Suốt cuộc hành trình đó, từ Lò Gò đến Xa Mát, từ Đạ Ha ngược về Thiện Ngôn xưa, từ Trung ương Cục miền Nam đến TP.Tây Ninh, những hồi ức cùng hiện tại đan xen nối những miền thời gian chảy tràn trong tâm thức mình. Chúng tôi đứng trước những câu chuyện của miền đất này vẫn cứ như những đứa trẻ lần đầu nghe, thấy trong sự háo hức và lắng đọng nghĩ suy.
Dòng sông Vàm Cỏ khởi nguồn từ cánh rừng vùng biên này mà miên di con nước xuôi tận miền Tây. Con nước linh đinh khúc khuỷu dạy người miền Đông biết sống thiện lành như phù sa vốn dĩ sinh ra để bồi bãi đất đai mùa màng vườn tược. Như chính bạt gió nung nắng dạy con người đất này biết sống cuộc đời ý nghĩa. Sống và chết với người đất này như một lẽ cao đẹp để đất đỏ miền Đông thắm dòng nuôi đời những thảo thơm trường tồn.
Chúng tôi ghé nghĩa trang Tân Biên, hay còn gọi là đồi 82, nơi yên nghỉ của hơn mười bốn ngàn anh linh nằm xuống trong cuộc kháng chiến kiên cường của dân tộc. Chiều tháng tư nhuộm vàng những ngôi mộ. Khói và hương bảng lảng quyện mùi trầm nồng lên khoảng không ngan ngát cỏ cây. Bình yên hôm nay là những đánh đổi của một thế hệ hào hùng.
Chúng tôi chia nhau thắp những nén tâm nhang lên những ngôi mộ. Có những ngôi mộ chưa kịp xác định danh tính. Họ, chỉ mười tám, đôi mươi, người đất này hay từ nhiều vùng miền khác đến, chiến đấu và hy sinh. Họ, nằm lại với mảnh đất miền Đông bằng lòng kiên trung và tuổi thanh xuân tận hiến. Họ, dù được vinh thăng hay không thì vẫn mãi xanh tuổi mình. Đất đỏ trổ ra những mầm xanh. Hòa lẫn trong từng tấc đất chính là hương hồn, là xác thịt, là chí nguyện của hơn mười bốn ngàn người. Chúng tôi bảo nhau chào các đồng chí anh hùng bằng bài Quốc ca. Tiếng hát trôi giữa hoàng hôn. Bất giác chúng tôi khóc. Tôi tin, nếu hát giữa anh linh của những người đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, ai cũng sẽ khóc. Khóc vì hạnh phúc hôm nay. Và khóc cho những hy sinh ngày đó.
Đêm ở rừng Lò Gò, người chiến sĩ già của trung đoàn 271 ngồi bên đống lửa. Dưới những tán lá dầu song nàng to bè, lẫn trong tiếng ve chuông rầm rì, giọng ông trầm đục kể về cuộc chiến. Trận đánh chiếm đồn Xa Mát như dội về theo đêm tĩnh mịch. Chúng tôi ngồi hít thở chiến tranh qua lời kể của một người thương binh nặng còn sống trong trận đánh mà đồng đội bị dính bom Napan cháy đen. Vậy đó mà chỉ mấy ngày sau lại đánh chiếm sân bay Thiện Ngôn. Hàng loạt pháo hạng nặng từ Lò Gò, Kà Tum, Tân Biên của địch như một mê trận thắp sáng cả vùng rừng núi thâm u. Tiểu đội 8, đại đội 2, trung đội 1 vẫn tiến lên. Người trước ngã xuống, người phía sau xông pha. Trước mặt là địch, sau lưng là Tổ quốc. Chỉ vậy thôi. Phải giành lấy từng tấc đất. Phải chiến đấu. Trong đêm rừng gió bát ngát. Tiếng người thương binh như dẫn chúng tôi đi vào thời cuộc sục sôi. Tiếng hô vang xông lên rền cả cánh rừng. Rền vào tâm khảm chúng tôi cả khi đã nhắm mắt ngủ.
