Sống đẹp lần 4: San sẻ yêu thương

Về đón mùa dâu da - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Bình (TP.HCM)

28/07/2024 08:30 GMT+7

Xong chuyến công tác, chị và đồng nghiệp quay về thành phố, anh lái xe gãi đầu xin mọi người thông cảm cho anh đi đường vòng có hơi xa hơn một chút để ghé qua nhà gửi cho mẹ mấy thang thuốc. Chị cười nói được, cô đồng nghiệp trẻ nói càng được ngắm cảnh, nói thế chứ xe vừa chạy là cô gà gật ngủ mất.

Xe chạy trên đê, mắt chị va phải tên làng Nõn tỉnh X trên tấm biển hiệu của nhà may bên đường, chị vội gọi anh tài xế cho xe dừng lại, đồng nghiệp tỉnh ngủ mờ mịt nhìn. Chị cầm túi xách nói mình xuống đây, muộn lắm là mai sẽ về.

Về đón mùa dâu da - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Bình (TP.HCM)- Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

Từ trên đê nhìn xuống, làng không rộng lắm nhưng xanh, địa danh này chị đã nghe không ít lần từ Phan, anh kể nhà anh ở cuối làng, từ cổng làng đi chừng cây số là tới. Một cây số, nhưng chị không biết phải vượt qua như thế nào. Đột ngột tìm đến nhà anh thế này, có khiến anh khó xử không, anh sẽ giới thiệu chị với vợ con anh thế nào. Con anh là trai hay gái, nếu anh có vợ và có con ngay hồi đó thì đứa trẻ cũng được bốn tuổi rồi. Con anh là một, hay hai, hay ba đứa, anh nói anh thích trẻ con nên sẽ sinh ba đứa. Anh là con một, đi đâu chơi gì cũng lủi thủi, lắm chiều anh cứ ôm gốc cây nhìn vào nhà bạn bè, ở đấy có bố mẹ, có ông bà và có trẻ con. Nhà anh chỉ hai mẹ con ra vào chạm nhau.

Ngày ấy, anh nhận tin mẹ ốm, anh về thăm nhà rồi không quay lại nữa. Anh bỏ cả công việc mới xin được không lâu, anh nhắn tin cho chị nói mẹ muốn anh lấy vợ để mẹ yên tâm, anh cũng yên tâm vì mẹ có người sớm chiều thủ thỉ. Cô gái đó ở làng trên, học sau anh ba lớp. Mấy năm nay cô ấy ở nhà thay anh chăm sóc mẹ nên giờ anh không thể từ chối.

Chị ghé vào quán nước đầu làng nghỉ chân. Chị vẫn chưa tìm được lý do để đến nhà anh mà không báo trước, là tò mò, là quý mến bạn cũ hay còn ấm ức vì ngày ấy chị không là lựa chọn của anh?

- Phan "chột" ấy hả?

- Dạ không, anh Phan học du lịch, người dong dỏng, da trắng…

- Con bà Đoài chứ gì, cả làng có ai tên Phan nữa đâu. Nó là Phan chột, còn mỗi một mắt thì không phải chột là gì!

Bà hàng nước hềnh hệch nhanh nhảu, không đợi chị hỏi đã kể tuột.

Đúng là Phan rồi, anh không có bố, chỉ có mình mẹ, sau nhà có cây sấu to. Lần ấy anh về nhà thì gặp tai nạn, gãy một chân và hỏng một mắt. Từ đấy Phan ở nhà luôn không đi đâu nữa, Phan làm phần ruộng của hai mẹ con, thuê thêm ruộng của bà con trong làng. Giờ ít ai cấy hái, có người cấy hái nộp sản hộ người ta còn mừng. Phan chuyển ruộng thành ao đầm, dưới nuôi tôm cá, trên trồng rau củ, mất gần hai năm thua lỗ, đến năm thứ ba mới thắng, còn thắng lớn.

- Thế vợ chồng anh ấy được mấy cháu rồi ạ?

- Vợ nào, cậu ấy đã lấy ai đâu?

