Đã không ít khách hàng phải còng lưng ra trả lãi hàng tháng, thậm chí phải bán cả xe đi để trả nợ khi chạy theo các chương trình cho vay ưu đãi mua xe ô tô với lãi suất được quảng cáo là “siêu rẻ, siêu bất ngờ” của các nhà băng.
|
Trong bối cảnh tín dụng tắc nghẽn, thanh khoản dư thừa, thời gian qua các ngân hàng (NH) đua nhau mở chương trình khuyến mại cho vay tiêu dùng nhắm vào các khách hàng cá nhân. Trong đó, nổi bật là một loạt các gói tín dụng mua xe hơi với lãi suất siêu rẻ, thủ tục siêu nhanh.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) đưa ra chương trình vay tiền để mua ô tô, khách hàng có thể thế chấp bằng chính chiếc ô tô đó với lãi suất ưu đãi thấp nhất trên thị trường hiện nay là 5,5%/năm. Trong khi đó, ở TienphongBank, mức lãi suất ưu đãi là 8,8%/năm trong 8 tháng đầu. Các NH cổ phần khác như VIB, Ocean Bank... thì mức lãi suất cho vay khi mua ô tô là từ 12-14%/năm.
Ngay cả các “đại gia” chuyên đầu tư dự án, công trình lớn như BIDV hay Vietinbank nay cũng phải “ôm tiền” đi bán lẻ. Trong khoảng thời gian 24.4.2014 - 28.2.2015, với hạn mức 1.000 tỉ đồng cho vay tiêu dùng, mua xe, BIDV đưa ra mức lãi suất cho vay 8,88%/năm trong 6 tháng đầu tiên, 9,99%/năm trong 6 tháng tiếp theo, sau đó áp dụng lãi suất cho vay thông thường.
Cũng với 1.000 tỉ đồng, gói tín dụng ưu đãi của VietinBank triển khai từ 21.4 - 21.7.2014 lại có ưu thế về mở rộng mục đích vay và đối tượng vay. Lãi suất khoản vay ngắn hạn chỉ từ 8,5%/năm dành cho khách hàng VIP, lãi suất 8,8%/năm và 9%/năm dành cho nhóm khách hàng trung lưu và phổ thông. Đối với các khoản vay trung, dài hạn, lãi suất cho vay ưu đãi tối thiểu 10%/năm.
Không chỉ lãi suất rẻ, thời gian làm thủ tục cho vay của các ngân hàng cũng siêu tốc, nhanh nhất là sau 8 tiếng nhận đủ giấy tờ sẽ giải ngân, chậm nhất cũng chỉ qua đến ngày hôm sau.
Anh Trịnh Đức, nhà ở Cổ Nhuế, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho hay có vay hơn 300 triệu mua xe tại một ngân hàng. Mấy tháng đầu lãi suất rẻ, nhưng khi vừa hết ưu đãi, nhân viên tín dụng gọi điện thông báo lãi suất tăng lên tới 17-18%/năm. “Thú thực kể từ sau khi họ tăng lãi suất, tháng nào vợ chồng tôi cũng nai lưng ra cày ải để trả nợ. Thấy căng quá, hai vợ chồng đã tính đến cả phương án bán xe trả hết khoản vay, quay sang đi xe máy”, anh Đức thở dài.
Với mức lãi suất rẻ hơn cả lãi huy động thời gian đầu ngân hàng đưa ra để “kích cầu” người vay, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong lưu ý khách hàng “cần hết sức cẩn trọng”. Bởi bất cứ một nhà băng nào khi kinh doanh đều đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, do đó chênh lệch giữa lãi suất huy động - cho vay bao giờ cũng phải đảm bảo tối thiểu ở mức 1-1,5%/năm. “Với lãi suất cho vay một số ngân hàng đưa ra ban đầu còn thấp hơn cả lãi suất huy động, khi hết thời hạn ưu đãi, chắc chắn NH sẽ tăng lãi suất lên cao để bù lỗ”, ông Phong cảnh báo.
Ông T.A, giám đốc chi nhánh một ngân hàng CP tại Vĩnh Phúc khuyến cáo khách hàng: thông thường các khoản vay sẽ không được trả trước hạn ít nhất trong 42 tháng đầu (với khách vay 60 tháng), nếu khách trả trước sẽ bị phạt rất nặng. Hoặc vì một lý do nào đó mà lãi suất cho vay tăng cao vượt dự kiến, khách hàng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Do đó, trước khi vay cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng với NH, đặc biệt chú ý phần lãi suất, bao gồm thời gian và công thức tính lãi suất khi có sự thay đổi. Đặc biệt là các quy định về phạt khi trả trước, trả chậm và các loại thuế, phí mà NH đưa ra.
Anh Vũ
>> Có nợ xấu, khó vay tiền
>> Cân nhắc khi gửi, vay tiền cuối năm
>> Một ngân hàng Nhật thừa nhận cho mafia vay tiền
>> Chênh lệch lãi suất cho vay - tiền gửi bình quân 3%
>> Vay tiền không trả còn đâm chết bạn
Bình luận (0)