Chép thuộc họ ngao, hến ở biển. Hình dẹp mà thon, vỏ rất cứng, hoa văn đủ màu sắc trên nền trắng, đầu bụng lớn mà mập, đầu miệng nhỏ mà lép. Con to nhất bằng ngón tay cái, con nhỏ vừa ăn cũng bằng ngón tay út.
Khi mẹ tôi còn sống, bà vẫn hay mua chem chép ở chợ bằng chén. Đong đầy ba chén bán khoảng mười ngàn, mười lăm ngàn. Hôm nào mẹ đi chợ về có chép biển là cả nhà thích mê, xách bịch chép đi ngâm nước ngay. Ba tôi đổ chép biển vào thau nước pha chút muối, bẻ nhỏ trái ớt bỏ vào để chem chép nhả hết cát ra và nhặt con nào “há mỏ” bỏ luôn, vì những con đó đã chết rồi.
Sau khi chép nhả sạch cát thì ta có thể chế biến. Xào chem chép phải kiên nhẫn và khéo léo. Khi lửa trong bếp đỏ đều, cho dầu vào chảo, thêm hành, đổ chép vào, trộn đều và chú ý canh chừng không cho chép chín quá, và đặc biệt, không cho muối vào món này, vì bản thân con chép đã mặn sẵn vị biển rồi. Cuối cùng thêm cọng rau quế, miếng dứa cho vị đậm đà. Muốn chép không bị nứt vỏ, há mồm ra thì phải gạt bớt lửa sau khi trộn chép lần đầu.
Ăn chem chép cũng lắm công phu. Với tôi thì đơn giản, chọn con nào há mồm bỏ vô miệng mút rất ngọt, cay cay mặn mặn thơm thơm. Thế nhưng ba tôi lại chọn cách ăn khác. Ông chọn những con chưa há miệng, hút lấy cái nước mỡ bao quanh con chép rồi dùng hai ngón cái ấn vào giữa hai vỏ chép đang ngậm kín, vừa tách vỏ chép ra vừa hút lấy chất dinh dưỡng trong bụng chép rồi mới bóc vỏ ăn. Chem chép càng nhai càng thú vị: vừa mềm vừa dai, vừa dai vừa bở, béo mà không ngấy, đậm đà vị ngọt mặn của hương trời hơi biển.
Bình luận (0)