Nghe câu trả lời ráo hoảnh của bà hàng nước, chị chưng hửng ngồi lặng một lúc lâu, thật lâu chị mới gặng hỏi thêm:

- Cháu nghe là cô nào làng bên, hay qua lại chăm sóc mẹ anh ấy.

- Cô nghe ở đâu vậy, tôi ở làng này, lợn nhà ai bao nhiêu cân, gà nhà ai bao nhiêu con tôi còn biết, sao tôi lại không nghe chuyện này? Cậu ấy mà chịu lấy vợ bà Đoài chẳng mừng đến tỉnh ngủ. Trước thì bà ấy cũng giục giã đấy, từ khi con trai mình thành ra vậy, bà ấy không nói gì nữa. Còn người đã là may rồi, sau có sao cũng là trời nhủ lòng thương. Cũng có người có tình cảm với cậu ấy nhưng cậu ấy chỉ lắc thôi. Cũng chẳng biết cậu ấy còn đắn đo gì, người đã thế, có người để ý sao còn kén chọn?

Chị im lặng nghe bà hàng nước vanh vách kể chuyện Phan, lúc này chị đã hiểu vì sao anh không quay lại thành phố sau chuyến thăm nhà ấy, còn báo tin cưới vợ. Dân du lịch mà hỏng mắt thì làm sao theo nghề? Lấy vợ, chỉ có lý do đó mới khiến chị rời xa anh. Và đúng như anh tính toán, chị đã im lặng để anh đi mà không níu kéo. Anh cưới vợ, ở lại quê nhà báo hiếu, chị làm sao oán giận được dù sau đó một mình chị phải tự mình đau, tự mình khóc rồi tự mình lau nước mắt. Một mình chị giữa thành phố xa lạ với một mầm sống mới. Nếu không quen anh, chị đã về gần gia đình, nhưng nay không còn anh chị lại không thể trở về. Những ngày tháng u ám đó, chị tự nuốt nước mắt vào trong, níu vào mầm sống ấy mà đứng dậy.

Những ngày tháng ấy, đến nhớ anh chị còn không dám, anh đã là của người khác, chị cũng không phải người thích thương thầm nhớ mượn. Những khuya con bé sốt, cứ ngằn ngặt khóc, chị quấn con trong mấy lớp khăn, một mình đùm núm con đi bệnh viện. Đôi vai nhỏ của chị buộc phải rộng dài để che chở cho con…

Nhưng hôm nay thấy tên làng anh, chị còn không nghĩ đến chuyện làng có thể trùng tên, tên huyện tên xã còn có thể trùng nữa là, đã vội xuống xe.

Chị hỏi đường vào đầm của Phan sau khi hỏi mua mấy hộp bánh kẹo, bà chủ quán vui vẻ chỉ. Trời chiều nắng nhạt nhiều, lũ chim bay lượn vui vẻ phía cánh đồng như đang reo vui, chị đi dọc con đường làng râm mát, nghe gió từ cánh đồng thổi vào thơ thới. Mới khi nãy chị còn ngại ngần, chị sợ vợ anh suy nghĩ, phụ nữ mà, luôn có giác quan thứ sáu nhạy bén. Có một sự thật khác khiến bước chân chị trở nên mạnh dạn hơn.

Lần đầu tiên chị đến mà ngỡ như đã từng đến đây. Anh không ít lần kể về quê mình, về ngôi đình làng cổ kính, phía trước có hai cái giếng như hai mắt của con giao long, lúc này cái giếng sát đình đang nở rộ những bông hoa súng tím. Mảng xanh phủ khắp làng, có mái nhà ngói cổ, giàn gấc leo trùm hết nửa căn nhà, những quả gấc xanh đỏ lúc lỉu nặng trĩu khiến chị mỉm cười, ngôi nhà này có phải anh từng kể, đó là nhà bạn anh, thi thoảng anh bạn đó lại ôm từng quả gấc đi biếu những nhà trong làng vì nhà ăn không hết.

