Ngay từ đầu năm 2004, bên bờ sông Đà ở H.Mường La, Sơn La, những người thợ Sông Đà đã chuẩn bị cơ sở cho cả chục ngàn người về xây thủy điện lớn nhất Việt Nam. Nhiệm vụ chính của họ là đào đắp hơn 14,6 triệu m3 đất đá để tạo nên thân đập dài hơn 1 cây số.
Theo ông Dương Khánh Toàn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Sông Đà, là tổng thầu xây lắp, đơn vị đã huy động lực lượng tinh nhuệ vào thi công công trình. “Chúng tôi cũng huy động những thiết bị hiện đại nhất, đặc biệt là dây chuyền công nghệ mới hiện đại để thi bê tông đầm lăn”.
|
Nói về hệ thống thiết bị thi công bê tông đầm lăn, ông Nguyễn Kim Tới, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Sông Đà, người tổng chỉ huy của Sông Đà trên công trường nhớ lại thời điểm khó khăn: “Riêng hệ thống trạm trộn, băng tải, thiết bị san dải… có giá hàng trăm tỷ đồng. Đây là số tiền lớn nên lúc đầu chúng tôi cũng rất trăn trở. Tôi nghĩ rằng, việc lựa chọn thiết bị, công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Mặc dù giá thiết bị là không hề rẻ nhưng hiệu quả rất lớn”.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Kim Tới, dự án đầu tư được Tập đoàn điện lực Việt Nam chuẩn bị kỹ càng. Thiết kế kỹ thuật được chia làm 3 giai đoạn: thiết kế kỹ thuật công trình dẫn dòng, thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1, thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2. Qua đó có thể cho thiết kế và triển khai sớm công trình dẫn dòng, sớm đào các hố móng công trình chính trước khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2 nên cũng rút ngắn được thời gian thi công.
Ông Thái Phụng Nê, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ nhận xét: “Tổng thầu là Tổng công ty Sông Đà đã áp dụng rất tốt kinh nghiệm của các công trình thủy điện lớn mà họ đã làm như Hòa Bình, Yaly vào công trình Sơn La và phối hợp các nhà thầu làm việc một cách nhịp nhàng, khoa học. Đặc biệt, họ đã làm chủ công nghệ phối trộn, đổ bê tông đầm lăn đạt chất lượng tốt và tiến độ rất nhanh, qua đó góp phần quan trọng đưa nhà máy hoàn thành trước tiến độ”.
Sức trẻ trên công trường
Ngoài quyết định đầu tư đúng hướng, yếu tố tinh thần và sức trẻ trên công trường cũng giúp những người thợ Sông Đà làm nên kỳ tích. Đã nhiều lần lên công trường, chúng tôi luôn ấn tượng với không khí sinh hoạt và sản xuất tại đây. Những dãy nhà lợp tôn khang trang bên triền đồi với đầy đủ điện, nước, trạm xá đã là ngôi nhà thứ hai của hàng nghìn người trong 5-6 năm xây dựng thủy điện Sơn La. Ở đây còn ngập tràn không khí tưng bừng của các giải bóng đá, hội diễn văn nghệ và hàng trăm đôi uyên ương đã cưới nhau ngay trong những ngày cùng xây thủy điện.
Anh Trịnh Quốc Đông, phó Bí thư đoàn Tổng công ty Sông Đà nhớ lại: “Thời kỳ cao điểm, có tới gần 10.000 đoàn viên thanh niên trên công trường. Ngoài chăm lo đời sống vật chất cho công nhân, lãnh đạo tổng công ty và chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng rất quan tâm đến phong trào đoàn và đời sống tinh thần của công nhân trẻ. Chính vì vậy, tổ chức đoàn trên công trường đã phát huy tính sáng tạo, tạo ra môi trường thi đua cho hàng ngàn bạn trẻ đã hăng say lao động. Từ Sơn La, chúng tôi đang tiếp tục phát huy sức trẻ để đạt thành tích tốt trong xây dựng thủy điện Lai Châu”.
K.Long - T.Sơn
>> Mổ lợn ăn mừng thủy điện Sơn La
>> Nguồn sống mới từ hồ thủy điện Sơn La
>> Thủy điện Sơn La làm lợi 1 tỉ USD nhờ về đích sớm
>> Tháng 12, dự kiến khánh thành công trình thủy điện Sơn La
Bình luận (0)