Con sông biểu tượng của TP.HCM dài 256 km, nhưng chỉ chảy qua địa phận thành phố này 80 km. Người Sài Gòn mỗi khi đi xa về, từ trên máy bay nhìn xuống, nếu thấy đỉnh chóp nhọn của tòa nhà sừng sững và dòng sông rộng lớn là biết mình sắp về đến nhà.
Bộ ảnh do nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Tú (TP.HCM) thực hiện.
Đêm xuống, khung cảnh như một bức tranh vẽ ra từ giấc mơ. Đường Tôn Đức Thắng, quận 1, nối quận 4 bằng cầu Khánh Hội kéo dài đến Bình Thạnh trông giống dải lụa nhỏ vắt qua thành phố, song song với dải lụa khổng lồ của dòng sông chảy cong về cuối chân trời |
Bình minh xuyên qua chóp nhọn của cầu Thủ Thiêm 2, biểu tượng mới của TP.HCM. Cầu dài gần 1,5 km, 6 làn xe, bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 1 với Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức). Tổng vốn đầu tư 3.100 tỉ đồng, kinh phí xây cầu lớn nhất từ trước đến nay của TP |
Từ Thủ Thiêm nhìn về quận 1 và quận 4. Kia là cầu Khánh Hội bắc qua kênh Bến Nghé, một bên là cột cờ Thủ Ngữ và bên kia là bến Nhà Rồng. Từ cột cờ Thủ Ngữ, du khách có thể đi bộ về hướng bến Bạch Đằng - đã được chỉnh trang, làm mới. Cột cờ Thủ Ngữ cao 30 m, được xây dựng năm 1865, phần chân cột có kiến trúc hình ngôi sao 8 cánh như mặt bằng thành Gia Định xưa. Đây là công trình ngày xưa để điều tiết tàu thuyền ra vào cảng, năm 2021 đã được trùng tu |
Khu đô thị Vinhomes Central Park tiếp giáp với sông Sài Gòn hơn 1 km trong làn mây sớm. Tòa nhà Landmark 81 nằm trong top 20 tòa nhà cao nhất thế giới, cao 461 m với 81 tầng nổi và 3 tầng hầm |
Thành phố của những cây cầu, dòng sông và kênh rạch. Ngoài những câu cầu, dưới lòng sông còn có hầm Thủ Thiêm, kết nối TP về phía Đông. TP.HCM có tổng diện tích 2.095 km2, gồm 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện; dân số khoảng 9 triệu người |
Những dòng kênh ở trung tâm TP đã dần xanh hơn. Trong ảnh là kênh Bến Nghé, hay rạch Bến Nghé, dài 3,1 km bắt đầu từ nơi giao nhau với sông Sài Gòn và kết thúc khi gặp kênh Tàu Hủ, kênh Tẻ và kênh Đôi. Con kênh cũng là ranh giới chia quận 1 và quận 4; phía quận 1 là đại lộ Đông Tây xuyên suốt chiều dài của TP với 22 km, qua 8 quận huyện |
Bán đảo Thủ Thiêm nhìn từ phía quận 1 trong bình minh rực rỡ. Rộng 657 ha, khu đô thị mới Thủ Thiêm kết nối với trung tâm kinh tế TP.HCM bằng 5 cây cầu, trong đó có 1 cầu đi bộ nối quảng trường trung tâm hành chính Thủ Thiêm với quận 1 tại vòng xoay Mê Linh |
Ngã ba sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé. Tòa nhà mái ngói đỏ tươi là bến Nhà Rồng, xây dựng năm 1863. Chính tại nơi này, ngày 5.6.1911 Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tàu rời Việt Nam, bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước |
Giữa nhiều cây cầu hiện đại xuất hiện cây cầu hơn trăm năm tuổi, đó là cầu Mống, nối trung tâm tài chính của TP với phía bờ quận 4. Cây cầu hiện chỉ được sử dụng như lối đi bộ và là điểm tham quan, chụp hình nổi tiếng. Cầu được xây trong hai năm 1893 - 94, dài 128 m, rộng 5,2 m bằng thép |
Công trình tòa nhà IFC One Saigon của Viva Land cao 185 m vừa được thay mới mặt ngoài, góp phần cho khu vực này trở nên lộng lẫy hơn. Từ trên cao nhìn xuống là quãng sông Sài Gòn mênh mông rộng lớn |
Rời trung tâm TP và Thủ Thiêm ở phía Đông, du khách có thể về quận 7 phía nam với cảnh đẹp sông nước hồ Bán Nguyệt, rạch Thầy Tiêu, rạch Đĩa, rạch Cả Cấm nối với sông Sài Gòn ở góc xa |
Sài Gòn - TP.HCM hơn 300 năm, những công trình xưa cũ có những thứ mất đi nhưng nơi góc phố vẫn còn đó nhiều tòa nhà rêu phong cổ kính. Ngã ba sông Sài Gòn và kênh Bến Nghé vẫn sừng sững cột cờ Thủ Ngữ, bến Nhà Rồng hay cầu Mống gần 130 năm tuổi...
Những công trình xưa trăm năm vẫn hiện diện ở trung tâm TP, trở thành điểm tham quan đặc sắc, tiêu biểu, giá trị với du khách trong và ngoài nước như Nhà hát TP, trụ sở UBND TP.HCM, Bưu điện TP...
Nhà hát TP được xây dựng năm 1898 bởi các kiến trúc sư người Pháp. Phía trước nhà hát nhiều năm liền được quây kín để xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km, trong đó có đoạn ngầm dưới lòng đất dài 2,6 km từ ga Bến Thành đến ga Ba Son. Tại vị trí này là ga Nhà hát TP. TP.HCM đã hy sinh một số giá trị cũ để lấy những giá trị mới, phục vụ cho mục đích phát triển |
Bình luận (0)