Người làng anh vẫn nhiệt tình hồn hậu như lời anh kể ngày trước, họ không biết chị là ai nhưng cũng chào và hơi ngẩn người khi nhận ra giọng chị hơi khác những người nơi này, nhưng họ chỉ cười và đi tiếp.

Người đàn ông đang làm gì đó cạnh ngôi nhà lợp lá, trong ráng chiều, ngôi nhà trở nên nhỏ bé giữa bao la xanh của cánh đồng, giữa màu nước đầm loang loáng, xa hơn nữa là vườn cây nhãn và vải. Quần bảo hộ bạc phếch, áo thun màu tối, chân đi đôi ủng cũ màu nâu đỏ, nón lá hất ra sau gáy, chị đến gần hơn và nhận ra Phan. Chị đứng sững nhìn anh đang loay hoay buộc giàn cho đám cà chua xanh mướt. Dưới đầm thi thoảng lại có cá búng mình tòm tõm làm đám bèo xao động, lung lay, quanh bờ đầm là màu xanh của rau.

- Chị tìm ai ạ?

Anh ngoảnh mặt hỏi. Chị sửa lại khẩu trang, chỉ xua tay, không dám lên tiếng. Anh chỉ tay về phía chòi lá:

- Bên ấy có ấm nước vối, chị dùng tạm.

Lúc này chị kéo khẩu trang xuống, anh có nhận ra chị không, làm như không quen biết hay sẽ thảng thốt gọi tên chị? Sau đó sẽ thế nào?

Hơn sáu năm, anh đã sống thế này, hẳn anh vẫn sẽ sống vậy thêm nhiều năm nữa, chăm sóc mẹ già và làm kinh tế, có khi nào anh có ý định đi tìm chị không? Chị xót xa thương anh, từ một thanh niên ngời ngợi tương lai bỗng phải gắn mình với ruộng vườn bùn đất, mặc cảm với khiếm khuyết nên anh đã đẩy chị ra xa. Hẳn anh hy vọng chị tìm được người con trai khác tốt đẹp và lành lặn.

Chị không tưởng tượng được để có ngày hôm nay, để đầm có cá và trên bờ có rau anh đã phải bắt đầu thế nào. Sau tai nạn hẳn anh đã rất đau khổ, thất vọng và nhụt chí. Anh đã vịn vào đâu để đứng dậy khi anh đã đẩy chị ra xa? Tính ra khi chị đang đau khổ thì anh cũng đâu khá hơn, thậm chí còn thêm bất lực, chán chường và có khi cả không muốn sống. Chị rùng mình sợ hãi khi nghĩ nếu khi ấy anh chán nản buông xuôi, hẳn do bên cạnh còn mẹ già nên anh đã vượt qua. Ngày hôm nay của anh chưa nhiều màu đỏ của bội thu, màu vàng của chiến thắng nhưng ơn trời là màu xanh hy vọng đã dần che khuất màu u ám.

Nhìn đàn gà con vàng ruộm lăn theo chân gà mẹ, cái mỏ non mềm kêu chiêm chiếp, chị gạt nước mắt, khẽ mỉm cười. Bé Mi mà thấy chắc thích lắm. Chị lấy điện thoại ra chụp ảnh đàn gà, cái nhà lá nhỏ, chụp vườn cà chua mới trồng cao ngang đầu gối, chụp cái đầm rộng có con cá thi thoảng quẫy nước, tất nhiên là chụp cả người đàn ông kia nữa. Bé Mi nên được ngắm những bức ảnh thanh bình này, và hơn thế.

Chị rót cốc nước vối, lại nghĩ sáu năm nay, chị một mình vừa làm cha vừa làm mẹ, mấy năm đầu đối mặt với người đời, tránh mặt cha mẹ người thân, đến nhà cũng không dám về so với anh thì ai vất vả hơn? Từ khi có con, đến tận năm nay chị mới nhận lời đi công tác, là khi bố mẹ chị đã thông cảm và quay sang yêu thương đứa cháu ngoại. Chị có chút không đành lòng khi anh làm cha mà chưa làm gì được cho con gái, thậm chí còn chưa biết sự có mặt của con trên đời. Tay cầm cốc nước của chị run run, nước vối có vị gì chị cũng không biết, nhìn người đàn ông vẫn lom khom chăm chú, chị quyết không để anh được yên ổn thế, anh cần phải có trách nhiệm và đón nhận gánh nặng thuộc về mình.

