Vay thêm 459.000 tỉ đồng để trả nợ, chi tiêu trong năm 2020

21/10/2019 20:26 GMT+7

Ngân khố quốc gia thâm hụt , chi thường xuyên bộ máy ngày càng tăng, nợ bảo hiểm xã hội… buộc năm 2020, Chính phủ phải đề xuất Quốc hội cho vay thêm hơn 495.000 tỉ đồng để chi tiêu.

Rủi ro thanh khoản cho ngân sách quốc gia

Báo cáo gửi Quốc hội về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 14, Chính phủ cho biết, nhiệm vụ huy động vốn vay cân đối ngân sách T.Ư năm 2020 là 459.500 tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý một số khoản: bù đắp bội chi ngân sách T.Ư là hơn 217.000 tỉ đồng, trả nợ gốc của ngân sách T.Ư hơn 217.000 tỉ đồng, vay để nhận nợ bảo hiểm xã hội 9.100 tỉ đồng…
Với dự kiến vay, trả nợ của Chính phủ, của chính quyền địa phương... dự báo đến cuối năm 2020, nợ công khoảng 54,3% GDP, nợ chính phủ khoảng 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP khoảng 45,5%. Mặc dù, ngưỡng nợ công vẫn nằm trong giới hạn an toàn, tuy nhiên, việc gia tăng vay nợ mới, trả nợ cũ và bù đắp chi tiêu... đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
Trong báo cáo, Chính phủ cũng thừa nhận, nợ công tiếp tục giảm so với các năm trước, song xu hướng này một phần do tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn nước ngoài rất chậm. Việc này một mặt hạn chế đóng góp cho tăng trưởng từ nguồn vốn vay, mặt khác ngân sách nhà nước vẫn phải chịu chi phí cam kết đối với các khoản vay đã ký kết và chưa giải ngân.
Bên cạnh đó, rủi ro tái cấp vốn tập trung vào các khoản nợ trong nước do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm (10,3% danh mục nợ trong nước của chính phủ sẽ đến hạn năm 2020), tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thanh khoản cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, còn các khoản trái phiếu chính phủ phát hành trong nước bằng ngoại tệ với trị giá 1,7 tỉ USD sẽ đáo hạn trong năm 2020 và 2021, phải bố trí ngoại tệ để thanh toán.

Vay nợ để bù đắp thâm hụt gây áp lực cân đối ngân sách quốc gia

Ảnh Ngọc Thắng

Hết thời lãi suất rẻ

Đáng chú ý, Chính phủ báo cáo Quốc hội, lãi suất danh mục nợ nước ngoài có xu hướng gia tăng do tỷ trọng các khoản vay có lãi suất thả nổi tăng (từ mức 8,8% dư nợ nước ngoài của Chính phủ năm 2015 lên mức 11,4% năm 2019). Trong bối cảnh dự báo điều kiện thị trường vốn quốc tế sẽ thắt chặt hơn trong thời gian tới, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ khả năng cũng sẽ tăng lên tương ứng.
Đối với danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ, các nhà tài trợ đã từng bước điều chỉnh chính sách hợp tác phát triển với Việt Nam theo hướng chuyển dần từ việc cung cấp ODA sang các khoản vay với điều kiện kém ưu đãi hơn, chi phí huy động vốn của một số khoản vay tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đây làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ.
Trong 5 năm tới, các khoản vay ODA sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư. Thay vào đó, Chính phủ cần huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn nhiều, sát với thị trường để bù đắp thiếu hụt cho cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư công trung hạn.
Ngoài lãi suất tăng, biến động của rổ tiền tệ vay mang lại nhiều rủi ro. Hiện tỷ lệ vay bằng VND của Chính phủ đã tăng lên (từ 55% vào cuối năm 2015 lên 62,3% dư nợ Chính phủ tính đến hết năm 2019), song danh mục nợ nước ngoài vẫn tập trung vào 3 loại tiền chủ đạo gồm USD, yên Nhật và EUR (chiếm tỷ lệ tương ứng 38,7%; 34,2% và 16,7% dư nợ nước ngoài của Chính phủ tính đến 31.12.2019), theo Chính phủ, là những đồng tiền có biến động lớn trong thời gian vừa qua. Những khoản trái phiếu chính phủ ngoại tệ phát hành trong nước trong giai đoạn trước cũng làm gia tăng rủi ro tỷ giá đối với tiền USD của danh mục nợ. Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm giá trị VND cũng sẽ làm tăng giá trị danh nghĩa các khoản nợ bằng ngoại tệ khi quy sang nội tệ.
Trước rủi ro trên, trong báo cáo thẩm tra về tình hình ngân sách ngày 21.10, Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ phải báo cáo rõ Quốc hội tại kỳ họp này về tất cả các khoản nợ của ngân sách nhà nước như: nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ vốn ứng trước, nợ nguồn thanh toán của ngân sách nhà nước; đồng thời, lưu ý về rủi ro thanh khoản, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất huy động và vấn đề đảo nợ… để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Uỷ ban này cũng lo ngại, trong khi đầu tư công ách tắc, khó khăn thì chi tiêu thường xuyên vẫn chưa có dấu hiệu được cắt giảm. Điều đó sẽ ngày càng gây áp lực với bội chi ngân sách, nợ công của quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.