Cạnh bên cũng là một người thương binh nặng, từ miền Bắc, ông đi dọc Trường Sơn hơn ba tháng mới vào đến cánh rừng chuối đất Campuchia, sau đó vượt thượng nguồn Vàm Cỏ mà về cánh rừng Chàng Riệc chiến đấu. Những đám trẻ chúng tôi lặng lẽ hỏi ông sao tàn cuộc chiến vẫn chưa chịu về quê. Ông nhìn trời đêm rồi cười nhẹ tênh. Tay mình một cánh đâu đó nằm chôn vùi đất này. Chân mình một cái cũng trôi theo con sông Vàm Cỏ. Bạn bè mình, những đứa cùng xin đi vào chiến trường đã nằm lại. Có đứa còn chưa quên mùi hương bưởi trên tóc cô người yêu. Có đứa còn dang dở trang nhật ký viết cho mẹ trong những tháng ngày hành quân. Nói thiệt, có đứa còn chưa biết mùi con gái là gì. Sao đành về mà bỏ đồng đội. Trận đánh Tân Biên, khi hai người đồng đội ngã xuống, ông vẫn ở đó, một mình với súng và giữ xác đồng đội. Cùng đi thì phải cùng về, dẫu chỉ là những thớ thịt không hồn. Nhưng, hồn họ quyện vào sông nước, rừng đất nơi này. Bỏ đi là bất nghĩa.
Người ta có thể quy tập những hy sinh, những chiến công về đây, nhưng, tin chắc cho đến mãi ngàn đời sau, chẳng thể nào quy tập trọn vẹn những câu chuyện của họ trên đất này.
Nếu có mảnh đất nào nhiều cây trung quân nhất thì chính là những cánh rừng ở Tây Ninh. Có lẽ, cây cũng như người, chọn đất mà sống. Chính linh thiêng hồn cốt tiền nhân bao đời đã tỏa rạng hào khí để màu xanh trung quân ngày càng thắm trên đất này.
Ông thương binh già gá phận đời mình cùng cô quân y đã cứu ông trong đêm giữ xác đồng đội. Ông bảo có lẽ đất này chọn mình bởi chính cái tình thắm nồng của người miền Đông. Người ta chỉ có một quê hương đó chính là Tổ quốc, người ta chỉ có một bản xứ đó là nơi mình sinh ra, và người ta chỉ có một mái nhà đó là nơi mình phải sống. Với ông, mảnh đất Tây Ninh với những ân tình này đã là nhà từ những bước chân đầu tiên ông đến.
Quanh đống lửa chúng tôi hát. Những bài ca một thời nâng bước quân hành. Những bài ca bất tử như những câu chuyện đất này.
Tháng tư, mùa trung quân thay lá. Đi khắp những cánh rừng nơi đây đều thấy bạt ngàn xanh lá trung quân. Những chiếc lá được lợp nhà, những chiếc lá để ngụy trang, những chiếc lá xanh từ trong pháo lửa đạn rơi đến tận bây giờ. Nếu có mảnh đất nào nhiều cây trung quân nhất thì chính là những cánh rừng ở Tây Ninh. Có lẽ, cây cũng như người, chọn đất mà sống. Chính linh thiêng hồn cốt tiền nhân bao đời đã tỏa rạng hào khí để màu xanh trung quân ngày càng thắm trên đất này.
Chia tay vùng biên Xa Mát, từ cánh rừng Lò Gò chúng tôi mang về những trái rỏi mà người dân vừa đi rừng sớm hái tặng. Chuyến xe chở về đầy ắp những nghĩa tình của một vùng đất đỏ miền Đông trung dũng.
Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.
Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@
Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.
Bình luận (0)