 tỉ đồng mua giống các loại phục vụ tái sản xuất vụ thu đông và đông xuân tới. Đồng thời đề xuất tỉnh cho chủ trương thực hiện xã hội hóa nạo vét các hồ đập thủy lợi trên địa bàn huyện bị bồi lắng để tăng khả năng tích trữ nước cho sản xuất”, ông Thập nói.
Một huyện cánh đông khác của Đắk Lắk là Ea Kar cũng đang chịu khô hạn nặng. Hiện trong số gần 60 hồ thủy lợi trên địa bàn, có 30 hồ dung tích khoảng 50%, 22 hồ dung tích từ 10 - 50%; các sông, suối đều cạn kiệt, không đủ cấp nước tưới cho cây trồng. Theo Phòng NN-PTNT H.Ea Kar, nếu không có mưa trong 10 ngày tới, hơn 2.000 ha lúa nước đang bị hạn ở huyện này có khả năng mất trắng, các cây trồng khác giảm năng suất từ 50 - 70%...
Bình luận (0)