Mạnh vì gạo, bạo vì tiền
Ở V-League lúc này đồng tiền đã được sử dụng khôn ngoan và có chừng mực hơn. Cùng với xu thế kéo thị trường cầu thủ về gần hơn giá trị thực thì mức lương và đãi ngộ của các HLV trưởng cũng theo đó nguội hơn, ở mức hợp lý hơn vài năm trước. Cụ thể, HLV đội đương kim vô địch V-League Hà Nội Chu Đình Nghiêm, cựu HLV Quảng Nam Hoàng Văn Phúc có lương cứng khoảng 20 - 25 triệu đồng và thu nhập dựa vào năng suất, hiệu quả nên tổng cộng dao động từ 55 - 60 triệu đồng/tháng. Có thể còn nhiều hơn nếu được ông bầu thưởng nóng từ các trận thắng hoặc hòa trước đối thủ mạnh hơn.
Tương tự, mức lương cứng của HLV Phan Thanh Hùng khi đến Than Quảng Ninh cũng thuộc diện cao ngang với HLV trưởng đội Hà Nội và mức thưởng không hề thấp, dao động 50 - 60 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, do ông Hùng được chuyển nhượng từ Hà Nội nên khoản tiền lót tay ông nhận thêm 1 tỉ đồng/năm.
Chính sự đãi ngộ tốt này giúp cho nhà cầm quân từng dẫn dắt tuyển VN đã cống hiến hết mình, mang về thành tích lẫn bản sắc cho đội bóng vùng mỏ, giúp họ lột xác rất nhiều, trở thành một trong những đội bóng có lối chơi sắc nét nhất V-League.
Cũng “trải thảm” với HLV là Thanh Hóa và Becamex Bình Dương (BD). Đội bóng xứ Thanh trước đây từng chi 100 triệu đồng mỗi tháng cho HLV Lê Thụy Hải. Con số này cao hơn khi họ mời về những nhà cầm quân ngoại như Ljupko Petrovic - cựu vô địch Cúp C1 cùng Sao Đỏ Belgrade. Còn hiện nay HLV Nguyễn Đức Thắng cũng đang có mức lương và thu nhập ổn định khoảng 50 - 60 triệu đồng/tháng.
Cũng chính ông “Hải lơ” khi về Bình Dương những năm trước đây được nhận mức lương “khủng” dao động từ 10.000 USD mỗi tháng kèm mức thưởng 50.000 USD nếu vô địch. Con số cũng tương tự khi HLV Mai Đức Chung cầm quân tại đây. Tất nhiên, ở những đội bóng tài chính eo hẹp hơn như Sanna Khánh Hòa thì mức lương của HLV trưởng thấp hơn nhiều, dao động từ 25 - 30 triệu đồng mỗi tháng.
Càng nhiều tiền càng gian nan
Nhận lương cao để dẫn dắt đội bóng, nhiều HLV thừa hiểu “không ai bỏ tiền ra trả cao cho mình mà không đòi hỏi lại một cái gì”. Khi ông chủ hay lãnh đạo CLB trả lương cao cũng có nghĩa đòi hỏi HLV phải mang về chiến thắng. Còn nếu như không đạt sau một vài trận thì biện pháp đầu tiên là thỏa thuận giảm lương (đã ghi trong hợp đồng), cao hơn nữa là cắt hợp đồng trước thời hạn mà không phải đền bù quá nhiều.
HLV Lê Thụy Hải từng chia sẻ: “Lãnh đạo CLB Becamex Bình Dương sẵn sàng chi mạnh, chi bạo để mời quân, viện tướng, nhưng nếu không vô địch là “đứt”. Ban đầu tôi cũng tự ái khi đội chơi chưa tốt vài trận, nhưng sau hiểu rồi thì thấy nhẹ nhàng vì BD luôn rất sòng phẳng và đàng hoàng trong tiền bạc”.
Áp lực lớn nên bất cứ HLV nào cầm quân ra trận cũng bị tàn phá thể lực, gương mặt lúc nào cũng âu lo, tinh thần cực kỳ căng thẳng. Nếu may mắn gặp ông chủ CLB tốt, sống tình cảm, biết dùng người và hiểu chuyện thì thành tích có thể chưa cao nhưng hy vọng còn tồn tại. Còn nếu gặp phải lãnh đạo CLB “máu” chiến thắng bằng mọi giá thì chỉ cần vài thất bại là chuyện ra đi chỉ đếm từng ngày.
HLV Phan Thanh Hùng tâm sự ông đã gắn bó với Hà Nội rất lâu, xây dựng cả một thế hệ mới nhưng ít ai biết bầu Hiển đã phải đích thân đứng ra níu ông ở lại vài lần. Vì cái tình với ông bầu chịu chi này ông Hùng đã “trụ vững” cho đến khi dứt áo hẳn vào đầu năm 2016 để về Quảng Ninh.
Trường hợp HLV Lê Huỳnh Đức sau 10 năm liền gắn bó với Đà Nẵng, một quan chức CLB từng cho biết lương và thu nhập của ông vài năm trước không dưới 80 triệu đồng/tháng. Việc Đức chia tay với đội bóng một mùa là vì những bất đồng xung quanh việc chọn người ở CLB cũng như các phát ngôn đụng chạm từ “cấp dưới” làm vị tướng này tự ái. Trở lại V-League lần này, niềm tin của đội bóng đặt vào Đức còn lớn hơn nên rất có thể đội bóng sông Hàn vẫn giữ con số lương và thu nhập đó cho ông.
Đồng đội một thời với Huỳnh Đức là HLV Trần Minh Chiến về Bình Dương cũng được “trải thảm” không dưới 60 triệu đồng/tháng và còn có nhiều khoản thưởng khác. Tuy nhiên áp lực dành cho ông cũng rất lớn. Có những lúc nhà cầm quân này tâm sự cảm thấy mệt mỏi vì: “Tiền nhiều dĩ nhiên sẽ có điều kiện trang trải cho cuộc sống tốt hơn. Nhưng đánh đổi lại là không còn thời gian nhiều dành cho gia đình vì lúc nào cũng phải đau đáu nỗi lo làm sao cho lối chơi của đội tốt hơn, nội bộ đoàn kết hơn...”.
[VIDEO] VĐV BÓNG CHUYỀN SỐ 1 VIỆT NAM ĐƯỢC "RỦ RÊ" SANG MỸ THI ĐẤU
|
Nhưng rồi HLV này cũng đã vấp phải một thực tế là tiếng nói của ông mất dần trọng lượng khi có những phản ứng trái chiều, gây xung đột từ chính nội bộ của mình. Đúng như HLV Đặng Trần Chỉnh từng nói “ghế 4 chân, cầu thủ đã nắm hết 3” thì chỗ của HLV luôn lúc nào cũng chông chênh...
Bình luận (0)