Vào đến làng, chị không kìm được lại hỏi đường đến nhà anh. Ngôi nhà ba gian một buồng hẳn được xây từ lâu lắm, tường vôi đã bạc phếch, cũ kỹ và tróc lở khá nhiều nhưng chị lại thấy quen thuộc. Mẹ anh đang ở góc sân, bên cạnh là đống rau lang khá to, trong chuồng, mấy con lợn đang chồm chân lên cửa, gác mõm lên kêu ầm ĩ. Bà tưởng chị ghé mua gà, nói mới bán hết đàn gà hơn hai chục con mấy hôm trước, nay còn mấy chục trứng, chị lấy bà để rẻ cho, trứng gà nhà nuôi được.

Chị lấy gói bánh mua ở quán nước khi nãy, nói là người quen của Phan, bà thả ngay con dao, vồn vã mời chị vào nhà, hỏi chị quen Phan thế nào, nhà ở đâu. Từ ngày anh về, bạn bè không có mấy ai, anh cũng im lìm từ đó, đôi lần bà giục anh lấy vợ nhưng anh chỉ ậm ừ bỏ ngoài tai. Bà sốt ruột rồi cũng kệ, hằng ngày anh ở ngoài ấy với cá với cây, tối muộn mới về nhìn mẹ một lúc rồi lại ra ngoài ấy ngủ.

Bà khoe năm trăm cây vải Phan trồng năm ngoái đã cho lứa quả đầu tiên dù còn hơi chua, hơn ba trăm cây nhãn phải một hai năm nữa. Cây dâu da xoan đó giờ chỉ là món cho trẻ con, thế mà cũng bán được, ban đầu thấy anh trồng, bà chỉ nghĩ anh trồng chơi, thế mà người ta đến mua còn không có mà bán. Chị tò mò hỏi cây dâu da xoan nó thế nào, bà chỉ ra góc vườn, nơi cây xanh có lá xếp như rau ngót đang bắt đầu bung nở những bông hoa trắng, mẹ anh nói một lần nào đó về thăm nhà, anh đã trồng nó. Chị thần người, mùa hè nào đó anh đã mang làm quà cho chị thứ quả bé bằng đầu ngón tay, chua chua, toàn hạt nhưng thơm…

Bà nhìn về phía đồng, dù tầm mắt bà bị ngăn bởi hàng tre nhưng hẳn bà vẫn biết ngoài kia là con trai bà, là trái tim bà vẫn đang nhịp nhàng đập những nhịp đập yên bình.

Bà giữ chị ở lại ăn cơm, chị từ chối. Lúc ra đến giếng nước, chị ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng từ những bông hoa trắng, sắp tới mùa dâu da rồi. Chị quyết định quay lại đưa bà mảnh giấy có ghi số điện thoại của mình. Chị nghĩ anh có thể quên, cố quên nhiều thứ nhưng nét chữ và số điện thoại chị, hẳn anh vẫn chưa.

Lúc đi qua ngôi nhà có giàn gấc xanh che phủ, chị nghĩ những ngày cuối tuần nào đó bé Mi cũng cắp cái rổ con con trong ấy có mớ rau, con cá, mấy quả cà chua vừa chín tới hay là những quả dâu da xoan nửa đỏ nửa vàng đi trên con đường làng lát đá xanh, thấy ai cũng híp mắt chào, nghe người ta nói: "Con gái bố Phan đây đúng không?". Và con bé sẽ cười thật giòn trả lời: "Vâng ạ, cháu là con bố cháu!".

Về đón mùa dâu da - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Bình (TP.HCM)- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.