Tháng 11 lá cờ trên lăng Bác ngoài thủ đô Hà Nội được kéo lên và dòng người chăm chú nhìn với lòng tự hào lớn lao cùng tiếng ngân nga hát dưới tiết trời se lạnh trong những thảm nắng vàng. Còn ở nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh an nghỉ, ta thấy ngập tràn niềm ấm áp trong tâm.
Mộ thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh |
d.t.t |
Kỷ niệm chuyến đi ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí tôi. Tôi đến Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) trong một ngày vắng vẻ. Sự vắng vẻ đó hoàn toàn đối lập với những ngày bình thường tấp nập du khách. Đó là trải nghiệm không thể nào quên trong cuộc đời này. Nơi ấy đã trở thành một công trình văn hóa tiêu biểu và vô cùng nổi tiếng của tỉnh. Ngoài ý nghĩa lịch sử, đây còn là nơi rất đỗi linh thiêng của đất nước, nơi tưởng nhớ một con người có tấm lòng yêu nước cao cả.
Một anh bạn người Đồng Tháp nhiệt tình làm hướng dẫn viên cho tôi. Chàng hướng dẫn viên người bản địa này rất khác với người chuyên nghiệp vì cách nói chuyện chân tình và sự hiểu biết rộng lớn. Điều tôi có thể cảm nhận khi đến thăm Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc là cái đạo làm người của cụ đã để lại cho thế hệ chúng ta, cũng là tình cảm cao đẹp của một con người yêu nước được các thế hệ hiện đại ngày nay cảm mến.
Tôi đến thăm tất cả các di tích trong Khu mộ cụ Phó bảng như nhà sàn Bác Hồ và ao sen; nhà trưng bày về cuộc đời của Cụ Nguyễn Sinh Sắc; mô hình làng An Hòa xưa… tất cả toát lên khí chất của một nhà nho yêu nước. Chính khí chất đó cũng góp phần hình thành nên con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Khi được đến viếng mộ cụ, kính cẩn thắp nén nhang của người con cháu thế hệ sau gửi đến cụ, tôi mới cảm được bao tâm tư tình cảm, bao giá trị văn hóa vô giá được cụ Nguyễn Sinh Sắc gửi đến cho hậu thế.
Tôi cảm mến Cụ Nguyễn Sinh Sắc vì một đời sống thanh bạch, giản dị. Đối với cụ, những tiền tài, danh vọng chỉ có thể coi là ảo vọng tầm thường mà thôi. Cụ khước từ chức quan, mà theo thời đó thì nhiều người muốn cũng không được. Cụ yêu nghề dạy học, nhưng những kiến thức mà cụ dạy cho học trò không chỉ là chữ nghĩa sách vở, không chỉ là luân thường đạo lý mà còn là truyền thống yêu nước bao đời nay của dân tộc ta. Cụ làm những nghề bình dị mà cao quý, từ nghề giáo cho đến nghề thầy thuốc, và mỗi khi cụ đi đâu hay làm gì thì đều được người dân yêu mến. Họ yêu mến cụ vì cụ gần gũi thực sự với nhân dân, không quản ngại gian khổ để dạy người, cứu người.
Tìm hiểu về cuộc đời của cụ Nguyễn Sinh Sắc quả thật là một công việc thú vị, vì chúng ta hiểu ra nhiều đạo lý không được biết đến trong sách vở. Biết về cụ, hiểu thêm một chút về cụ, tôi cảm nhận được tấm gương đạo đức cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chắc chắn là một điều hiển nhiên trong đạo lý làm người của dân tộc ta. Bác Hồ có một người cha như Cụ Nguyễn Sinh Sắc, đó chính là điều kiện và nền tảng để dân tộc ta có một vĩ nhân như Bác.
Trong những giai đoạn cuộc đời của Cụ Nguyễn Sinh Sắc, tôi đặc biệt chú ý đến những thời điểm cụ nêu cao tinh thần yêu nước cho đồng bào. Người dân Nam bộ vốn hiền hậu và sống nhường nhịn người khác, nhưng không vì thế mà cam chịu cảnh mất nước. Họ thấm nhuần tinh thần yêu nước, chủ nghĩa yêu nước của các bậc chí sĩ, vì vậy họ đã cầm vũ khí chiến đấu với cường địch như thực dân Pháp để giành lại độc lập tự do cho tổ quốc, cho quê hương của chính mình dù biết là sẽ phải nằm lại. Một người không phải gốc ở Đồng Tháp như cụ Nguyễn Sinh Sắc lại có thể sống chan hòa và hết mình với nhân dân như vậy, đó thực sự là sợi dây bền chắc liên kết tình cảm giữa Cụ và bà con bản xứ. Khi cụ mất, người dân nơi đây đã một lòng kiên cường bảo vệ mộ cụ, không để bọn thực dân xâm lược phá hoại, đó chính là tình cảm không gì có thể sánh được.
Nhà trưng bày về cuộc đời cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc |
d.t.t |
Về đất sen thắp hương cụ Nguyễn Sinh Sắc. Về mảnh đất miền Tây để thấy cái trọn nghĩa vẹn tình của con người nơi đây đối với thân sinh của Bác. Cái tình cái nghĩa ấy cần được lan tỏa đến thế hệ của người Việt Nam bây giờ nhiều hơn nữa. Để mỗi khi có người đến mảnh đất này hiểu được thêm về tình cảm giữa đồng bào cả nước với nhau, cho dù ở thời gian nào trong lịch sử hay ngày hôm nay. Để rồi khi tiếp tục công việc thường ngày, mỗi người trong chúng ta luôn tự hứa với bản thân rằng, sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ giữ mãi tấm lòng yêu nước thủy chung son sắt như cụ Nguyễn Sinh Sắc.
Bình luận (0)