N.T.N, 21 tuổi, quê ở Thái Bình, học ngành điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe người già tại tỉnh Aichi, Nhật Bản được 2 năm nay. Bà Nh., mẹ của N., cho biết gia đình đã phải vay mượn gần 400 triệu đồng để đóng vào một công ty môi giới, giúp con trai được xuất ngoại.
“Ngoài số tiền đóng cho công ty môi giới, chúng tôi phải chứng minh tài chính mình có 500 triệu đồng trong tài khoản thì con mới được nhập học”, bà Nh. kể.
tin liên quan
Du học sinh Việt Nam tại Mỹ tăng nhanhKhông phải lo học phí nhưng để có tiền ăn uống và trang trải sinh hoạt phí đắt đỏ ở Nhật Bản, N.T.N đã phải làm nhiều công việc khác nhau, từ phụ bếp, làm thợ trong công xưởng cơ khí, bán hàng trong siêu thị. Tuy nhiên, trường học của N. chỉ cho phép sinh viên làm thêm một số giờ trong tuần, nếu phát hiện làm quá giờ, sinh viên sẽ bị đuổi về nước, do đó N. thường phải làm “chui”.
Đội tuyết đi phát báo từ 2 giờ sáng
Nguyễn Thị Huệ (quê ở TP.Hạ Long, Quảng Ninh) tới Nhật học tiếng trong một trường tại Tokyo từ tháng 4.2016. Gia đình Huệ phải vay mượn gần 300 triệu đồng để con được sang Nhật. Huệ cho biết: “Đây chỉ là chi phí để được sang Nhật, chưa kể học phí, tiền ăn uống hằng tháng. Có người bạn tôi sang đây 3, 4 năm làm chưa đủ tiền để gửi về cho gia đình trả nợ”.
Huệ xin được việc đi giao báo cho các gia đình, tính ra được 27 triệu đồng/tháng. Cô liệt kê các khoản tiền phải tự lo mỗi tháng: “Tiền thuê nhà 5 triệu đồng, chưa kể tiền điện nước, tiền bảo hiểm. Học phí nửa năm là 150 triệu đồng. Do đó, tôi cứ làm quay cuồng, chỉ sợ không đủ đóng tiền học thì bị đuổi”.
Mỗi ngày Huệ thức dậy từ 2 giờ sáng, kể cả ngày có tuyết rơi, đạp xe tới tiệm báo để lồng tờ quảng cáo vào, 3 giờ thì rời tiệm, đạp xe vòng quanh thành phố phát báo. “Tôi chân yếu tay mềm nhưng mỗi ngày phải chở theo hàng chục cân báo trên xe, giao đến 6 giờ sáng mới xong, có hôm nhiều báo là 7 giờ. Nghỉ được một lát thì đi học. Học đến 12 giờ trưa, rồi lại tiếp tục làm thêm từ 1 giờ chiều tới tối, mỗi giờ được gần 120.000 đồng, ngày nào cũng như vậy”, Huệ kể.
Huệ cũng chia sẻ nhiều bạn trẻ Việt làm ngày, làm đêm ở Nhật, có thể mỗi ngày chỉ được ngủ 3 tiếng. Làm quá mệt, nhiều người không học được bao nhiêu, do đó, tiếng Nhật và kiến thức trên trường càng ít. “Nhiều người nghĩ thực tập sinh/du học sinh là mỹ miều lắm, gửi được nhiều tiền cho gia đình, nhưng chúng tôi đã làm việc rất cơ cực, chỉ để đủ sống và tích cóp gửi về trả nợ. Những ngày mới sang, tôi như bị tự kỷ vì cô đơn, không có bạn bè, chỉ biết làm rồi về phòng nằm khóc một mình”, Huệ thở dài.
Chuẩn bị tâm lý để không bị sốc
Chia sẻ với Thanh Niên, Nguyễn Sơn Tùng, 25 tuổi, trú ở đường Hải Triều, Q.1, TP.HCM, du học sinh ngành thiết kế đồ họa tại Tokyo, Nhật Bản, cho hay cuộc sống của các du học sinh/thực tập sinh ở Nhật như thế nào phụ thuộc vào mục tiêu và mục đích mỗi người khi sang đây.
“Nếu gia đình các bạn có tài chính, đi học và làm thêm chỉ để trang trải cuộc sống thì nó không thực sự là điều gì quá khổ cực. Nhưng hiện tại có một số bạn du học nhưng vay nợ để đi, qua đây, các bạn còn gánh một khoản nợ lớn trên lưng, cộng thêm tiền học vào những năm sau, thì việc phải làm cật lực thậm chí làm quá giờ dẫn đến đuối sức là có”, Tùng nói.
tin liên quan
Du học Mỹ: Có nên chọn cao đẳng cộng đồng?Còn Phương Linh, 25 tuổi, cô gái Hà Nội là thực tập sinh tại khách sạn Sheraton, tại một tỉnh phía bắc Nhật Bản, cho biết nếu tới Nhật chỉ để du lịch, khám phá ẩm thực thì quá tuyệt vời, tuy nhiên để làm việc thì các bạn trẻ cần chuẩn bị tâm thế đối mặt với áp lực lớn, căng thẳng.
“Người Nhật cực kỳ quy củ, rất đúng giờ, khoa học, tôi sang đây 3 tháng và chưa một lần dám vào trễ. Song với tôi, Nhật là quốc gia đáng sống và học tập, dù bạn sẽ phải vất vả để thích nghi”, Phương Linh chia sẻ.
Chị Bùi Phương Giang, cử nhân Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, cựu du học sinh tại Nhật, từng làm việc tại JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản), cho hay du học sinh/thực tập sinh khi sang Nhật hay bất kỳ quốc gia nào đều sẽ gặp những điều mới mẻ và lạ lẫm, quan trọng là bạn cần chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng.
“Dù đi học hay đi làm ở Nhật Bản thì bạn cũng cần chuẩn bị một số kiến thức về văn hóa, thói quen của người Nhật để dễ dàng hòa nhập như cách chào hỏi, không quá gây ồn ào ở nơi công cộng, phân loại rác trước khi đổ...”, chị Giang nói.
Theo chị Giang, du học/thực tập sinh VN có thể nhờ đến một số tổ chức hỗ trợ khi gặp khó khăn như Jasso VN, JICA, hay mới đây, Trường ĐH Ngoại thương thành lập Văn phòng hợp tác quốc tế tại Nhật, góp phần tạo ra các cơ hội phát triển giáo dục cho 2 nước.
Bình luận (0)