Váy gây tranh cãi của Á hậu Thảo Nhi lấy ý tưởng từ kiệt tác danh họa

26/06/2022 10:17 GMT+7

Bức tranh Sự ra đời của thần Vệ nữ được tái hiện trong chiếc váy dạ hội gây nhiều thắc mắc hay tranh cãi của Á hậu Thảo Nhi trong đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 vào tối qua.

Nhiều khán giả đã thắc mắc khi thấy kiểu dáng khác lạ của bộ đầm mà Á hậu Lê Thảo Nhi mặc trong phần thi Trang phục dạ hội trong đêm thi quyết định ai sẽ là người đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022. Những tranh cãi trên mạng xã hội hay tại sân khấu ngay thời điểm đó đã "nổ" ra với các ý kiến như: “Nhìn chiếc váy hơi lạ và hơi kỳ”, “Chiếc đầm có dáng như con gà đang xòe đuôi”, “Chiếc váy có phần xòe ở vòng 3 thế thì ngồi sao được”…

Chiếc đầm dạ hội của Á hậu 1 Lê Thảo Nhi trong đêm chung kết

độc lập

Thực tế, chiếc đầm dạ hội của Thảo Nhi vào đêm qua được lấy cảm hứng từ bức tranh nổi tiếng The Birth of Venus (Sự ra đời của thần Vệ nữ). Do đó chiếc đầm đã có một miếng màu xanh ở đằng sau tượng trưng cho miếng vỏ sò mà thần Venus đứng lên (như trong ảnh) và cũng tượng trưng rằng Nhi là viên ngọc trai của cả tác phẩm. Ngoài ra, những chi tiết uốn lượn trên váy của Thảo Nhi được tạo nên rất ăn nhập với bức tranh gốc một cách nghệ thuật.

Bức họa The Birth of Venus của danh họa nổi tiếng thời phục hưng Sandro Botticelli

Được biết, tuyệt tác hội họa này tái hiện hình ảnh thần Vệ nữ khỏa thân đứng trên một vỏ sò lớn tại bờ biển đảo Síp. Hình tượng này thể hiện sự tái sinh của nền văn minh, một tia hy vọng mới, sự thay đổi về địa chính trị, xã hội và văn hóa xảy ra sau cuộc hỗn loạn của thời Trung cổ. Trong bức tranh, nữ thần Venus đứng vươn cao trong trạng thái khỏa thân ở trung tâm của bức tranh, trông thanh tao và rực rỡ. Cô ấy dường như thu hút tất cả sự chú ý đến bản thân mình - một biểu tượng của cái đẹp, cả thể chất và tinh thần. Đối với các nhà triết học tân cổ điển, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cô ấy là một cách để nâng cao tinh thần của con người và đến gần hơn với thần thánh.

Nhà thiết kế Đỗ Long - người sáng tạo ra chiếc váy này chia sẻ: “Chiếc váy Lê Thảo Nhi mặc trong đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 được lấy ý tưởng từ bức họa The Birth of Venus của danh họa nổi tiếng thời phục hưng Sandro Botticelli.

Nàng Venus lộng lẫy tinh khôi xuất hiện từ vỏ sò là hiện thân của vẻ đẹp thần thoại bất tử được ca tụng đến tận bây giờ. Dáng váy đuôi cá cúp ngực cổ điển trong suốt tôn vinh vẻ đẹp kiều diễm và thoát tục của người mặc. Họa tiết sóng biển uốn lượn chuyển màu ombre trên thân váy được tính toán hết sức tỉ mỉ giúp tôn lên hình thể gợi cảm nhưng vẫn giữ được sự sang trọng cần thiết.

Ngoài ra phần cúp ngực và vỏ sò ở thân sau được dựng form và tính toán tỷ lệ rất kỹ càng giúp thiết kế trở nên đột phá và gây ấn tượng mạnh. Thiết kế đã trở thành điểm nhấn của đêm trao giải và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khai sinh ra một nữ thần sắc đẹp thời đại mới với vẻ đẹp lộng lẫy, thông minh và thật sự khác biệt”.

Nhà thiết kế Đỗ Long và Á hậu 1 Lê Thảo Nhi

nvcc

Khi được hỏi tại buổi họp báo ngay sau phút đăng quang: “Lý do Lê Thảo Nhi chọn chiếc đầm đặc biệt cho đêm chung kết”, Á hậu 1 Thảo Nhi (trước đó cô đứng dậy lắc hông tinh nghịch với phần đuôi váy và sau đó vẫn ngồi thoải mái) đã cho biết: “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc phải làm gì đó khác biệt. Tôi là con người luôn muốn chọn hướng đi mới để thành công. Tôi nghĩ không ai trên thế giới có thể chọn chiếc váy đi thi hoa hậu như thế này, nhưng tôi đã làm được. Ban đầu tôi còn không biết có thể ngồi được không nhưng vẫn ngồi được. Tôi luôn muốn mang thông điệp tới những người phụ nữ rằng hãy luôn tự tin là chính mình. Tôi mặc cái váy này và thấy mình đẹp, mình tự tin nên mới có thể tỏa sáng hôm nay để đội chiếc vương miện Á hậu 1 này".

Từ trái sang: Á hậu Thảo Nhi, Hoa hậu Ngọc Châu, Á hậu Thủy Tiên trong đêm đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022

độc lập

Huyền thoại ly kỳ đằng sau bức tranh nổi tiếng nhất mọi thời đại

Về nguồn gốc và ý nghĩa bức tranh, với thắc mắc tại sao thần Vệ nữ đứng trên một vỏ sò? Thật ra có cả một huyền thoại đằng sau bức tranh. Theo nhà thơ Hy Lạp Hesiod, Venus được sinh ra từ bọt biển. Thần thoại cổ đại thường chứa đầy máu và bạo lực, và câu chuyện này cũng không phải là ngoại lệ. Câu chuyện kể rằng, Thần Uranus có một người con trai tên là Cronus dám lật đổ cha mình, đã thiến ông và ném bộ phận sinh dục của ông xuống biển. Điều này khiến nước biển được thụ tinh và vì vậy thần Vệ nữ được ra đời. Sau khi sinh ra, cô đã lên bờ trên một chiếc vỏ sò, được đẩy đi nhờ hơi thở của Zephyrus, vị thần của gió tây. Trong bức tranh, chúng ta thấy thần Zephyrus đang ôm nữ thần Chloris. Còn cô gái chuẩn bị che cho Thần Vệ nữ bằng một chiếc áo choàng hoa được cho là một trong những vị Thần thời gian. Họ đồng thời cũng là những nữ hầu gái của Thần Vệ nữ trong thần thoại, những người có quyền lực kiểm soát chu kỳ tự nhiên của các mùa. Hòn đảo cô cập bờ là đảo Síp, còn gọi là Citharea.

Sau nhiều thế kỷ bị lãng quên, bức tranh Sự ra đời của thần Vệ nữ chỉ được tái phát hiện vào thế kỷ 19. Ngay trong những năm cuối đời của nghệ sĩ, các tác phẩm của danh họa Botticelli đã từng bị bỏ qua. Khi danh họa Botticelli tham gia vào các phong trào chính trị hỗn loạn năm 1497, ông đã đốt một số bức tranh của riêng mình và may mắn thay, bức tranh Sự ra đời của Venus này đã không nằm trong số đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.