Sau khi Báo Thanh Niên ngày 13.2 đăng bài Vẻ đẹp... mơ hồ nói về khẩu hiệu và biểu tượng đặc thù cho du lịch VN, nhiều bạn đọc đã có ý kiến về vấn đề này.
Đúng là mơ hồ!
Để thu hút du khách, một trong những yếu tố cần là phải có slogan hấp dẫn và biểu tượng đi thẳng vào đặc thù của du lịch VN. Thế nhưng, các nhà quản lý du lịch hình như đang “sa lầy” vào những slogan khô cứng và trừu tượng. “Vẻ đẹp tiềm ẩn”, “Vẻ đẹp bất tận” đều là những slogan không mấy ai diễn giải được có ý nghĩa đặc trưng như thế nào. Những slogan này đều có thể áp dụng với bất cứ quốc gia nào. Vì vậy, khi đọc lên hoặc đập vào mắt khách du lịch, họ cũng sẽ... mơ hồ, chứ không phải khơi gợi sự khám phá như các nhà quản lý du lịch kỳ vọng. ([email protected])
Không nên ăn xổi
Một biểu tượng du lịch hay một khẩu hiệu ấn tượng phải tạo ra sự bất ngờ, hay có thể là một cú “sốc” nhẹ cho khách du lịch. Có như vậy mới khiến du khách tò mò khám phá. Khi Thái Lan lấy slogan là “Ngạc nhiên Thái Lan” là họ có chủ ý nhằm tạo cho du khách sự hưng phấn để khám phá. Du khách sẽ nếm trải từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Còn ở VN, ngành du lịch chưa có ý thức tạo nên sự bất ngờ thú vị cho du khách, vì thế khó thu hút khách du lịch. Ngoài ra, biểu tượng và slogan phải được định danh trong một lộ trình ít nhất từ 5-7 năm, để du khách “thấm” và có điều kiện so sánh với thực tế, chứ không phải chỉ vài ba năm theo kiểu ăn xổi ở thì như hiện nay. (Huỳnh Quốc Anh - HDV một công ty du lịch lữ hành)
Biểu tượng, khẩu hiệu phải “sống”!
Nghĩ ra slogan, vẽ ra biểu tượng hấp dẫn chưa đủ mà phải làm cho biểu tượng, khẩu hiệu đó “sống” qua nhiều năm. Có nghĩa là phải khuếch trương du lịch gắn liền với việc quảng bá du lịch một cách bền bỉ. Chứ không phải cứ nghĩ ra khẩu hiệu, vẽ ra biểu tượng rồi gắn lên pa nô giăng khắp mọi nơi là được. Thu hút du lịch đòi hỏi phải có nghệ thuật và có “chiêu” cạnh tranh. Nếu không thì du lịch cũng sẽ chỉ dừng lại ở những tấm pa nô nằm phơi mưa nắng mà thôi! ([email protected])
Nên nhấn về biển
Một quốc gia biển, có lợi thế bờ biển dài đến 3.200 km thì vẻ đẹp du lịch chắc chắn phải gắn với biển. Biển và nền văn hóa lâu đời, đậm chất Á Đông chính là những điểm nhấn phải hết sức được chú ý khi thiết kế biểu tượng và nghĩ ra slogan. VN rất nhiều sông rạch, nhưng rồi cũng chảy ra biển lớn. Đó có phải là một ý tưởng cho du lịch Việt hay không? Tất cả tập quán, phong tục người Việt từ xưa đến nay cũng đều dựa vào các dòng sông và nền văn minh lúa nước. Theo tôi, đó là các điểm nhấn của du lịch Việt, từ đó có thể nghĩ ra slogan và biểu tượng thích hợp cho ngành du lịch VN. (Nguyễn Tấn Phong - Q.7, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Bình luận (0)