Chiều nay 16.9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với lãnh đạo VCCI và một số hiệp hội doanh nghiệp để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi).
Một trong những nội dung tại dự thảo được xem là khá tế nhị, nhưng VCCI lại đề nghị bỏ, đó là cho lao động nữ được nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian “đèn đỏ”.
Đại diện VCCI cho biết, quy định này gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp có nhiều lao động nữ. Điển hình như doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, dệt may, quy định này không phù hợp với điều kiện làm việc đặc thù.
“Do số lượng lao động nữ quá cao, khi áp dụng quy định này gây nên sự bất ổn của toàn hệ thống dây chuyền sản xuất mà xét về bản chất thì việc lao động nữ trong thời gian “đèn đỏ” là vấn đề sinh lý hoàn toàn bình thường”, đại diện VCCI chia sẻ.
Ngoài ra, theo đại diện VCCI, chỉ cần phát hiện vi phạm 1 nội dung quy định về lao động nữ thì toàn bộ doanh nghiệp sẽ bị đánh giá viên của các tổ chức quốc tế (đánh giá chứng nhận cho các tiêu chuẩn bền vững) đánh giá không đạt và doanh nghiệp không được cấp chứng nhận, dù tất cả các nội dung và các lĩnh vực khác đều đạt yêu cầu. Với những khó khăn đó, doanh nghiệp có thể phải cắt giảm số lượng lao động nữ, mặc dù không hề mong muốn.
“Để linh hoạt hơn cho chủ sử dụng lao động và người lao động, chúng tôi đưa ra đề nghị bỏ quy định cho lao động nữ nghỉ 30 phút hoặc có thể sửa đổi thành lao động nữ trong độ tuổi còn hành kinh được hỗ trợ bằng tiền do Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ này”, đại diện VCCI nói.
Phản hồi về ý kiến này, ban soạn thảo Bộ LĐ-TB-XH cho rằng: “Các quy định này đã thực hiện ổn định từ khi có bộ luật Lao động đến nay, trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay, cần tiếp tục quy định để bảo đảm quyền lợi của người lao động và bảo đảm mục tiêu bảo vệ thai sản đối với lao động nữ”.
Về thời giờ làm thêm, VCCI đề nghị không quy định giới hạn làm thêm giờ trong tháng, trong tuần, chỉ quy định giới hạn giờ làm thêm theo năm. Đề nghị tăng thời giờ làm thêm trong năm tăng từ 200 giờ lên 500 giờ đối với trường hợp bình thường, tăng từ 300 giờ lên 500 - 600 giờ trong trường hợp đặc biệt.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Trưởng Ban soạn thảo dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi), cho biết do tác động của bộ luật sâu rộng, nhiều đối tượng nên khó có thể tìm ra sự thỏa mãn cho tất cả các đối tượng. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến để tìm phương án hợp lý nhất.
“Quan điểm của Ban soạn thảo bộ luật tiến bộ nhưng tạo ra sự ổn định, hài hòa, tiến bộ. Những nội dung cần phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện với mục tiêu bộ luật phải là bộ luật tiến bộ phục vụ người lao động, vì người lao động, nhưng trước hết phải vì sự phát triển của đất nước, trong đó quan tâm đến doanh nhân, doanh nghiệp”.
Ông Dung cho hay, sẽ lựa chọn những nội dung hợp lý để tiếp thu trong dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào 20.9 trước khi trình ra Quốc hội vào tháng 10 tới.
Bình luận (0)